Ra mắt Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ ba - 08/10/2019 16:13
Cỡ chữ
Nhằm đồng hành và hỗ trợ cho các doanh nghiệp Khoa học và công nghệ (KH&CN), Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam (Hiệp hội) đã được thành lập và chính thức ra mắt vào ngày 5/10/2019.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Lễ ra mắt Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam.
Nhằm phát triển thị trường KH&CN, đặc biệt là doanh nghiệp KH&CN, Chính phủ đã ban hành một số chính sách khuyến khích như Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007, Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019, Chương trình Phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 (Chương trình 2075)… nhằm ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN như: miễn giảm thuế thu nhập cá nhân; Miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; Ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp KH&CN thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và sản xuất kinh doanh…
Lễ ra mắt Hiệp hội.
Phát biểu tại Lễ ra mắt và đại hội lần thứ nhất của Hiệp hội, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh sự ra đời của Hiệp hội sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển cả về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp khoa học công nghệ. Đồng thời, ông cũng bày tỏ mong muốn qua đó các doanh nghiệp này sẽ trở thành đầu tàu, phát triển công nghệ lõi, đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội; tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban KH&CN và Môi trường Quốc hội cũng bày tỏ hy vọng rằng, Hiệp hội sẽ là nơi hội tụ của trí tuệ, hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN nói riêng và ngành KH&CN nói chung.
VTS là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các doanh nghiệp KH&CN Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN. VTS có nhiệm vụ tập hợp, tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu KH&CN, sản xuất, kinh doanh, tham gia một cách tự nguyện. VTS cũng có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp và kết nối hiệu quả doanh nghiệp với các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hiệp hội chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, Bộ KH&CN và các bộ/ngành khác có liên quan về ngành, lĩnh vực hoạt động theo quy định của pháp luật. Trong ngày ra mắt, VST đã tiến hành Đại hội lần đầu tiên và bầu ra Ban chấp hành, Ban thường vụ, Ban lãnh đạo với nhiệm kỳ 5 năm. Đại hội cũng thảo luận về các vấn đề liên quan đến điều lệ, phương hướng hoạt động cụ thể của Hiệp hội.
Hiện nay, cả nước có khoảng 700.000 doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó chỉ có 468 doanh nghiệp là doanh nghiệp KH&CN. Do trước đây chưa có Hiệp hội đại diện nên nhiều doanh nghiệp có nhiều hoạt động KH&CN cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách ưu đãi của nhà nước hay giải quyết các vướng mắc trong quá trình hoạt động.
Để trở thành hội viên của hiệp hội, các doanh nghiệp, tổ chức cần là doanh nghiệp khoa học công nghệ, đã được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ và tự nguyện nộp đơn xin gia nhập Hội, được Hội xem xét và quyết định kết nạp.
Đại diện cho Ban thường vụ Hiệp hội nhiệm kỳ 2019 - 2024, ông Hoàng Đức Thảo - chủ tịch Hiệp hội kỳ vọng Hiệp hội sẽ nhanh chóng lớn mạnh và khẳng định được vị thế, vai trò dẫn dắt nền khoa học công nghệ ứng dụng nước nhà, đồng thời trở thành một sân chơi để tất cả các doanh nghiệp khoa học công nghệ có thể hội tụ và tạo dựng một thị trường các sản phẩm khoa học công nghệ với hàm lượng chất xám của người Việt và do người Việt làm chủ.
NASATI