Các nhà khoa học khám phá cách thức liệu pháp xạ trị ung thư có thể làm tổn thương não bộ
Cập nhật vào: Thứ ba - 24/12/2019 20:58
Cỡ chữ
Một nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà khoa học từ Đại học Rochester (Hoa Kỳ) đã tìm ra một cơ chế chịu trách nhiệm gây ra tình trạng suy giảm nhận thức ở những bệnh nhân ung thư não được xạ trị sọ. Phát hiện này mở ra hy vọng về khả năng phát triển những phương pháp mới nhằm bảo vệ não bộ khỏi tình trạng bị tổn thương trong quá trình điều trị ung thư.
Mỗi năm ở Hoa Kỳ có gần 25.000 người được chẩn đoán mắc bệnh u não và nhiều trường hợp trong số đó trải qua quá trình xạ trị - một trong những phương pháp phổ biến và quan trọng nhất trong điều trị ung thư. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là hơn 80% số bệnh nhân áp dụng liệu pháp xạ trị toàn não bộ có biểu hiện phát triển các dấu hiệu suy giảm nhận thức vĩnh viễn.
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng bức xạ được truyền đến bộ não trong quá trình điều trị ung thư có khả năng kích hoạt một tế bào miễn dịch trong não có tên gọi là microglia - đại thực bào của hệ thống thần kinh trung ương, còn được gọi là tiểu thần kinh đệm. Theo đó, hoạt động quá mức của microglia có thể phá hủy các khớp thần kinh kết nối các tế bào thần kinh, dẫn đến làm tổn thương bộ não khỏe mạnh.
Nghiên cứu mới tìm hiểu vị trí chính xác nơi microglia làm tổn thương các khớp nối thần kinh, từ đó, cung cấp cái nhìn sâu sắc chi tiết nhất từ trước cho đến nay về cách thức kích hoạt quá trình này của chùm tia bức xạ trong quá trình xạ trị. Các nhà khoa học đã quan sát các microglia kích hoạt bức xạ phá hủy các đuôi gai chưa trưởng thành có chức năng kết nối các khớp thần kinh với các tế bào thần kinh.
Kerry O’Banion, tác giả cao cấp của nghiên cứu giải thích: “Bộ não của con người vẫn liên tục tục tạo ra các tế bào thần kinh (nơ-ron) và các tế bào trong hệ thống miễn dịch hoạt động giống như một người làm vườn khi cẩn thận cắt tỉa các khớp thần kinh kết nối các tế bào thần kinh (synap). Trong quá trình tiếp xúc với chùm tia bức xạ, các tế bào này trở nên hoạt động quá mức và phá hủy các mối nối trên tế bào thần kinh cho phép chúng kết nối với các tế bào lân cận”.
Nhưng có lẽ điểm quan trọng nhất ở nghiên cứu mới là nhóm nghiên cứu đã tìm ra giải pháp nhằm ngăn chặn tổn thương não do ảnh hưởng của tia bức xạ. Theo đó, họ đã phát hiện ra thụ thể được gọi là CR3 vốn đóng một vai trò rất quan trọng đối với quá trình này. Khi hoạt động của thụ thể CR3 bị ức chế, microglia kích hoạt bức xạ không thể phá hủy các kết nối synap.
Điều thú vị là ở các cá thể chuột đực, biểu hiện hoạt động quá mức của các tế bào microglia rõ ràng hơn. Điều này cho thấy khả năng chịu đựng tổn thương của các tế bào thần kinh đệm trong não bộ cá thể chuột cái do ảnh hưởng của tia bức xạ cao hơn so với chuột đực. Kết quả của nhiều thử nghiệm trên chuột trước đây đã kiểm chứng một số hoạt động của tế bào microglia đặc trưng giới tính, do đó, sự khác biệt giữa chuột cái và chuột đực không phải là điều bất ngờ hoặc chưa từng có.
Nghiên cứu mới mở đường cho khả năng phát triển các phương pháp nhằm ngăn chặn tổn thương não ở bệnh nhân đang điều trị ung thư. Ngoài tác nhân trị liệu tiềm năng có khả năng ức chế hoạt động của thụ thể CR3 trong quá trình xạ trị, nghiên cứu mới còn chỉ ra phương pháp tiếp cận tổng quát hơn có thể chỉ đơn giản là làm giảm đáp ứng hệ miễn dịch của bệnh nhân trong các buổi xạ trị cụ thể.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Báo cáo khoa học.
P.K.L (NASATI), theo https://newatlas.com/medical/cognitive-impairment-cancer-radiotherapy-damage-brain-mechanism-discovered/, 12/2019
nghiên cứu, thực hiện, nhà khoa học, đại học, trách nhiệm, tình trạng, nhận thức, ung thư, phát hiện, hy vọng, khả năng, phát triển, phương pháp, bảo vệ, tổn thương, quá trình