Ứng dụng di truyền phân tử, di truyền số lượng phục vụ chọn giống nâng cao sinh trưởng cá chẽm (Lates calcarifer)

Cá chẽm có giá trị kinh tế cao và chiếm một phần quan trọng trong sản lượng nuôi trồng thuỷ sản trên thế giới. Hiện nay, cá chẽm đã được cho sinh sản nhân tạo và sản xuất giống quy mô lớn rất thành công ở Việt Nam và nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Nghề nuôi thương phẩm loài này phát triển mạnh ở nhiều nước trên thế giới, ở Việt Nam, cá chẽm là một trong những loài cá biển đang được quan tâm đưa vào nuôi công nghiệp và được xem là loài quan trọng trong cơ cấu phát triển đa dạng đối tượng nuôi biển. Vì thế, nhóm nghiên cứu của TS. Trương Hà Phương tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã thực hiện đề tài: “Ứng dụng di truyền phân tử, di truyền số lượng phục vụ chọn giống nâng cao sinh trưởng cá chẽm (Lates calcarifer)” từ năm 2013 đến năm 2018.

Một số kết quả nổi bật thu được từ đề tài nghiên cứu:

- Các đàn cá nhập nội tăng trưởng và đạt tỷ lệ sống tốt sau khi đánh dấu và nuôi lớn (>81%). Đàn cá Thái Lan (91%) và đối chứng (89%) có tốc độ tăng trưởng tốt hơn so với đàn cá Indonesia (81%).

- Phương trình thể hiện mối tương quan giữa chiều dài và khối lượng các quần đàn cá Thái Lan, Việt Nam và Indonesia tương ứng:

+ Y = 7,9119Ln(X) – 11,796 [hệ số tương quan R2 = 0,9385; Y= chiều dài (cm); X= Khối lượng (g)];

+ Y = 7,9606Ln(X) – 11,755 [hệ số tương quan R2 = 0,9375; Y= chiều dài (cm); X= Khối lượng (g)];

+ Y = 7,9029Ln(X) – 11,76 [hệ số tương quan R2 = 0,9392; Y= chiều dài (cm); X= Khối lượng (g)].

- Đàn cá đối chứng có tổng số allele là 101, đàn cá chẽm có nguồn gốc Indonesia và Thái Lan có 97 allele. Số lượng allele dao động từ 9 - 18 allele/locus và không có sự biến động nhiều khi so sánh số allele ở mỗi locus cho từng đàn cá chẽm.

- Hệ số cận huyết ở các vị trí microsatellite đánh giá được ở cả các quần đàn cá nhập nội thấp, dao động trong khoảng -0,033 (Lca178) đến 0,138 (Lca148), trung bình của giá trị Fis là 0,057.

- Đã ghép cặp và cho sinh sản 76 gia đình thế hệ G1 và 68 gia đình thế hệ G2. Hiện đàn cá này (760 cá thể; >3-8kg/cá thể) được lưu giữ tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang.

- Môi trường ảnh hưởng lớn đến tính trạng tăng trưởng của cá chẽm (nuôi bể xi măng và nuôi trong lồng biển). Sau 270 ngày nuôi, khối lượng của cá chẽm nuôi lồng biển đạt giá trị trung bình 792.5g (373 mm chiều dài), trong khi đó, khối lượng trung bình của cá nuôi trong bể xi măng chỉ đạt 325.6g (291 mm chiều dài)

- Tương quan kiểu gen đối với tính trạng khối lượng đều thể hiện giá trị dương, dao động từ 0,31 - 0,62 và khác 1 (có ý nghĩa thống kê, p<0,05).

- Hiệu quả chọn lọc (%) đối với tính trạng khối lượng dao động từ 9,64 - 11,02%.

- Tỷ lệ đồng hợp tử so với mẫu chuẩn (FreqHomRef) chiếm 11,8%, tỷ lệ đồng hợp tử giữa các SNPs (FreqHomSnp) chiếm 23,4%, tỷ lệ dị hợp tử chiếm 13,5%.

Việc nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo thành công loài cá chẽm (Lates calcarifer) đem lại tiềm năng to lớn trong việc cung cấp đủ số lượng loài này cho nuôi thương phẩm, góp phần thúc đẩy nghề nuôi cá biển ở Việt Nam phát triển bền vững.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16819/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia.

N.P.D (NASATI)