Nghiên cứu công nghệ phục hồi cụm van an toàn hơi chính kiểu phẳng cao áp cho lò hơi công nghệ CFB

Hiện nay, tại Việt Nam, nhiệt điện vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong việc cung cấp điện năng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và an sinh xã hội (khoảng 40%). Các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) phân ra làm 2 loại: nhiệt điện dùng khí và nhiệt điện đốt than. Nhiệt điện đốt than đã và sẽ đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, duy trì khoảng 40% sản lượng điện tiêu thụ.

Trước đây, các nhà máy nhiệt điện đốt than tại Việt Nam sử dụng duy nhất công nghệ lò hơi than phun (FB). Để tận dụng nguồn than chất lượng thấp Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đã xây dựng Nhà máy nhiệt điện dùng lò hơi công nghệ tầng sôi (CFB) đầu tiên tại Việt Nam - Nhà máy Nhiệt điện Na Dương. Hiện có khoảng hơn 40 NMNĐ đốt than, trong đó, số lượng các nhà máy nhiệt điện áp dụng công nghệ CFB là 12 nhà máy. Trong số này có 7 nhà máy lò hơi CFB đã hoạt động từ 6 đến12 năm, có nhà máy đang trong giai đoạn xây dựng. Trong mỗi nhà máy có nhiều lò hơi, mỗi lò hơi đều phải sử dụng van an toàn. Số lượng van sử dụng trong các nhà máy này tương đối lớn, trong đó có van an toàn hơi chính. Van an toàn hơi chính trong lò hơi CFB là thiết bị đặc biệt quan trọng, có vai trò xả hơi khi áp suất vượt quá giới hạn cho phép để đảm bảo an toàn cho hệ thống thiết bị lò hơi.

Qua quá trình làm việc, các van này sẽ hỏng và cần được phục hồi hoặc thay thế. Cho tới nay ở Việt Nam, thiết bị van an toàn hơi vẫn hoàn toàn phải nhập ngoại, chưa có cơ sở nào nghiên cứu phục hồi và chế tạo mới. Nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ và một số nước có nền công nghiệp tiên tiến nhưng với chi phí rất cao (Van lò hơi công suất 150MW có giá khoảng 60.000 USD/bộ). Bên cạnh đó, thời gian đặt hàng nhập ngoại kéo dài khoảng từ 8 đến10 tháng nên trong thời gian này, nhà máy có thể phải dừng hàng tháng không phát được điện, gây tổn thất rất lớn về kinh tế cũng như gây mất an ninh năng lượng.

Nhận thức được tính cấp thiết, giá trị khoa học và thực tiễn tại nước ta hiên nay của việc nghiên cứu phục hồi cụm van an toàn hơi chính của lò hơi, kỹ sư Phạm Huy Dũng cùng các đồng nghiệp tại Viện Nghiên cứu Cơ khí và Công ty Cổ phần nhiệt điện Cẩm Phả đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ phục hồi cụm van an toàn hơi chính kiểu phẳng cao áp cho lò hơi công nghệ CFB”.

Mục tiêu đề tài là nhằm nghiên cứu thiết kế công nghệ và phục hồi van an toàn hơi chính, đưa vào ứng dụng cho lò hơi CFB của nhà máy nhiệt điện than có công suất tổ máy 300 MW.

Sau một thời gian nghiêm túc thực hiện, đề tài đã thu được một số kết quả đáng chú ý như sau:

- Đã khảo sát thực trạng các dạng hư hỏng của van an toàn hơi chính trong hệ thống lò hơi công nghệ CFB;

- Đã nghiên cứu, phân tích áp suất tác dụng lên van trong trạng thái van đóng kín và mở để làm cơ sở cho tính toán thiết kế van an toàn hơi chính;

- Đã nghiên cứu quá trình thực nghiệm của các công trình khoa học trên thế giới về ảnh hưởng của các yếu tố đến lực nâng cửa van làm cơ sở cho tính toán thiết kế van an toàn hơi chính;

- Đã áp dụng cơ sở lý thuyết kết hợp khảo sát van an toàn hơi chính của nước ngoài để thiết kế phục hồi các thông số hình học và thông số công nghệ của van;

- Đã lập quy trình công nghệ phục hồi và phục hồi àn an toàn hơi chính cho lò hơi CFB của tổ máy 300MW;

- Đã xây dụng quy trình vận hành và đưa vào vận hành van an toàn hơi chính cho lò hơi CFB của tổ máy 300 MW, áp suất p =18,4 MPa và nhiệt độ làm việc t = 528oC.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 15090/2017) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

P.K.L (NASATI)