Covidmaps: Bản đồ Covid từ ứng dụng đi xe buýt
Cập nhật vào: Thứ năm - 24/06/2021 02:57 Cỡ chữ
Tháng 8/2020, khi Đà Nẵng bùng phát dịch trở lại, chính quyền Đà Nẵng đã cùng với CEO Phenikaa MaaS Lê Yên Thanh xây dựng một bản đồ Covid-19, nhằm cung cấp một bức tranh toàn cảnh về tình hình dịch bệnh cho người dân. Chỉ trong vòng một tuần sau đó, bản đồ đã ra đời và được đưa vào sử dụng rộng rãi.
CEO Lê Yên Thanh và đội ngũ nhân sự tại Phenikaa MaaS. Ảnh: Phenikaa
Công nghệ lõi về bản đồ số
Covidmaps hiển thị đầy đủ những thông tin quan trọng như danh sách bệnh nhân (theo tên mã hoặc chữ viết tắt) cùng năm sinh, giới tính, tình trạng hiện tại và nơi đang điều trị. Người dùng có thể tìm nhanh bệnh nhân mình quan tâm bằng ô tìm kiếm phía trên. Ngoài ra, người dùng còn có thể tìm kiếm thông tin về các điểm cách ly tập trung, số lượng tiếp nhận tối đa, số lượng người đang cách ly và số lượng có thể tiếp nhận thêm. Với những nơi bệnh nhân từng đến, bản đồ sẽ cho biết số hiệu bệnh nhân và khoảng thời gian người đó đã đến.
Covidmaps không chỉ là phương tiện để người dân điều chỉnh quyết định của mình, mà cũng là cách thức để Đà Nẵng trấn an người dân trong bối cảnh toàn thành phố lúc bấy giờ đang chao đảo và người dân “đứng ngồi không yên” vì tin giả tràn ngập.
“Không dừng lại ở Đà Nẵng, bản đồ Covidmaps đã tiếp tục được triển khai tại Hải Dương vào đợt dịch cuối năm ngoái. Và khi những tỉnh thành khác bắt đầu bùng dịch vào đầu năm 2021, Đà Nẵng đã quyết định giới thiệu bản đồ của chúng tôi cho những tỉnh thành khác”, anh Thanh cho biết. “Các tỉnh rất hoan nghênh, người dân truy cập vào bản đồ nhiều”.
Bản đồ do Phenikaa MaaS phát triển có điểm gì đặc biệt so với những bản đồ Covid-19 khác mà Đà Nẵng không chỉ tin dùng mà còn tín nhiệm giới thiệu cho những tỉnh thành khác? “Về tính năng, bản đồ Covid-19 nào tôi nghĩ cũng giống nhau, đó là để xác định lộ trình người nhiễm Covid-19 và tìm các điểm cách ly tập trung. Ngay cả về công nghệ thì các bản đồ cũng tương đương nhau, nó không quá khó để xây dựng. Tôi nghĩ điểm mạnh của chúng tôi đó là sở hữu nền tảng lõi về bản đồ được kết hợp với các nền tảng công nghệ cao như AI, IoT…, để tạo nên một giải pháp toàn diện, có thể hoàn toàn chủ động thay đổi phù hợp cho từng tỉnh/thành và giúp tiết kiệm kinh phí so với đối tác khác”, anh Thanh nói.
BusMap là một ứng dụng đi xe buýt quen thuộc với người dân tại TP.HCM trong nhiều năm qua. Ảnh: Phenikaa
Đây là điểm mấu chốt của BusMap. Nếu một bên muốn xây dựng bản đồ Covid-19, thì đầu tiên họ phải có công nghệ bản đồ, nếu chưa có thì họ sẽ phải dùng công nghệ bản đồ của bên thứ ba - thông thường là Google Map. “Nếu lượt người dùng không cao thì họ chỉ cần trả cho bên thứ ba khoảng 100-200 USD/tháng. Tuy nhiên, khi số người dùng đã vượt quá 100.000 thì chi phí có thể lên đến hàng tỷ”, anh Thanh phân tích. Trong khi đó, Phenikaa MaaS xây dựng bản đồ Covidmaps dựa trên dữ liệu mã nguồn mở về bản đồ trên thế giới. “Chúng tôi tự xây dựng bản đồ từ mã nguồn mở nên chi phí thấp hơn nhiều. Ngay cả khi hiện tại Covidmaps đã vượt 1 triệu lượt truy cập/tháng, chúng tôi cũng không phải trả thêm một khoản tiền nào”.
