Miếng dán da vắc-xin cúm được lấy cảm hứng từ bệnh chàm
Cập nhật vào: Thứ hai - 23/09/2019 17:59
Cỡ chữ
Tiêm chủng tuy là phương pháp ngăn ngừa các bệnh hiệu quả nhưng vẫn có những nhược điểm như: mang lại cảm giác không thoải mái khi tiêm, nguy cơ sinh học cao trong quá trình vứt bỏ chất thải y tế ra môi trường hay sự bất tiện khi phải lưu giữ và bảo quản thuốc tiêm dạng lỏng ở nhiệt độ thích hợp. Mới đây, các nhà khoa học đã phát triển một miếng vá vắc-xin cúm được thiết kế để gắn lên lớp da, giúp khắc phục tất cả những nhược điểm kể trên. Các thử nghiệm trên chuột đã cho thấy nó có hiệu quả trong việc tăng cường khả năng miễn dịch cũng như chống lại vi rút gây bệnh.
Miếng vá ban đầu được thiết kế với các vi kim được gắn ở mặt dưới để có thể dễ dàng giải phóng vắc-xin qua lớp da. Một dạng vắc-xin khô được đóng gói trong những ống vi kim này. Mũi kim chỉ đâm xuyên qua lớp trên cùng của da nên không gây cảm giác đau đớn, sau đó, thuốc sẽ nhanh chóng được giải phóng và hòa tan vào máu.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học tại Trung tâm Y tế Đại học Rochester (Hoa Kỳ), việc sản xuất thiết bị vi kim ở quy mô thương mại vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Xuất phát từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu gồm: Lisa A. Beck, Benjamin L. Miller và Matthew Brewer đã phát triển một bản vá mới hơn vẫn có chức năng cung cấp vắc-xin, nhưng họ không sử dụng vi kim mà thay vào đó, nhóm đã tận dụng cơ chế lấy cảm hứng từ bệnh chàm da.
Còn được gọi là viêm da dị ứng, bệnh chàm (eczema) xảy ra khi cơ thể thiếu protein claudin-1 khiến độ thẩm thấu của da vượt quá mức bình thường, từ đó, các chất gây dị ứng như phấn hoa và nấm mốc có thể dễ dàng xâm nhập qua da. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng với cơ chế thẩm thấu này, vắc-xin cúm từ mặt dưới của miếng dán cũng có thể hấp thụ qua da và hòa tan vào máu.
Để thực hiện điều này, nhóm nghiên cứu đã trộn vắc-xin với một peptide tổng hợp có khả năng liên kết và ức chế protein claudin-1. Do đó, khi miếng vá được gắn lên da, hàng rào bảo vệ da mở ra để vắc-xin có thể hấp thụ qua da nhưng sẽ đóng lại ngay sau khi gỡ bỏ miếng dán. Bản thân miếng dán cũng có khả năng ngăn chặn các chất gây dị ứng xâm nhập trong trường hợp tính thẩm thấu của da vẫn còn ở mức độ cao.
Trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đã tiến hành mỗi ngày gắn miếng vá nguyên mẫu trên lưng chuột trong vài giờ trong khoảng thời gian ba tháng. Họ khẳng định rằng không có vấn đề về da hay phản ứng phụ xảy ra. Trong trường hợp trước đó, chuột đã được tiêm phòng cúm để kích thích hệ thống miễn dịch, vắc-xin được thẩm thấu qua miếng dán vẫn có thể giúp tạo ra phản ứng miễn dịch chống cúm mạnh hơn.
Tuy nhiên, miếng vá chưa thực sự mang lại hiệu quả đối với những cá thể chuột chưa được tiêm phòng. Điều này chứng tỏ rằng mặc dù các miếng dán có thể rất hữu ích trong việc tăng cường khả năng miễn dịch với bệnh cúm, giống như tiêm phòng cúm hàng năm nhưng không hiệu quả đối với trẻ sơ sinh đã tiêm chủng hoặc bị phơi nhiễm với vi rút.
Các nhà khoa học hy vọng trong tương lai sẽ phát triển hơn nữa công nghệ mới và thử nghiệm lâm sàng trên người để cung cấp nhiều loại vắc-xin tại các quốc gia đang phát triển. Ở những khu vực này, các bác sĩ lâm sàng thậm chí với trình độ đào tạo tối thiểu vẫn có thể bảo quản và áp dụng miếng vá cho người dân địa phương, giúp loại bỏ cảm giác khó chịu, xâm lấn do sử dụng kim tiêm. Ngoài ra, ưu điểm của miếng dán là không cần bảo quản trong kho lạnh (nếu sử dụng các dạng vắc-xin khô).
Bài báo về nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Investigative Dermatology.
P.K.L (NASATI), theo https://newatlas.com/medical/flu-vaccine-skin-patch-eczema/, 09/2019
phương pháp, ngăn ngừa, hiệu quả, nhược điểm, cảm giác, thoải mái, nguy cơ, sinh học, quá trình, y tế, môi trường, bất tiện, bảo quản, nhiệt độ, thích hợp, mới đây, nhà khoa học, phát triển, thiết kế, lên lớp, khắc phục