Huy động tài trợ và cơ sở hạ tầng nghiên cứu công trong thời kỳ COVID-19
Cập nhật vào: Thứ sáu - 31/12/2021 02:13 Cỡ chữ
Đã có một cuộc vận động chưa từng có của cộng đồng khoa học ứng phó với đại dịch COVID-19. Trong thời gian kỷ lục, các cơ quan, tổ chức nghiên cứu công, quỹ tư nhân, tổ chức từ thiện và ngành y tế nói chung đã thiết lập một loạt các sáng kiến nghiên cứu mới được tài trợ trị giá hàng tỷ đô la. Tuy nhiên, phản ứng đặc biệt này từ hệ thống khoa học cũng cho thấy nhiều thách thức.
Những phát hiện mới trong huy động tài trợ và cơ sở hạ tầng nghiên cứu công trong thời kỳ COVID-19:
Hệ thống nghiên cứu đã phản ứng mạnh mẽ và linh hoạt trong thời kỳ đại dịch. Hệ thống tài trợ nghiên cứu cũng như cơ sở hạ tầng nghiên cứu đã nhanh chóng tái tập trung vào các chủ đề liên quan đến khủng hoảng và hợp lý hóa các thủ tục, và khả năng phân bổ hoặc tái phân bổ nguồn lực đã được cải thiện nhanh chóng. Đánh giá hiệu quả của các cơ chế khác nhau trong việc tạo ra kết quả nghiên cứu hữu ích có thể mang đến một số hiểu biết sâu sắc về những hoạt động cho tương lai.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã thúc đẩy các phương pháp mới trong truyền thông khoa học khi việc chia sẻ nhanh chóng dữ liệu và các khám phá khoa học trên toàn thế giới đã trở nên cần thiết. Nhiều ràng buộc truyền thống đã được dỡ bỏ hoặc nới lỏng để đẩy nhanh quá trình sản xuất, công bố và phổ biến các kết quả khoa học liên quan đến đại dịch. Những bản in trước, tức là bài báo học thuật chưa được đánh giá ngang hàng, đã trở nên phổ biến hơn, cho phép lan tỏa nhanh hơn các kết quả khoa học, nhưng cũng làm tăng rủi ro xung quanh việc đảm bảo chất lượng. Điều này đặt ra các vấn đề về cách hoạt động của đánh giá ngang hàng cũng như tầm quan trọng và những hạn chế của nó. Hơn 3/4 tổng số ấn phẩm về COVID-19 là truy cập mở, so với 1/2 trong các lĩnh vực y sinh khác. Những phát triển này về lâu dài có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang một nền khoa học mở hơn.
Có nhiều bất ổn liên quan đến việc tài trợ dài hạn cho nghiên cứu khi tình trạng khẩn cấp trước mắt đã qua, vì những nguồn lực quan trọng đã được phân bổ lại cho các lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến COVID-19. Các chính phủ và cơ quan tài trợ nghiên cứu nên xác định và thông báo nhanh chóng năng lực của họ để hỗ trợ nghiên cứu trong những năm tới; cũng như ưu tiên chiến lược của họ; để thúc đẩy hợp tác và cộng tác, tránh trùng lặp không cần thiết. Và xác định “khoảng tối” nơi nghiên cứu là cần thiết nhưng đang không được thực hiện. Điều này sẽ cho phép các tổ chức thực hiện nghiên cứu xây dựng kế hoạch chiến lược dài hạn thực tế và tiếp cận phối hợp toàn cầu.
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra một loạt thách thức đặc biệt cho hệ thống nghiên cứu. Cả chính phủ và người dân đều dựa vào khoa học để đưa ra các giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Bắt đầu từ việc thông tin bị hạn chế, nghiên cứu dự kiến sẽ cung cấp sự hiểu biết về căn bệnh - nguyên nhân và sự lây truyền của nó; tác động của nó đối với xã hội; các phương pháp chữa trị tiềm năng và hành động phòng ngừa - trong thời gian kỷ lục. Sức ép lớn đã đưa hệ thống nghiên cứu đến giới hạn của nó, làm sáng tỏ khả năng ứng phó và tính linh hoạt vốn có của nó, nhưng cũng cho thấy những lĩnh vực cần được củng cố để tăng khả năng phục hồi và sự sẵn sàng tổng thể cho các cuộc khủng hoảng hiện tại và tương lai.
Về cách thức huy động cộng đồng khoa học trong cuộc khủng hoảng COVID-19, chủ yếu ở đây là tài trợ nghiên cứu và cơ sở hạ tầng. Các cơ sở hạ tầng nghiên cứu đã huy động nguồn lực và mở rộng cơ sở vật chất cho những dự án mới nhắm vào COVID-19. Cơ sở dữ liệu nghiên cứu và các nhà xuất bản khoa học đã loại bỏ một số rào cản truyền thống đối với việc tiếp cận, để dữ liệu và ấn phẩm liên quan đến COVID-19 có thể nhanh chóng được chia sẻ trong toàn bộ cộng đồng khoa học. Tuy nhiên, sự phối hợp trong nước và quốc tế đôi khi bị chậm và bị cản trở bởi các rào cản về cơ cấu. Các tổ chức và cơ quan nghiên cứu đã phải tổ chức lại hoạt động của mình, nhanh chóng đặt ra ưu tiên mới và xem xét cân bằng các khoản đầu tư mới để giải quyết đại dịch với nhu cầu duy trì sự hỗ trợ cho toàn bộ cơ sở khoa học. Các quy trình bình duyệt truyền thống đã bị kéo dài, và việc duy trì chất lượng sản xuất khoa học dưới sự giám sát chặt chẽ của công chúng đã nổi lên như một thách thức cụ thể. Từ thực tế trên, các bài học kinh nghiệm có thể được ngoại suy cho những tình huống khủng hoảng khác và hoạt động của khoa học một cách rộng hơn, rút ra các hàm ý chính sách cho những nhà hoạch định chính sách khoa học và các nhà quản trị.
P.A.T (NASATI), theo Science, Technology and Innovation Outlook 2021: Times of Crisis and Opportunity, OECD