Nghiên cứu các quy định quản lý bức xạ điện từ trường của các thiết bị điện gia dụng trên thế giới và đề xuất áp dụng tại Việt Nam

Tương thích điện từ (EMC) là khả năng hoạt động thoả đáng của thiết bị hoặc hệ thống trong môi trường điện từ và không tạo ra nhiễu điện từ quá mức làm ảnh hưởng đến hoạt động đúng của thiết bị khác trong môi trường đó. EMC còn là khái niệm cho phép các thiết bị (điện, điện tử,…) khác nhau hoạt động mà không có sự can thiệp lẫn nhau (nhiễu điện từ) khi chúng hoạt động ở gần nhau, đồng thời không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Trong thực tế, khi hoạt động các thiết bị hoặc hệ thống thường gây ra các nhiễu điện từ (EMI), và vì vậy cần có các tiêu chuẩn (biện pháp) để đảm bảo các thiết bị hoặc hệ thống gây ra nhiễu điện từ trong giới hạn cho phép và không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Với nhận thức và đòi hỏi ngày càng cao, các tổ chức và các quốc gia trên thế giới đã xây dựng và áp dụng các quy định (tiêu chuẩn) quản lý bức xạ điện từ trường. Trên cơ sở những hiểu biết đó, nhóm nghiên cứu do ThS. Lê Mạnh Hùng, Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa, đề xuất nhiệm vụ: “Nghiên cứu các quy định quản lý bức xạ điện từ trường của các thiết bị điện gia dụng trên thế giới và đề xuất áp dụng tại Việt Nam”.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, nhóm nghiên cứu đã thu được các kết quả như sau:

1. Về điều tra hiện trạng sử dụng và đề xuất lựa chọn thiết bị điện gia dụng để đánh giá”, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành các công việc bao gồm:

(1) Tổng hợp phương pháp điều tra xã hội học, trên cơ sở đó lựa chọn phương pháp điều tra phù hợp khi thực hiện chuyên đề gồm: Khảo sát danh mục các thiết bị điện hiện có trên thị trường: điều tra bằng trò chuyện, ghi âm và ghi chép lại; Điều tra hiện trạng sử dụng thiết bị điện: sử dụng phương pháp điều tra trắc nghiệm thông qua phiếu điều tra (trực tiếp và qua email); Tình hình sản xuất thiết bị điện gia dụng: điều tra bằng trò chuyện, ghi âm và ghi chép lại; Tình hình nhập khẩu thiết bị điện gia dụng: thông qua khảo sát thu thập số liệu.

(2) Nhóm thực hiện đề tài đã khảo sát và đưa ra danh mục bao gồm 51 thiết bị điện gia dụng đang được bán và sử dụng trên thị trường Việt Nam.

- Danh mục thiết bị trên 50% các hộ gia đình sở hữu, là các thiết bị gia dụng. Trong đó lò vi sóng chiếm tới 76% các gia đình sở hữu trong tổng số 436 gia đình đã phản hồi phiếu điều tra.

- Thiết bị mà người sử dụng quan tâm nhất về ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc ảnh hưởng đến thiết bị điện gia dụng khác là lò vi sóng với tỷ lệ là 94,08%. Rất nhiều các thiết bị điện gia dụng khác người sử dụng không quan tâm đến ảnh hưởng bức xạ điện từ đến sức khỏe.

- Tần suất sử dụng các thiết bị điện gia dụng trong gia đình: Đa số các thiết bị điện gia dụng được sử dụng thường xuyên trong gia đình (20/51 thiết bị sử dụng thường xuyên với tỷ lệ 100%, 26/51 thiết bị sử dụng thường xuyên với tỷ lệ > 50%); Có rất ít các thiết bị sử dụng theo mùa (3/51 thiết bị sử dụng theo mùa với tỷ lệ 100%, 5/51 thiết bị sử dụng theo mùa với tỷ lệ > 50%); Các thiết bị sử dụng thỉnh thoảng (7/51 thiết bị sử dụng thỉnh thoảng với tỷ lệ 100%); Nếu chia theo tỷ lệ về tần suất sử dụng (thường xuyên, thỉnh thoảng, theo mùa) của toàn bộ danh mục các thiết bị điện gia dụng trong gia đình thì sử dụng thường xuyên chiếm 57%, theo mùa 9% và thỉnh thoảng 34%; Lò vi sóng có tần suất sử dụng thường xuyên chiếm 96,06%.

