UM phát triển công nghệ cho phép phát hiện vi-rút corona trong vòng 30 phút
Cập nhật vào: Thứ sáu - 07/02/2020 22:35
Cỡ chữ
Một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Phòng thí nghiệm trọng điểm Thiết kế điện tử Tương tự và Tín hiệu hỗn hợp VLSI (AMS-VLSI), thuộc trường Đại học Macau (UM) đã phát triển một công nghệ giúp nhanh chóng phát hiện vi-rút corona chủng mới 2019-nCoV chỉ trong vòng 30 phút.
Bộ kit xét nghiệm nhanh có tên gọi “Kẻ săn Vi-rút” (Virus Hunter), được phát triển bởi công ty Digifluidic Biotech dựa trên công nghệ đã được cấp bằng sáng chế của các nhà nghiên cứu UM và có khả năng thực hiện toàn bộ quá trình phát hiện vi-rút chỉ trong vòng 30 phút, giúp các chuyên gia y tế đánh giá tình trạng bệnh nhân dễ dàng và đơn giản hơn. Nhóm nghiên cứu đã liên hệ với các đơn vị y tế để hoàn tất quy trình xác minh nhằm đưa vào sử dụng công nghệ mới.
Các nhà khoa học UM cho biết bộ kit xét nghiệm thuốc thử hiện có sẵn và có thể được sử dụng để kiểm soát vi-rút nCoV trong phạm vi phòng thí nghiệm và không được áp dụng cho các xét nghiệm tại chỗ.
Điểm khác biệt ở Virus Hunter là thiết bị sử dụng chíp để phát hiện bệnh phẩm mũi họng chứa thuốc thử, giúp ngay lập tức thu thập thông tin dữ liệu của bệnh nhân, từ đó, cho phép các chuyên gia y tế tại các bệnh viện tuyến trung ương tiến hành các xét nghiệm nhanh trên bệnh nhân nghi ngờ nhiễm nCoV tại chỗ.
Chen Tianlan, Thạc sĩ Khoa học và Công nghệ Phòng thí nghiệm AMS-VLSI và là người sáng lập công ty Digifluidic Biotech Ltd, cho biết nhóm của ông đã tiến hành nghiên cứu và đang trong quá trình phát triển công nghệ mới này. Công ty Digifluidic Biotech Ltđ được chính thức thành lập vào năm 2018 với mục đích sản xuất các thiết bị di động có chức năng kiểm tra và xác định mầm bệnh.
Chen cho biết, mặc dù trên thị trường hiện nay có một số bộ kit xét nghiệm cho phép khả năng phát hiện bệnh trong vòng chưa đầy 30 phút, nhưng hầu hết các thiết bị này đều dựa trên xét nghiệm miễn dịch và không thể phát hiện vi-rút ngay từ giai đoạn đầu của bệnh. Trong khi đó, Virus Hunter sử dụng chip vi chất lưu kỹ thuật số thay thế cho thao tác bằng tay trong các xét nghiệm dựa trên chất thử truyền thống, từ đó, giúp tăng hiệu quả phát hiện bệnh cũng như giảm thiểu nguy cơ lây lan vi-rút.
Đây được xem là bước đột phá lớn thứ hai trong nghiên cứu khoa học trong nỗ lực tăng cường các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona với khoảng 15.000 ca nhiễm và hơn 300 ca tử vong ở Trung Quốc.
Trước đó một tuần, các nhà khoa học Úc đã lần đầu tiên tái tạo thành công phiên bản của vi-rút corona chủng mới (2019-nCoV) trong phòng thí nghiệm. Khám phá mới được coi là “bước đột phá quan trọng” trong nỗ lực nhằm ứng phó và ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm đang lây lan sang nhiều quốc gia và hiện đang được chia sẻ giữa nhiều nhóm chuyên gia nghiên cứu nhằm mục đích gia tăng mức độ hiệu quả trong quá trình xác định và điều trị bệnh.
Đầu năm, các nhà khoa học ở Trung Quốc cũng đã tiến hành giải trình tự bộ gen của vi-rút, nhưng bản thân nó không phải là vi-rút.