Anh Lê Yên Thanh xem đây là một bước đi chắc chắn và lâu dài của Phenikaa MaaS với ứng dụng BusMap: “Việc sử dụng dữ liệu của bên thứ ba như Google Map sẽ giúp chúng ta xây dựng được bản đồ nhanh chóng, nhưng về lâu về dài thì bản đồ sẽ không thể mở rộng thêm nhiều tiện ích được”. Theo lý giải của anh, những bản đồ như vậy sẽ chỉ có thể dành để tìm kiếm lịch sử dịch tễ liên quan đến Covid-19, nhưng không thể mở rộng thêm các chức năng khác; còn bản đồ của BusMap thì có thể mở rộng cho nhiều loại dữ liệu khác và tùy chỉnh theo nhu cầu người dùng, chẳng hạn như hết dịch Covid-19 thì bản đồ vẫn có thể tùy chỉnh thêm các thông tin về tiêm chủng. Và hiện nay, “các tỉnh mà chúng tôi đang hợp tác đều có nhu cầu thêm các thông tin về đăng ký tiêm chủng, xác nhận tiêm chủng lên bản đồ Covidmaps”, anh Thanh cho biết.
Xây dựng “hệ sinh thái” bản đồ số
Dù quá trình xây dựng bản đồ Covidmaps Đà Nẵng của Phenikaa MaaS rất “thần tốc”, khi mà chỉ mất một tuần là họ đã có sản phẩm gần như hoàn chỉnh; tuy nhiên, trên thực tế, họ đã phải mất vài năm để nghiên cứu xây nên một bản đồ như vậy, để đến khi đợt dịch xảy đến thì nó đã ngay lập tức thể hiện được tiềm năng của mình. Khởi điểm của ứng dụng BusMap, đúng như tên gọi của nó, là một… ứng dụng đi xe buýt. “Tôi tạo ra BusMap khi còn là sinh viên năm hai nhằm hỗ trợ những người đi xe buýt tối ưu hóa hành trình di chuyển, tìm được phương án ngắn nhất với mức chi phí và thời gian thấp nhất”, anh Lê Yên Thanh kể. “Sau khi ứng dụng này đạt giải ở một số cuộc thi, tôi được kết nối với Sở Giao thông Vận tải TP.HCM để triển khai BusMap trở thành ứng dụng miễn phí chính thức cho người dân đi xe buýt từ năm 2015”.
Sau khi ra trường và làm việc tại một số công ty khởi nghiệp, anh Thanh đã quyết định thành lập một startup của riêng mình - và anh chọn ứng dụng BusMap làm sản phẩm đầu tiên cho startup. “Tôi đã phát triển ứng dụng BusMap hơn bảy năm (từ 2014), đó là lợi thế lớn và nó sẽ giúp tôi đi nhanh hơn”. Thêm vào đó, “lúc bấy giờ tôi sử dụng bản đồ từ một bên thứ ba, khi ấy BusMap đã đạt được gần 1 triệu lượt tải, tôi buộc phải trả phí để duy trì bản đồ. Nếu tôi bỏ ứng dụng này, nó sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người dùng, và tôi không muốn thế”. Chính vì suy nghĩ này, anh đã quyết định rủ thêm hai người bạn là Bích và Tú cùng tham gia xây dựng và tối ưu hóa công nghệ bản đồ của riêng mình. “Hiện tại Bích cũng là Co-founder của BusMap cùng điều hành công ty cùng với tôi”.
Theo anh Lê Yên Thanh, bản đồ do đội ngũ của anh xây dựng có hai yếu tố quan trọng, đó là dữ liệu và thuật toán. Hiện tại, ứng dụng BusMap đã có 2 triệu người dùng miễn phí và mang lại cho startup nhiều dữ liệu về nhu cầu di chuyển của người dân, từ đó cung cấp các giải pháp nhằm phân tích mật độ giao thông, điều phối xe cộ cho các tổ chức có nhu cầu. Nếu xét riêng những ứng dụng về giao thông ở Việt Nam do người Việt Nam phát triển, hiện tại chỉ có 3 ứng dụng đạt trên một triệu lượt tải, “đó là một con số rất thực, thể hiện chính xác về tiềm năng về mặt dữ liệu của chúng tôi”, anh cho hay.
