Nghiên cứu, chế tạo chất chuẩn thành phần dư lượng chất Acrylamide nhằm đảm bảo đo lường cho các thiết bị thử nghiệm kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm
- Thứ năm - 22/04/2021 03:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đo lường Hóa học là một lĩnh vực khoa học không thể thiếu đối với các ngành công nghiệp, cũng như cả nền kinh tế của một quốc gia. Các nước tiên tiến trên thế giới đã có hệ thống chuẩn đo lường quốc gia đạt trình độ cao, việc duy trì chuỗi liên kết chuẩn của họ đã rất phát triển nên rất dễ dàng trong việc tham gia vào MRA (Mutual Recognition Arrangement). Thực tiễn tại nhiều nước công nghiệp tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Anh, Đức, Pháp... hay trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc... cho thấy họ có những bước đi tích cực để phát triển lĩnh vực đo lường, để đo lường phục vụ một cách đắc lực nền kinh tế xã hội. Trong thời gian vừa qua, Cơ quan An toàn thực châu Âu (EFSA) đã đưa ra cảnh báo về việc phát hiện một chất có tên là acrylamide có khả năng gây ung thư được tìm thấy trong bim bim, cà phê, khoai tây chiên, bánh mì nướng bị cháy và một số loại thức ăn nhanh của trẻ em gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Năm 2010, Tổ chức Nông Lương Liên hợp của Mỹ và Ủy ban Chuyên gia về phụ gia thực phẩm của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cũng đã đề cập đến acrymilade như một quan ngại chính thức cho sức khỏe cộng đồng. Năm 2013, Ủy ban Các tiêu chuẩn thực phẩm của Anh (FSA) từng phát hiện mức acrylamide tăng cao trong các thực phẩm chiên, bim bim khoai tây, khoai tây chiên, bánh quy gừng và bột ngũ cốc ăn sáng. Tại Mỹ, Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) đã có quy định áp dụng chặt chẽ cho các loại nước uống có chứa acrylamide.
Tại Việt Nam, tháng 08/2014, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường triển khai giám sát, lấy mẫu để kiểm nghiệm Acrylamide trong các sản phẩm thực phẩm có nguy cơ cao và đồng thời đưa ra các khuyến cáo cho cộng đồng trong việc sử dụng thực phẩm hàng ngày, sau khi có hàng loạt cảnh báo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA), Ủy ban Các tiêu chuẩn thực phẩm của Anh (FSA), Cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ (EPA) về khả năng có thể gây ung thư của dư lượng chất Acrylamide trong thực phẩm.
Do chưa có một tổ chức nào ở nước ta có khả năng nghiên cứu chế tạo được các loại chất chuẩn phục vụ cho đo lường hóa học vì thế trên cơ sở sử dụng các nguồn sẵn có về nhân lực đã được đào tạo chuyên môn tại các viện đo lường trên thế giới như KRISS (Hàn Quốc), NMIJ (Nhật Bản)…cùng với trang thiết bị hiện đại đã được đầu tư tại phòng đo lường Hóa lý – Mẫu chuẩn cũng như xem xét kết hợp cùng phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng phù hợp với tiêu chuẩn nước ngoài, nhóm đề tài do TS. Phạm Anh Tuấn, Viện Đo lường Việt Nam - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đứng đầu đã kiến nghị và được phê duyệt thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, chế tạo chất chuẩn thành phần dư lượng chất Acrylamide nhằm đảm bảo đo lường cho các thiết bị thử nghiệm kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về đo lường, chất lượng cũng như hỗ trợ các Bộ, ban ngành liên quan trong việc tăng cường khả năng kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sau một thời gian triển khai thực hiện (từ tháng 01/2017 đến tháng 03/2018), nhóm thực hiện đề tài đã hoàn thành tất cả các mục tiêu đề ra:
- Đánh giá được giá trị hàm lượng của mẫu chất chuẩn thành phần Acrylamide trong nền khoai tây chế tạo được với độ không đảm bảo đo phù hợp với giá trị theo thuyết minh đăng kí.
- Đã kiểm tra độ đồng nhất của mẫu chất chuẩn hàm lượng Acrylamide trong nền khoai tây có độ lệch chuẩn tương đối giữa các lọ mẫu là 2,7% RSD, độ đồng nhất của mẫu chất chuẩn hàm lượng Acrylamide chế tạo được là khá tốt.
