Khai thác nguồn gen cá mó Cheilinus undulatus phục vụ phát triển bền vững

Trong thời gian qua, vấn đề thu thập nguồn gen cá mó để lưu giữ gặp rất nhiều khó khăn nên số lượng cá thể thu được khá khiêm tốn (05 cá thể trong 05 năm từ 2006 - 2010). Ngoài ra nguồn kinh phí thực hiện quá ít nên chưa thu được nhiều mẫu vật và nghiên cứu đầy đủ về sinh học sinh sản để làm tiền đề cho công tác sinh sản nhân tạo. Hiện nay, đối tượng này đã nằm trong sách đỏ do sự suy giảm nghiêm trọng quần đàn trong tự nhiên và có nguy cơ bị tuyệt chủng. Hơn nữa, đưa cá mó trở thành đối tượng nuôi hải đặc sản là vấn đề rất cần thiết hiện nay. Nhằm cung cấp con giống cho các vùng nuôi, đẩy nhanh việc phát triển nuôi hải đặc sản ở Việt Nam, khai thác hiệu quả tiềm năng mặt nước của các tỉnh ven biển và Hải đảo, mở rộng thêm đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, phục hồi nguồn lợi và bảo tồn được nguồn gen quí hiếm theo đúng chủ trương của Nhà nước. Xuất phát từ những vấn đề cấp bách trên, nhóm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 do ThS. Nguyễn Hữu Thanh làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Khai thác nguồn gen cá mó Cheilinus undulatus phục vụ phát triển bền vững”.

Đề tài đã thu được các kết quả sau:

- Thuần dưỡng và vận chuyển đàn cá phù hợp, đạt tỷ lệ sống cao từ 90-100%. Đã nghiên cứu được một số đặc điểm sinh học sinh sản của cá mó như: Độ béo của cá mó theo Fulton là 3,0% (± 0,15) và theo Clack là 2,9% (± 0,17); Mùa vụ sinh sản từ tháng 4, 5, 6, 7 và tháng 11, 12 trong năm và cá đẻ nhiều lần trongtháng; Cá bắt cặp sinh sản chủ yếu từ 10 - 14 giờ hàng ngày, thời gian kéo dài từ 2-4 giờ, một cá đực bắt cặp với 2-3 cá cái; Cá cái có hệ số thành thục từ 0,66 - 0,86%, cá đực chuyển giới tính có hệ số thành thục là 0,55%; Sức sinh sản tương đối trung bình là 311.633 trứng/kg; Trứng cá mó có dạng hình cầu, trong suốt, nổi nhờ giọt dầu và có kích thước khá nhỏ. Noãn bào ở giai đoạn III - IV có đường kính TB 261,5 ± 43,72 µm, trứng thụ tinh sau khi trương nước có đường kính trứng TB là 608 ± 27,81µm.

- Cá thành thục tốt đạt 76,2% trong bể xi măng 100 m3, mật độ nuôi 0,9 kg/m3 với nguồn thức ăn tươi chất lượng và chế độ chăm sóc hợp lý.Tỷ lệ chuyển giới tính đạt 100% khi tiêm 17α-Methyl testosterone với liều 5,0 mg/kg cá cái, liên tục trong 3 tháng và sau 180 ngày có cá đực chín mùi sinh dục.

- Có thể dùng hormone tiêm dẫn cho cá cái 02 liều cách nhau 10 ngày để kích thích cho cá bắt cặp sinh sản tự nhiên. (HCG: 300UI/kg hoặc LHRHa - 10µg/kg + DOM - 1 mg/kg). Khi cá thành thục tốt thì dùng biện pháp kích thích nước và tạo dòng chảy để kích thích cá bắt cặp sinh sản.Tỷ lệ thụ tinh dao động từ 47,7 - 67,8 % và tỷ lệ nở từ 74,5 - 88,7%.

- Thời gian phát triển phôi là 16 giờ 30 phút sau khi thụ tinh ở nhiệt độ 29-30oC, pH: 7,8 - 8,0 và độ mặn từ 31 - 32o/oo. Ấu trùng cá mở miệng từ ngày tuổi thứ 3, kích thước miệng lúc mới mở là 110,7 ± 7,0 µm, đến ngày tuổi thứ 5 đạt 142,7 ± 8,0 µm. Chiều dài cá bột mới nở là 1,94 ± 0,08 mm, đến ngày tuổi thứ 3 đạt 2,37 ± 0,08 mm và đến ngày tuổi thứ 7 là 2,49 ± 0,04 mm.

- Tỷ lệ sống của cá bột đến ngày thứ 7 là 1,7 ± 0,7%.

- Trị bệnh cho cá bị nhiễm ký sinh trùng (Cryptocarion irritans, Rhexanella verrucosa, Caligus sp, Zeylanicobdella anugamensis) bằng cách tắm formalin 200 ppm trong 30 phút, lặp lại 3 lần sẽ đạt hiệu quả từ 90 - 100%. Trị bệnh cá nhiễm khuẩn vibrio sp bằng cách ngâm Oxytetracyline 8-10 ppm hoặc Doxycyline 3-5 ppm đạt hiệu quả từ 87,5 - 100%.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15214) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

N.P.D (NASATI)