Nghiên cứu hoàn thiện thiết kế, công nghệ chế tạo một số thiết bị chính trong dây chuyền sản xuất thức ăn viên nổi cho cá năng suất 0,8-1,0 tấn/h
- Thứ ba - 06/08/2019 22:53
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hoạt động nuôi trồng thủy sản trong những năm qua có sự phát triển nhanh chóng, đóng góp lớn cho phát triển ngành thuỷ sản nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Cùng với sự phát triển nuôi trồng thủy sản, hệ thống hỗ trợ cho ngành này, đặc biệt là sản xuất thức ăn thủy sản cũng phát triển. Hệ thống thiết bị sản xuất viên thức ăn cho cá trên thế giới hiện rất đa dạng, chủ yếu là các dây chuyền có năng suất cao, giá thành rất đắt chưa phù hợp với tiềm lực vốn của các cơ sở chế biến thức ăn gia súc, thủy sản vừa và nhỏ ở nước ta. Các thiết bị trong nước nói chung cho chất lượng viên còn thấp, các hệ thống hoạt động chưa ổn định.
Vì thế, trong thời gian từ năm 2014-2016, nhóm nghiên cứu tại Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ STH đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu hoàn thiện thiết kế, công nghệ chế tạo một số thiết bị chính trong dây chuyền sản xuất thức ăn viên nổi cho cá năng suất 0,8-1,0 tấn/h”.
Một số kết quả nổi bật của nghiên cứu:
1. Từ khảo sát, đánh giá thực trạng sản xuất thức ăn thủy sản quy mô nhỏ cho thấy hiện có một nhu cầu không nhỏ của các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm ở miền bắc hiện nay là có được một dây chuyền sản xuất thức ăn thủy sản với mức đầu tư vừa phải quy mô khoảng 1tấn/h, nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Các nhà máy này với cơ sở hạ tầng và thiết bị có sẵn việc bổ sung các thiết bị cần thiết cho việc sản xuất thức ăn thủy sản sẽ giảm được các chi phí so với việc đầu tư một nhà máy mới. Ngoài ra với quy mô loại nhỏ này cũng có thể đáp ứng cho các cơ sở sản xuất nhỏ, yêu cầu vốn không quá cao, với phân khúc thị trường nhỏ, với những loại thức ăn đặc chủng cho các loại cá chất lượng cao như cá hồi, cá tầm, cá biển, hiện các nhà máy lớn không sản xuất.
2. Trên cơ sở đầu ép viên được mua đề tài đã thiết kế chế tạo các thiết bị chính trong dây chuyền thức ăn viên nổi cho cá quy mô 0,8-1,0 tấn/h bao gồm: Hệ thống chuẩn bị nguyên liệu (nghiền sàng tinh, trộn), năng suất 900 kg/h đạt độ nhỏ theo yêu cầu công nghệ (<500 μm); Hệ thống ép viên bao gồm thiết bị định lượng, trộn ẩm 2 trục, máy ép viên, năng suất 1,2 tấn/h; Hệ thống sấy, bao viên và làm mát, năng suất 1,2 tấn/h, Độ ẩm viên <12 %; Cùng hệ thống phụ trợ.
3. Mặc dù nguyên liệu đầu vào được cấp theo mẻ, nhưng nhờ sự đồng bộ giữa các thiết bị, các hệ thống phụ trợ như hệ thống chứa trung gian, hệ thống gầu tải, vận chuyển khí động, đảm bảo được quá trình làm việc liên tục và khép kín của dây chuyền tương tự như các dây chuyền hiện đại.
4. Trên cơ sở vít ép được mua, đề tài đã tiến hành nghiên cứu chép mẫu làm cơ sở cho việc chế tạo thiết bị sau này khi có điều kiện công nghệ gia công.
5. Đề tài đã xây dựng được bộ thông số công nghệ chế biến một số loại thức ăn viên nổi cho cá cho sản phẩm viên thức ăn đạt chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của sản xuất (Đường kính viên: 1,5-6 mm; Tỷ trọng viên : 0,44-0,64; và Thời gian nổi : > 2,5 h)
6. Đề tài đã khảo nghiệm và sơ bộ đánh giá được hiệu quả kinh tế của dây chuyền cho thấy việc xây dựng mô hình sản xuất thức ăn thủy sản trên sau khi đi vào hoạt động, đem lại lợi ích kinh tế thiết thực sẽ là bài học kinh nghiệm để nhân rộng ra cho cho các doanh nghiệp để ứng dụng sản xuất.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13491/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)