Đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc tế cho các cán bộ làm công tác tiêu chuẩn hóa tại các Bộ, ngành năm 2017

Hoạt động tiêu chuẩn hóa tại Việt Nam đã hình thành và từng bước phát triển lớn mạnh, góp phần đáp ứng những yêu cầu cơ bản về phát triển sản xuất, kinh doanh và thương mại, đồng thời cũng có những đóng góp quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh do những đòi hỏi của nền kinh tế-xã hội qua các giai đoạn phát triển của đất nước.

Do đó, nhằm đáp ứng định hướng mục tiêu: nâng cao năng lực xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, tham gia tích cực vào hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc tế, cải thiện năng lực tiêu chuẩn hóa quốc gia, từ đó giúp có được những sản phẩm tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu ngày một cao hơn của xã hội, cung cấp những công cụ hữu hiệu giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của quốc gia, đồng thời vẫn duy trì khả năng hội nhập cao với quốc tế; trên cơ sở hợp đồng số 04/2017-DA1, ngày 19 tháng 01 năm 2017 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, nhóm nghiên cứu do Kỹ sư, ThS. Bùi Ngọc Bích, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam đứng đầu đã được giao thực hiện đề tài: “Đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc tế cho các cán bộ làm công tác tiêu chuẩn hóa tại các Bộ, ngành năm 2017”. Kết quả của đề tài sẽ đóng góp nhiều vào việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nâng cao hiệu quả quản lý, trao đổi thông tin, tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn và sức khỏe… của toàn xã hội, đáp ứng đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sau một thời gian triển khai, nhóm đề tài thu đưa ra kết luận như sau:

Các kết quả đạt được của nhiệm vụ hoàn toàn phù hợp với mục tiêu, nội dung nhiệm vụ đặt ra, đảm bảo tiến độ, chất lượng các sản phẩm theo đúng đề cương nhiệm vụ đã được phê duyệt, vượt về số lượng học viên được đào tạo. Cụ thể: 

- Tổ chức 03 khóa đào tạo nghiệp vụ cho 04 Bộ, 3 ngày/khóa, tổng số 126 học viên tham dự, trong đó 108 học viên đủ điều kiện cấp chứng nhận; 

- Tổ chức 01 đoàn học tập kinh nghiệm 04 ngày, tại Nhật Bản cho 10 đại diện của 07 Bộ. 

Nhiệm vụ về cơ bản đã đáp ứng đúng các mục tiêu đề ra trong thuyết minh nhiệm vụ. Sau các khóa đào tạo, các học viên là những người tham gia trực tiếp hoặc quản lý việc xây dựng TCVN, có thể áp dụng trực tiếp kiến thức vào công việc tại đơn vị mình.

Ngoài các kết quả sản phẩm cụ thể nêu trên, nhiệm vụ còn mang lại những hiệu quả nhất định như sau:

- Nâng cao nhận thức của các chuyên gia, thành viên về vai trò, lợi ích và sự cần thiết của hoạt động tiêu chuẩn hóa đối với mọi mặt đời sống xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh... Từ đó, thúc đẩy sự tham gia chủ động, tích cực hơn của các bên liên quan.

- Tuyên truyền, phổ biến về vai trò, trách nhiệm, quyền lợi của mình khi tham gia các BKT TCQG và BKT TCQT, từ đó đẩy mạnh sự tham gia, đóng góp của các bên vào các hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc gia, quốc tế.

- Cung cấp các thông tin về cơ sở pháp lý, quy định, tài liệu nghiệp vụ và các ví dụ thực hành liên quan đến hoạt động TCH trong các lĩnh vực cụ thể giúp tăng cường nhận thức, hiểu biết của học viên, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động TCH tại các Bộ, ngành.

- Việc cung cấp thông tin liên quan đến các tổ chức tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, sự tham gia của Việt Nam tại các tổ chức này, chỉ ra những quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của thành viên khi tham gia các tổ chức đó, từ đó khuyến khích các thành viên đẩy mạnh hoạt động, tích cực đóng góp ý kiến, tăng cường tiếng nói của quốc gia trong hoạt động TCH quốc tế.

- Quá trình học tập kinh nghiệm của Nhật Bản giúp các thành viên mở mang kiến thức, có cơ hội chia sẻ, hiểu biết thêm về hoạt động của một cơ quan tiêu chuẩn có trình độ phát triển hơn, tìm kiếm các cơ hội học tập và hợp tác trong tương lai.

Một số khó khăn gặp phải trong triển khai hoạt động:

- Các khóa học được thiết kế theo nhóm lĩnh vực rộng của một Bộ chủ quản,  các học viên có trình độ nghiệp vụ không đồng đều, kinh nghiệm chưa nhiều, có học viên trẻ mới tham gia chưa lâu, do đó việc tiếp nhận thông tin sẽ gặp những khó khăn nhất định.

- Các bài tập nhóm, luyện kỹ năng, thực hành mới chỉ tập trung vào một số nội dung chính, kiến thức cơ bản do giới hạn về thời lượng.

- Hạn chế về kinh phí cũng ảnh hưởng đến việc đổi mới hình thức đào tạo.

Trên cơ sở thực tế triển khai thực hiện nhiệm vụ, thông tin phản hồi trực tiếp cũng như thông qua phiếu đánh giá của học viên, cơ quan chủ trì nhiệm vụ có một số kiến nghị như sau:

Tiếp tục tạo điều kiện để đơn vị chủ trì triển khai các khóa đào tạo tiếp theo cho các cán bộ công tác tại các Bộ, ngành còn lại; có thể phối hợp với các Bộ, ngành để tổ chức đào tạo và theo nhu cầu đào tạo do các Bộ, ngành để xuất; Tập trung vào hoạt động đào tạo nghiệp vụ xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế trên cơ sở kết hợp mời giảng viên trong nước và giảng viên nước ngoài; Phân bổ, đầu tư kinh phí cho tham gia hoạt động xây dựng TCQT, khuyến khích việc tham gia các cuộc họp BKT quốc tế để học tập kinh nghiệm, đồng thời lựa chọn quốc gia phát triển hơn trong khu vực để đề nghị hỗ trợ đào tạo trên cơ sở kèm cặp tại chỗ; Duy trì việc đào tạo cho chuyên gia một cách thường xuyên và có hệ thống nhằm đảm bảo thông tin được cập nhật thường xuyên và đảm bảo sự phát triển bền vững của hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc gia.

Viện TCCL VN sẽ chủ động đề xuất các nội dung trên trong các nhiệm vụ triển khai những năm tiếp theo theo hướng liên tục cải tiến, nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14812/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)