“Nghiên cứu cơ sở khoa học cho xây dựng chính sách phát triển sinh kế bền vững đối với cộng đồng ngư dân vùng bãi ngang ven biển”
Cập nhật vào: Thứ hai - 15/07/2019 15:04
Cỡ chữ
Các cộng đồng người dân bãi ngang ven biển thường phải định cư tại những địa bàn có điều kiện tự nhiên có nhiều khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp truyền thống. Sinh kế chính của người dân vùng bãi ngang ven biển là khai thác ven bờ và việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên khiến các nguồn lợi ngày càng bị cạn kiệt. Việc phát triển NTTS tự phát, không quy hoạch gây ra những hệ lụy về môi trường. Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do đất đai khô cằn, bạc màu hay đất cát, nghèo dinh dưỡng khiến cho năng suất cây trồng thấp, yêu cầu đầu tư lớn, kể cả lao động, hiệu quả kinh tế do vậy cũng thấp.
Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ giảm nghèo cho các vùng đặc biệt khó khăn nói chung trong đó có 311 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển (theo Quyết định số 539/2013/QĐ-TTg).
Tuy nhiên, cho đến nay, nhà nước chưa có chính sách riêng cho nhóm đối tượng đặc thù là các cộng đồng người dân vùng bãi ngang ven biển vì nhóm này có những đặc thù riêng và gặp nhiều khó khăn cũng như rủi ro trong sản xuất và đời sống. Vì vậy Cơ quan chủ trì đề tài Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Cao Phương Nhung cùng thực hiện “Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc xây dựng chính sách phát triển bền vững sinh kế đối với cộng đồng ngư dân vùng bãi ngang ven biển” để tìm hiểu thực trạng sinh kế, những rủi ro sinh kế hiện thời và khả năng phát triển sinh kế bền vững của cộng đồng ngư dân vùng bãi ngang ven biển và đề xuất chính sách phát triển sinh kế bền vững đối với cộng đồng ngư dân vùng bãi ngang ven biển.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Sinh kế của cộng đồng ngư dân vùng bãi ngang ven biển hiện nay đã được phát triển đa dạng hơn với nhiều loại hình sinh kế từ trồng trọt, chăn nuôi, làm muối đến NTTS, khai thác và các ngành nghề phi nông nghiệp khác. Tuy vậy, các sinh kế hiện tại còn thiếu ổn định và không bền vững. Nhận thức được những vấn đề đó, trong những năm gần đây việc phát triển kinh tế xã hội vùng bãi ngang đã được nhà nước quan tâm hơn thông qua các chính sách đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tiểu biểu là Quyết định 1489 và Quyết định 539. Song các chính sách này chưa thực sự phát huy được hiệu quả như mong đợi do chưa tác động đúng vào các hạn chế về sinh kế của vùng bãi ngang hiện nay. Kết quả nghiên cứu của đề tài là một cơ sở quan trọng để giúp các nhà hoạch định chính sách có thể đề ra được những chính sách phù hợp và khả thi hơn để hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân vùng bãi ngang.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13812/2017) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)
định cư, tự nhiên, khó khăn, sinh hoạt, sản xuất, nhất là, nông nghiệp, truyền thống, sinh kế, khai thác, tài nguyên, thiên nhiên, ngày càng