CHÂU Á CÓ THỂ ĐÃ ĐÚNG TRONG SỬ DỤNG KHẨU TRANG PHÒNG LÂY NHIỄM COVID-19
Cập nhật vào: Thứ năm - 02/04/2020 08:20
Cỡ chữ
Với các nước châu Á, chính phủ thường khuyên người dân nên đeo khẩu trang nơi công cộng trước sự lây lan của Covid-19. Đây là một minh chứng cho chiến thuật đã được áp dụng trên hầu hết khu vực kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng và dường như đã hiệu quả khi tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn và ngăn chặn sự bùng phát nhanh hơn.
Ở những nơi khác trên thế giới, các cơ quan y tế công cộng, các chính trị gia và nhân vật truyền thông tự tin tuyên bố khẩu trang không có tác dụng phòng lây nhiễm và thúc giục mọi người thay vào đó tập trung vào việc rửa tay và duy trì khoảng cách xã hội. Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), cách đây vài tuần khi được hỏi mọi người có nên đeo khẩu trang không, ông vẫn trả lời là không cần thiết. Tuy nhiên, Redfield lại vừa phải thay đổi quan điểm và thừa nhận rằng CDC đang xem xét các hướng dẫn của mình và có thể khuyến nghị sử dụng khẩu trang để bảo vệ chống lại sự lây nhiễm trong cộng đồng.
Việc sử dụng khẩu trang phổ biến ở một số nước châu Á đã giúp hạn chế lây lan dịch bệnh hơn so với các các nước châu Âu và Mỹ
Tháng trước, Adrien Burch, một chuyên gia về vi trùng học tại Đại học California, Berkeley, đã lưu ý rằng "mặc dù có ý kiến cho rằng khẩu trang không hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm, nhưng cũng chưa thấy bằng chứng mạnh mẽ nào khẳng định điều đó". Trên thực tế, có bằng chứng hoàn toàn ngược lại: khẩu trang giúp ngăn ngừa nhiễm virus như đại dịch hiện nay. Adrien Burch đã chỉ ra một nghiên cứu tổng quan “Cochrane” - một phân tích có hệ thống về các nghiên cứu được công bố về một chủ đề nhất định - trong đó tìm thấy bằng chứng mạnh mẽ trong dịch SARS năm 2003, rằng việc đeo khẩu trang có thể giúp ngăn ngừa nhiễm bệnh. Một nghiên cứu về lây truyền cộng đồng ở Bắc Kinh cho thấy "việc thường xuyên đeo khẩu trang ở nơi công cộng có liên quan đến việc giảm 70% nguy cơ mắc bệnh SARS". SARS, giống như Covid-19, là một bệnh về đường hô hấp do cùng một loại vi-rút gọi là coronavirus. SARS lan rộng khắp thế giới, nhưng tồi tệ nhất tập trung ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Kinh nghiệm từ dịch bệnh SARS có thể được áp dụng trong đại dịch hiện nay và khiến người dân khắp khu vực phải đeo khẩu trang để tự bảo vệ mình.
Ngay từ đầu, Hồng Kông và nhiều chính phủ châu Á khác đã khuyến nghị mọi người đeo khẩu trang ở nơi công cộng, cho dù họ có biểu hiện triệu chứng nhiễm virus hay không. Chiến thuật này dường như đã góp phần giúp ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh.
Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc đại lục, tất cả những nơi có sử dụng mặt nạ rộng rãi, đã thấy thành công lớn hơn trong việc ngăn chặn dịch lây lan hoặc dập tắt ngay khi dịch mới nhen nhóm bùng phát, trái ngược với châu Âu và Bắc Mỹ nơi khẩu trang không được sử dụng hoặc không khuyến khích sử dụng.
Nói với CNN, Ivan Hung, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Hồng Kông, nói: "Nếu bạn nhìn vào dữ liệu ở Hồng Kông, đeo khẩu trang có lẽ là điều quan trọng nhất trong kiểm soát nhiễm bệnh. Và nó không chỉ làm giảm các trường hợp nhiễm coronavirus, mà còn làm giảm bệnh cúm. Trên thực tế, đây là mùa cúm và chúng tôi hầu như không gặp bất kỳ trường hợp cúm nào. Và đó là vì khẩu trang thực sự bảo vệ không chỉ chống lại coronavirus mà còn chống lại cả virut cúm".