2. Về tìm hiểu các tiêu chuẩn về quản lý bức xạ điện từ trường của một số quốc gia trên thế giới”, nhóm tác giả đã tiến hành các nội dung sau:

(1) Tiêu chuẩn quốc tế về tương thích điện từ: trong đó đề cập đến tiêu chuẩn của Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC)/Ủy ban đặc biệt về nhiễu vô tuyến điện quốc tế (CISPR);

(2) Tiêu chuẩn của một số quốc gia về tương thích điện từ bao gồm: tiêu chuẩn của Nghị viện và Hội đồng châu Âu (EN xxxx), tiêu chuẩn Úc (AS/NZS xxxx), tiêu chuẩn Nhật Bản, tiêu chuẩn Ca-na-đa (ICES-xxx)

Tiêu chuẩn sản phẩm liên quan đến quản lý bức xạ điện từ trường đã tìm hiểu, hầu hết là tiêu chuẩn cho họ sản phẩm. Vì vậy, trên cơ sở nội dung của chuyên đề, cùng với việc tìm hiểu các tiêu chuẩn đã ban hành trong nước là căn cứ để nhóm thực hiện lựa chọn sản phẩm cụ thể cho việc xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quản lý bức xạ điện từ trường đối với thiết bị điện gia dụng tại Việt Nam.

3. Về “tìm hiểu đánh giả ảnh hưởng bức xạ điện từ trường nói chung và của các thiết bị điện gia dụng nói riêng”. Có thể phân loại ảnh hưởng làm 2 loại sau:

(1) Ảnh hưởng liên quan đến sức khỏe con người

Số lượng các nghiên cứu điều tra tiềm năng sinh học, không nhiệt ảnh hưởng của trường THz là nhỏ, nhưng đã tăng trong những năm gần đây, do có sẵn các nguồn và thiết bị đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu các nghiên cứu khoa học về tác động sức khỏe tiềm ẩn từ tiếp xúc lâu dài. Các nghiên cứu in vivo chỉ ra những ảnh hưởng có ích đối với các thành phần nội mạch của vi tuần hoàn ở chuột dưới áp lực cố định, nhưng không đề cập đến độc tính cấp tính và mãn tính hoặc sự hình thành ung thư. Các nghiên cứu in vitro trên các tế bào động vật có vú khác nhau rất nhiều trong các điều kiện chiếu xạ. Các nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng của việc phơi nhiễm chưa được nhân rộng trong các phòng thí nghiệm độc lập. Một số cơ chế lý thuyết đã được đề xuất nhưng rất khó chấp nhận, vì không có bằng chứng thực nghiệm kết luận. Ngoài ra, việc giám sát các nhóm tiếp xúc đối với những thay đổi, rối loạn da và mắt sẽ rất có ích. Kể từ khi thông qua ý kiến năm 2001, nghiên cứu sâu rộng đã được tiến hành về các tác động sức khỏe có thể xảy ra của tiếp xúc với các trường RF cường độ thấp. Nghiên cứu này đã điều tra nhiều tác động có thể và bao gồm nghiên cứu dịch tễ học, in vivo và in vitro. Bằng chứng dịch tễ học tổng thể cho thấy rằng việc sử dụng điện thoại di động dưới 10 năm không gây bất kỳ nguy cơ tăng u não hoặc u thanh quản. Để sử dụng lâu hơn, dữ liệu không nhiều, vì chỉ một số nghiên cứu gần đây có số lượng lớn người sử dụng lâu dài. Vì vậy, bất kỳ kết luận nào đều không chắc chắn và chỉ là dự kiến. Tuy nhiên, từ các số liệu sẵn có, dường như không có nguy cơ tăng lên đối với khối u não ở người sử dụng lâu dài, ngoại trừ u thanh quản, trong đó có một số bằng chứng hạn chế về mối liên quan yếu. Các nghiên cứu sẵn có cho thấy những triệu chứng tự báo cáo không tương quan với mức độ phơi nhiễm cấp tính với các trường RF, nhưng số lượng các nghiên cứu hạn chế không cho phép đưa ra kết luận chắc chắn. Các nghiên cứu hiện có về các hiệu ứng thần kinh và các phản ứng sinh sản đã không chỉ ra bất kỳ nguy cơ sức khỏe nào ở mức độ phơi nhiễm dưới các hướng dẫn. Các nghiên cứu về ung thư ở động vật không cung cấp bằng chứng cho thấy bức xạ RF có thể gây ung thư, tăng cường tác động của các chất gây ung thư đã biết, hoặc đẩy nhanh sự phát triển của các khối u được cấy ghép. Tuy nhiên, những kết quả gần đây cho thấy tác động của gen cần được hiểu rõ hơn. Vì vậy, không có ảnh hưởng sức khỏe được chứng minh một cách nhất quán ở mức độ phơi nhiễm dưới hướng dẫn tiếp xúc hiện tại cho công chúng. Tuy nhiên, dữ liệu về phơi nhiễm lâu dài và khối u trong sọ vẫn còn thưa thớt và đặc biệt đối với u thanh quản một số dữ liệu chỉ ra rằng có thể kết hợp với trường RF từ điện thoại di động. Đối với các bệnh ngoài ung thư, có rất ít số liệu dịch tễ. Một điểm đáng chú ý là sử dụng điện thoại di động của trẻ em. Mặc dù không có bằng chứng cụ thể nào tồn tại nhưng vẫn có một mối quan tâm chung là trẻ em và thanh thiếu niên có thể nhạy cảm hơn với phơi nhiễm trên trường RF so với người lớn. Trẻ em, có lẽ sẽ có mức độ phơi nhiễm tích lũy cao hơn so với người lớn ngày nay. Đến nay chưa có nghiên cứu dịch tễ học về trẻ em. Sự phát triển rất nhanh của kỹ thuật và các nguồn tiếp xúc RF ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, có một sự thiếu hiểu biết “cơ học” về các ảnh hưởng bên dưới hướng dẫn, đó là thông tin về tiếp xúc RF riêng lẻ và sự tổng hợp tương đối của các nguồn khác nhau đối với phơi nhiễm tổng thể. Việc đánh giá và đánh giá đúng đắn các tác động sức khoẻ có thể xảy ra từ việc tiếp xúc với các trường IF là rất cần thiết bởi vì con người tiếp xúc với các trường đó ngày càng tăng lên.