Các chuyên gia cho biết bản sao của vi-rút có thể được sử dụng làm vật liệu kiểm soát trong chẩn đoán. Phát hiện mới cho phép các nhà khoa học thực hiện xét nghiệm chẩn đoán nhằm xác định sớm những trường hợp nghi ngờ nhiễm vi-rút ngay cả khi họ chưa biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào, từ đó, giúp ngăn chặn hiệu quả sự lây lan bệnh dịch cũng như phát hiện kịp thời và điều trị bệnh ngay ở giai đoạn đầu, cải thiện đáng kể cơ hội phục hồi của người bệnh.
Trưởng nhóm nghiên cứu, TS. Mike Catton, Phó Giám đốc Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty, thành phố Melbourne, Úc cho biết: “Xét nghiệm kháng thể cho phép chúng tôi phát hiện các trường hợp bệnh nhân nghi ngờ nhiễm vi-rút, từ đó, chúng tôi có thể đưa ra những đánh giá chính xác hơn về mức độ lây lan của vi-rút, thậm chí là cả tỷ lệ tử vong do nCoV. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng đặc biệt trở nên hữu ích trong hỗ trợ đánh giá hiệu quả của vắc-xin thử nghiệm”.
Nghiên cứu của UM tập trung vào các vấn đề về sức khoẻ tâm thầnTrong bối cảnh bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp do vi-rút corona chủng mới 2019-nCoV, nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm các nhà khoa học thuộc trường Đại học Macau (UM) đã thu hút sự chú ý khi tập trung đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần trong cộng đồng. Bài báo về kết quả nghiên cứu của Giáo sư Xiang Yutao, Khoa Khoa học Sức khỏe, UM và các cộng sự được công bố trên tạp chí quốc tế The Lancet Psychiatry.
Với tựa đề “Chăm sóc sức khỏe tâm thần kịp thời trong bối cảnh bùng phát bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi-rút 2019-nCoV là việc làm mang tính cấp thiết”, bài báo đã nêu ra những bài học kinh nghiệm từ các đợt bùng phát dịch bệnh toàn cầu trong quá khứ, đồng thời, thảo luận về tầm quan trọng của công tác đánh giá ban đầu, biện pháp điều trị và can thiệp về sức khỏe tâm thần như một phần của chiến dịch phòng ngừa dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan của vi-rút corona.
Các nhà khoa học cho biết: Bệnh nhân được xác định nhiễm bệnh và bệnh nhân nghi ngờ nhiễm bệnh có thể sẽ phải trải qua một loạt các cảm xúc tiêu cực, từ cảm giác bất lực, cô đơn cho đến cảm giác chán nản, tức giận. Trong tình huống xấu nhất, bệnh nhân thậm chí có thái độ cực đoan như từ chối tham gia điều trị, có hành vi bạo lực hoặc đe dọa tự tử. Chính điều này khiến cho các vấn đề về sức khỏe tâm thần của họ vốn đã nghiêm trọng càng trở nên trầm trọng thêm. Bên cạnh đó, những người đã được cách ly, bao gồm cả người nhà và những người tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân, cũng có thể phải trải qua cảm giác mặc cảm và tội lỗi.
Trên thực tế, nhân viên y tế làm việc ở bệnh viện tuyến trung ương là những người thường gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tâm lý hơn cả vì họ có nguy cơ nhiễm vi-rút từ bệnh nhân cao hơn. Nỗi lo lắng về nguy cơ nhiễm vi-rút từ người bệnh và lây sang các thành viên trong gia đình, bạn bè và đồng nghiệp có thể là nguyên nhân dẫn đến chứng lo âu và mất ngủ trầm trọng ở họ.
P.K.L (NASATI), theo https://macaudailytimes.com.mo/um-develops-technology-to-detect-coronavirus-in-30-minutes.html?fbclid=IwAR2kjYbI1iwaa4956wB5iErTFE1s2QTV8_UD28qxVJdEG7OlNQS7LvglZMw, 2/2020