Vào đầu tháng 3/2020, Hồng Kông chỉ có khoảng 150 trường hợp nhiễm Covid-19, mặc dù đã ở trên tuyến đầu của đại dịch kể từ khi nó bắt đầu và không tạo ra nhiều biện pháp kiểm soát dân số hà khắc hơn ở những nơi khác. Hồng Kông chỉ mới thấy một sự tăng vọt gần đây sau khi đón nhiều người bắt đầu trở lại từ châu Âu và Mỹ. Dựa trên nghiên cứu, khẩu trang có nhiều khả năng giúp ngăn ngừa nhiễm bệnh hơn là gây hại. Ngay cả khi đó chỉ là khẩu trang vải tự chế, nếu đeo đúng cách, nó sẽ không gây hại mà có thể sẽ làm giảm sự phơi nhiễm với virus.
Trong hướng dẫn về coronavirus, CDC lưu ý rằng Covid-19 lây lan chủ yếu "qua các giọt hô hấp được tạo ra khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi có thể rơi vào miệng hoặc mũi của những người ở gần hoặc có thể bị hít vào phổi". Cơ quan này khuyến cáo rằng những người bị bệnh nên đeo khẩu trang hoặc cố gắng "che miệng khi ho và hắt hơi", trong khi những người chăm sóc họ cũng nên đeo khẩu trang bất cứ khi nào họ ở cùng phòng. Tuy nhiên, trong cùng một lời khuyên, CDC nói rằng "không cần" đeo với người không có triệu chứng nhiễm bệnh, và cho rằng có thể thiếu khẩu trang cho những người chăm sóc người bệnh. Và đây là điều đã gây thất vọng và khó hiểu cho nhiều người, đặc biệt là những người ủng hộ việc đeo khẩu trang để phòng nhiễm bệnh. CDC, cùng với WHO và một số cơ quan và chuyên gia y tế công cộng khác, đã đồng thời tuyên bố rằng khẩu trang không giúp bảo vệ trong các trường hợp thông thường, trong khi nói rằng chúng cần thiết cho nhân viên y tế và người chăm sóc. Lời khuyên mâu thuẫn này đã tạo ra sự nhầm lẫn và sự bất đồng lớn. vấn đề là "tại sao khẩu trang tốt cho nhân viên y tế nhưng dân chúng lại không cần phải dùng?" Viết vào tháng trước trên tờ Thời báo New York, GS. Zeynep Tufekci nói rằng: "Để tránh sự thiếu hụt trang bị y tế, chính quyền đã gửi một thông điệp mà khiến dân chúng thấy họ không đáng tin. Cung cấp hướng dẫn từ trên xuống với những mâu thuẫn rõ ràng như vậy là phản tác dụng bởi vì thiếu niềm tin gây ra sự tích trữ và thông tin sai lệch. Nếu các quan chức lo ngại về sự thiếu hụt khẩu trang, họ nên tuyên bố điều này một cách thẳng thắn và khuyến khích mọi người tặng mặt nạ đã mua cho bệnh viện, chứ không nên tuyên bố ngay từ đầu rằng khẩu trang không hiệu quả”.
Một trong những lý do khiến CDC có thể thay đổi hướng dẫn về khẩu trang là vì coronavirus có thể lây lan khi người nhiễm không có triệu chứng, và do đó nếu đeo khẩu trang - như đã trở thành thông lệ ở Hồng Kông và các khu vực khác ở Châu Á kể từ đó tháng1/2020 - có thể giúp kiềm chế lây lan.
Và ngay cả khi không có sự lây truyền không có triệu chứng, việc đeo đeo khẩu trang phổ quát hoặc gần phổ quát cũng có công dụng của nó. Theo CNN, việc thiếu mặt nạ và các thiết bị bảo vệ khác trong các bệnh viện trên khắp Hoa Kỳ và các quốc gia khác cần được khắc phục nhanh nhất có thể. Thiếu sót này là do thất bại chính sách và các vấn đề về chuỗi cung ứng. Khi bằng chứng ngày càng xuất hiện nhiều hơn về tác dụng của khẩu trang, thay vì nói khẩu trang không giúp ích, các quan chức và giới truyền thông nên vận động các nhà máy tăng cường sản xuất trong nước, cung cấp hướng dẫn cách làm khẩu trang tại nhà, và đề nghị các nước khác tặng khẩu trang mà họ dư thừa.
P.A.T (NASATI), theo https://edition.cnn.com/, 3/2020
khẩu trang, chiến thuật, áp dụng, hầu hết, khu vực, bắt đầu, khủng hoảng, hiệu quả, tỷ lệ, ngăn chặn