Về thuật toán, Phenikaa MaaS đã xây dựng được những thuật toán về tìm đường ngay từ đầu. Bên cạnh đó, những thuật toán chuyên về bản đồ và giao thông trên BusMap có tính tùy biến rất cao. Đơn cử như đợt dịch Covid-19 vừa rồi, BusMap có thể tùy biến thuật toán để tìm đường dựa trên dữ liệu những tuyến xe buýt đang hoạt động, đang dừng hoạt động mà Sở GTVT TP.HCM cung cấp. Những tính năng này đã gợi mở cho BusMap cơ hội hợp tác để cung cấp các giải pháp xe buýt đưa rước nhân viên cho doanh nghiệp và học sinh cho trường học. “Chúng tôi có những thuật toán về phân phối xe để nhà trường có thể tối ưu hóa chi phí cũng như lịch trình di chuyển của từng xe”, anh Thanh phân tích. Hiện tại, BusMap đã cung cấp hệ thống quản lý xe buýt cho một số trường trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM.
Tuy nhiên, tham vọng của Phenikaa MaaS không chỉ dừng lại ở đó. Từ hệ thống quản lý xe, họ bắt đầu nghiên cứu phát triển thêm các giải pháp về trường học thông minh, giao thông thông minh, và đó là lý do công ty lập ra team IoT và team AI để hiện thực hóa mục tiêu và khát vọng của mình. “Khi chúng tôi cung cấp những giải pháp công nghệ trong lĩnh vực giao thông thì đồng thời chúng tôi cũng sản xuất những thiết bị phần cứng để làm chủ về công nghệ, từ đó có thể tùy biến cho người dùng. Chẳng hạn, khi triển khai quản lý xe buýt đưa rước học sinh, chúng tôi cần phải có một thiết bị định vị với những nhu cầu đặc thù hơn, như thiết bị đó phải có khả năng điểm danh để biết thời điểm học sinh lên, xuống xe”, anh dẫn chứng. Khi những sản phẩm như thẻ thông minh tích hợp điểm danh, thanh toán ăn uống, hệ thống quản lý cơ sở vật chất, lịch trình, điểm số của học sinh… lần lượt ra đời, “team IoT của chúng tôi cần nghiên cứu tạo ra những thiết bị tương ứng để đọc được thẻ, tích hợp được với hệ thống quản lý chung của trường học mà chúng tôi xây dựng…”
Sau khi đã phát triển được những thiết bị đó, Phenikaa MaaS quyết định tham gia vào một cuộc thi đổi mới sáng tạo do Qualcomm tổ chức và lọt vào top 10, từ đó Qualcomm đã hỗ trợ cung cấp những phần cứng tiên tiến hơn nữa để ứng dụng BusMap có thể triển khai được những thiết bị có độ ứng dụng cao hơn. “Đó cũng là lúc chúng tôi bắt đầu tích hợp thêm trí tuệ nhân tạo vào thiết bị IoT, chẳng hạn như thuật toán nhận diện khuôn mặt khi chấm công và điểm danh thay thế việc dùng thẻ; giải pháp xử lý hình ảnh cho xe như nhận diện biển số xe…”, anh Thanh kể.
Khi biết được Phenikaa MaaS đang có những công nghệ lõi về bản đồ, IoT và AI – những công nghệ mà thành phố đang cần cho dự án phát triển giao thông thông minh, đại diện Đà Nẵng đã liên hệ để đặt đề bài với startup này để xây dựng công nghệ quản lý xe công, bao gồm xe cứu hỏa, xe cứu thương và xe rác. “Sau khi trúng thầu để tham gia vào dự án thí điểm đó, chúng tôi đã triển khai giải pháp giúp các nhà quản lý và người dân nắm được quy trình mà xe đang hoạt động. Khi một người dân gọi xe cứu thương, họ sẽ nhận được tin nhắn hướng dẫn để biết xe đang ở đâu, liên hệ với người lái xe như thế nào và mất bao lâu để đến nơi”, anh mô tả.
