Cần sa tác động đến số lượng tinh trùng, khả năng vận động ở hai thế hệ chuột
Cập nhật vào: Thứ hai - 13/12/2021 02:34 Cỡ chữ
Việc tiếp xúc với hơi cần sa cường độ cao nhưng trong thời gian ngắn đã làm giảm số lượng tinh trùng và làm chậm sự di chuyển của tinh trùng, không chỉ ở chuột đực tiếp xúc trực tiếp mà còn ở thế hệ con của chúng.
Nghiên cứu của Đại học bang Washington, được công bố trên tạp chí Toxicological Sciences, dựa trên các nghiên cứu khác trên người và động vật, cho thấy cần sa có thể cản trở chức năng sinh sản của nam giới. Nghiên cứu hiện tại sử dụng các trường hợp được kiểm soát nhiều hơn so với nghiên cứu trên người, vốn thường phải dựa vào những cuộc khảo sát và là nghiên cứu sinh sản đầu tiên được biết đến sử dụng cần sa nguyên hạt dạng hơi ở chuột, đây là hình thức phổ biến hơn mà con người sử dụng. Các nghiên cứu trên động vật trước đây sử dụng phương pháp khác như tiêm tetrahydrocannabinol (THC), thành phần tác động thần kinh chính của cần sa.
Phó giáo sư Kanako Hayashi đến từ Trường Khoa học Sinh học Phân tử của WSUcho biết: “Cần phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu, nhưng những phát hiện thế hệ của nghiên cứu sẽ khiến những người sử dụng cần sa tạm dừng”. Theo con số ước tính, số lượng tinh trùng của con người đã giảm tới 59% trong những thập kỷ gần đây. Có nhiều lý do cho sự suy giảm này, nhưng nghiên cứu này bổ sung thêm bằng chứng cho thấy việc sử dụng cần sa có thể gây hại cho chức năng sinh sản của nam giới.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu trên 30 con chuột đực trưởng thành. Họ cho 15 con tiếp xúc với hơi cần sa ba lần một ngày trong 10 ngày; với một lượng lớn; bắt chước lượng cần sa của những người sử dụng cần sa thường xuyên. Sau đó, so sánh số lượng và khả năng vận động của tinh trùng ở những con chuột đó với nhóm kiểm soát không phơi nhiễm. Kết quả cho thấy, ngay sau thời gian phơi nhiễm, khả năng di chuyển của tinh trùng của chuột giảm, và sau một tháng, số lượng tinh trùng ít hơn.
Các nhà nghiên cứu đã lai tạo một số con chuột đực với những con chuột cái chưa phơi nhiễm. Con cái của nhóm tiếp xúc cũng cho thấy số lượng và khả năng di chuyển của tinh trùng giảm. Những con đực tiếp xúc với cần sa cũng cho thấy bằng chứng về việc hỏng và gián đoạn DNA liên quan đến sự phát triển của tế bào tinh trùng.
Tuy nhiên, thế hệ thứ ba của những con chuột đực tiếp xúc, không cho thấy những tác động tương tự, điều này cho thấy rằng việc phơi nhiễm cần sa đã ảnh hưởng đến những con chuột thế hệ thứ hai ở giai đoạn phát triển. Phó giáo sư Kanako Hayashi và nhóm nghiên cứu hiện đang thử nghiệm lý thuyết cho rằng việc tiếp xúc với cần sa với chuột trong tử cung sẽ có tác động thế hệ sâu hơn, vì loại thuốc này sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành hệ thống sinh sản của chuột.
Đ.T.V (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2021-12-cannabis-impacts-sperm-motility-mice.html, 2/12/2021