(2) Ảnh hưởng tới các thiết bị/hệ thống khác: Bức xạ điện từ trường ra môi trường xung quanh - có thể ảnh hưởng đến các thiết bị điện tử nhạy cảm trong vùng lân cận của các nguồn EMI. Các thiết bị điện tử nhạy cảm càng ở gần với nguồn EMI thì mức công suất bức xạ càng cao, và càng nằm trong dải tần bị ảnh hưởng thì khả năng mà EMI sẽ gây ra vấn đề về nhiễu điện từ.  Trong trường hợp ảnh hưởng của EMI lên các hệ thống điện tử nhạy cảm, nó có thể gây chập, cháy và đoản mạch trong các thiết bị này. Ảnh hưởng của Xung Điện từ Cường độ Cao (HEMP) - các nguồn điện từ cường độ cao có thể phá hủy hoàn toàn chức năng của một thiết bị điện - điện tử. Sự biến dạng chất lượng nguồn điện xảy ra trên hệ thống điện lưới có thể ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của thiết bị mà nó cấp điện. Những vấn đề như sự tăng vọt dòng điện có khả năng phá hủy các mạch điện tử giao diện hoặc có thể gây nên tình trạng chập các mạch điện tử. Các trang thiết bị y tế bao gồm các hệ thống theo dõi/chuẩn đoán bệnh nhân rất nhạy cảm với tác động của EMI, vì những tín hiệu từ cơ thể người mà các thiết bị này theo dõi rất nhỏ, có thể chỉ là µV và µA. Các thiết bị nhạy cảm với EMI là máy trợ thính, hệ thống không dây theo dõi bệnh nhân, hệ thống chụp cộng hưởng từ, máy trợ tim, bơm thuốc, và các thiết bị chẩn đoán di động, …

4. Về “xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quản lý bức xạ điện từ trường đối với thiết bị điện gia dụng tại Việt Nam”.

Từ các nội dung nêu trên, nhóm thực hiện đề tài lựa chọn lò vi sóng là đối tượng để xây dựng dự thảo tiêu chuẩn. Qua tìm hiểu, nhóm nghiên cứu được biết hầu hết các quốc gia trên thế giới khi xây dựng tiêu chuẩn đều tham chiếu dựa trên tiêu chuẩn của các tổ chức liên quan trên thế giới. Các tiêu chuẩn quản lý bức xạ điện từ trường nói riêng hay tiêu chuẩn về tương thích điện từ trường EMC nói chung đều được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn của Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC), đặc biệt trong đó là IEC/CISPR (Ủy ban đặc biệt về nhiễu vô tuyến điện Quốc tế). Vì vậy, khi xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quản lý bức xạ điện từ trường đối với thiết bị điện gia dụng tại Việt Nam, nhóm thực hiện đề tài đã tham chiếu đến các tiêu chuẩn của các quốc gia/tổ chức trên thế giới. Theo hướng dẫn sử dụng tiêu chuẩn CISPR (bản phát hành 2016) của Ủy ban đặc biệt về nhiễu vô tuyến điện Quốc tế, thì việc quản lý bức xạ đối với lò vi sóng sử dụng tiêu chuẩn CISPR-11. Lò vi sóng theo phân loại thuộc đối tượng nhóm 2, cấp B. Vì vậy, dự thảo tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên tham chiếu tiêu chuẩn CISPR-11 cho đối tượng lò vi sóng. Để có thể áp dụng dự thảo tiêu chuẩn, căn cứ theo thông tư số 21/2007/TTBKHCN ngày 28 tháng 09 năm 2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ thông tư hướng dẫn về xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, thì dự thảo tiêu chuẩn trước khi được công bố và áp dụng phải qua các trình tự thực hiện: (1) Lấy ý kiến và hoàn chỉnh dự thảo; (2) Thẩm định hồ sơ dự thảo tiêu chuẩn; (3) Công bố tiêu chuẩn; (5) Thông báo, xuất bản và phát hành, phổ biến tiêu chuẩn. Vì vậy, nhóm thực hiện đề tài đề xuất lộ trình áp dụng dự thảo tiêu chuẩn tháng 1/2019.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14746/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)