Trên đà hợp tác đó, Phenikaa MaaS tiếp tục phát triển công nghệ “AI on the edge” - một xu thế mới của trí tuệ nhân tạo - để quản lý camera tại cảng Đà Nẵng. “Trước đây, các camera tại cảng sẽ stream hình ảnh về một máy chủ để phần mềm AI xử lý. Hiện tại, chúng tôi lắp một thiết bị AI vào một cổng, mỗi thiết bị xử lý khoảng 8 camera cùng một lúc và gửi những thông tin đã được xử lý cho máy chủ. Điều này giúp giảm thiểu về băng thông cũng như thiết bị vận hành. Nếu lỡ một thiết bị nhỏ bị lỗi thì sẽ chỉ bị lỗi một số camera nhất định; trong khi nếu đưa hết về máy chủ như trước đây, nếu máy chủ sập thì toàn bộ camera sẽ sập theo”.
Chính nhờ những lần hợp tác trên, Trung tâm Dịch vụ công Đà Nẵng đã nhận thấy được tiềm năng của Phenikaa MaaS; để rồi khi đại dịch xảy đến, họ đã tìm ngay đến startup này, và từ đó Covidmaps đã ra đời.
Trở thành một công ty có trách nhiệm với xã hội
Bên cạnh sự ra đời của Covidmaps, với anh Lê Yên Thanh, hành trình phát triển ứng dụng BusMap còn có rất nhiều dấu mốc quan trọng khác, mà trong đó cuộc gặp gỡ giữa anh và TS Lê Anh Sơn (Viện phó Viện Nghiên cứu và Công nghệ Phenikaa, kiêm Giám đốc Công ty Phenikaa-X thuộc Tập đoàn Phenikaa) là một cơ duyên thú vị. “Tôi gặp đội ngũ phát triển ứng dụng BusMap vào năm 2019, khi các bạn ấy tham gia một cuộc thi về startup ở Nhật mà tôi là giám khảo, và họ đã giành giải Nhất”, anh Sơn kể. “Lúc ấy BusMap với tôi là một nhóm các bạn trẻ tài năng thích làm những việc có ích cho cộng đồng. Tôi đã ngỏ lời giúp đỡ họ trở thành một công ty có trách nhiệm với xã hội, thay vì chỉ đơn thuần là một công ty xã hội - lúc bấy giờ họ hoàn toàn không có doanh thu và không thể đảm bảo được sự bền vững của công ty”. Nói cách khác, ông Sơn bày tỏ mong muốn họ trở thành một công ty không chỉ tạo nên các giải pháp công nghệ thông minh giúp ích cho cộng đồng, mà có thể có được doanh thu và sử dụng doanh thu ấy để đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Đầu năm 2020, anh TS. Lê Anh Sơn trở về Việt Nam và làm việc tại Tập đoàn Phenikaa, anh đã quyết định liên hệ với Lê Yên Thanh để biến lời gợi ý đó trở thành hiện thực. “Tập đoàn Phenikaa không chỉ đầu tư cho chúng tôi về mặt tài chính, mà họ còn giúp đỡ BusMap về nguồn lực con người, công nghệ và hệ thống”, anh Thanh cho biết. Anh thừa nhận rằng, với anh, việc vận hành một startup có nhiều mặt khó hơn so với vận hành một công ty lớn. “Khi một công ty lớn đã có được quy trình, kinh nghiệm quản trị, tất cả mọi thứ của họ sẽ rất rõ ràng. Và chúng tôi muốn học được quy trình cũng như cách quản trị chuyên nghiệp đó để phát triển startup của mình tốt hơn”. Thêm vào đó, anh cho rằng Tập đoàn Phenikaa có một nền tảng hệ sinh thái vững chắc được liên kết và tương hỗ chặt chẽ giữa các thành viên trong Tập đoàn; đầu tư mạnh mẽ để trở thành Tập đoàn công nghiệp và công nghệ hàng đầu, ưu tiên nghiên cứu phát triển và sở hữu các công nghệ lõi… - đó là những điều mà BusMap có thể tham gia góp sức để tạo đà phát triển.
Với việc Tập đoàn Phenikaa đầu tư tài chính và hỗ trợ, định hướng phát triển dài hạn cho Phenikaa MaaS, Công ty sẽ mở rộng hướng kinh doanh, coi ứng dụng BusMap là công nghệ lõi, là nền tảng để phát triển các ứng dụng mang tính “cá nhân hóa” theo nhu cầu của từng đối tượng người dùng để giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp, trường học… “Chúng tôi đang mở rộng thị trường sang các nước khác, bao gồm Trung Đông - nơi đang có nhu cầu về quản lý xe buýt đưa rước học sinh”.
Theo KH&PT