- Đã kiểm tra độ ổn định của mẫu chất chuẩn hàm lượng Acrylamide trong nền khoai tây từ các lọ mẫu được bảo quản ở các nhiệt độ (-20oC và -70oC) sau 06 tháng không thay đổi nhiều so với giá trị của của nguyên liệu gốc được xác định. Điều này chỉ ra rằng các mẫu chất chuẩn hàm lượng Acrylamide trong nền khoai tây ít nhất có thể ổn định tại nhiệt độ bảo quản (-20oC và -70oC) đến thời điểm kiểm tra của chu trình kiểm tra độ ổn định (6 tháng). Và đó cũng chính là hạn sử dụng bước đầu của mẫu chất chuẩn hàm lượng Acrylamide trong nền khoai tây chế tạo được này.
- Xây dựng được quy trình chế tạo và xác định hàm lượng chất chuẩn dư lượng Acrylamide trên nền khoai tây theo phương pháp khối phổ pha loãng đồng vị (IDMS) cũng như việc đánh giá độ đồng chất, độ ổn định của mẫu chất chuẩn chế tạo được hoàn toàn tuân thủ theo các qui định của tiêu chuẩn quốc tế ISO GUIDE 35:2006/ và theo phương pháp khối phổ pha loãng đồng vị (IDMS) dựa trên hệ thống Sắc ký lỏng - khối phổ (ID-LC/MSMS
- Chế tạo thành công được mẫu chất chuẩn thành phần dư lượng Acrylamide trong nền khoai tây.
Như vậy, kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ sẽ là tiền đề vững chắc trên định hướng phát triển đo lường hóa học tại Việt Nam, mà cụ thể là tại Viện Đo lường Việt nam phù hợp với xu thế phát triển chung trong đo lường của các Viện đo lường quốc tế trong khu vực và nâng cao năng lực phổ biến chuẩn đo lường. Đồng thời, kết quả của nhiệm vụ sẽ phát huy tính ứng dụng vào thực tế, góp phần tăng cường chất lượng cho các phòng phân tích, thử nghiệm trên cả nước.
Việc chế tạo thành công chất chuẩn thành phần dư lượng Acrylamide trên nền khoai tây nhằm đáp ứng được việc hiệu chuẩn các thiết bị phân tích, đảm bảo tính chính xác cao nhất của kết quả phân tích cũng như tính thống nhất, tương đương, tăng cường độ tin cậy của các phương pháp phân tích dư lượng Acrylamide trên các nền chất giàu carbohydrate như ngũ cốc, khoai tây, khoai lang.... tại các phòng thí nghiệm khác nhau đồng thời góp phần vào việc kiểm soát dư lượng chất Acrylamide (chất đã được cơ quan nghiên cứu quốc tế về ung thư (IARC) xếp vào loại 2A, là chất có khả năng gây ung thư cho con người) ngày càng tăng trong thực phẩm. Việc tự chủ trong chế tạo chất chuẩn thành phần dư lượng Acrylamide trên nền khoai tây sẽ làm giảm chi phí đáng kể cho các phòng đo lường, thử nghiệm trong việc đầu tư chi phí cho việc nhập khẩu chất chuẩn phục vụ việc xác định dư lượng chất Acrylamide trong thực phẩm từ nước ngoài. Việc chế tạo được mẫu chuẩn trong nước để thay thế các chất chuẩn ngoại nhập sẽ mang lại tính kinh tế cao, tiết kiệm được thời gian cho việc nhập khẩu chất chuẩn. Tuy nhiên để có thể tiến tới được chất chuẩn được chứng nhận CRM được quốc tế công nhận, đề tài cần thực hiện chứng minh năng lực thông qua việc tham gia vào các chương trình so sánh quốc tế như KC (Key Comparison - So sánh chủ đạo) do Tổ chức Đo lường Châu Á - Thái Bình Dương (APMP) tổ chức… và tiến tới đăng ký khả năng đo và hiệu chuẩn (CMC).
Đề tài rất mong muốn có sự ủng hộ mạnh mẽ từ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc triển khai thực hiện các bước tiếp theo nhằm tiến tới có thể chứng nhận được chất chuẩn CRM và cung cấp được chất chuẩn CRM được quốc tế công nhận.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15783/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)