Tác động của Covid-19 đến các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp phi chính thức, tự doanh, nữ doanh nghiệp và doanh nhân thiểu số
Cập nhật vào: Thứ sáu - 18/03/2022 05:28 Cỡ chữ
Một số nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) và doanh nhân đặc biệt dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Covid-19, bao gồm: các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp phi chính thức, tự doanh, nữ doanh nghiệp và doanh nhân thiểu số.
Các công ty trẻ và các công ty khởi nghiệp
Các công ty khởi nghiệp là một trong những DNVVN bị ảnh hưởng nhiều nhất và dễ bị tổn thương nhất khi bắt đầu đại dịch. Do hậu quả của cuộc khủng hoảng, hơn 40% các dự án kinh doanh mới rơi vào cái gọi là “vùng đỏ” với tiền mặt để duy trì hoạt động trong ba tháng hoặc ít hơn (Diễn đàn Kinh tế Thế giới, 2020). Họ có thể bị ảnh hưởng đặc biệt bởi sự lo lắng rủi ro ngày càng tăng của các nhà tài chính, do hồ sơ rủi ro cao của họ, đồng thời phải đối mặt với những hạn chế cụ thể trong việc tiếp cận hỗ trợ của chính phủ.
Nhiều cuộc khảo sát xác nhận rằng các công ty non trẻ được thành lập ngay trước cuộc khủng hoảng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Ngay sau cuộc khủng hoảng, gần 3 trong 4 công ty khởi nghiệp chứng kiến doanh thu sụt giảm và vị thế thanh khoản của họ bị thách thức. 41% các công ty khởi nghiệp được khảo sát cho biết cần huy động vốn trong ba tháng tới để tồn tại (Startup Genome, 2020). Hơn nữa, các công ty khởi nghiệp thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận hỗ trợ của chính phủ ngay sau cuộc khủng hoảng, vốn thường yêu cầu bằng chứng về sự tồn tại và đã có lãi trong những năm trước đó.
Làn sóng đầu tiên của đại dịch cũng khiến tỷ lệ khởi nghiệp giảm mạnh. Tỷ lệ khởi nghiệp vào tháng 3 và tháng 4 năm 2020 giảm 70% ở Bồ Đào Nha, 46% ở Hungary, 54% ở Pháp và 57% ở Thổ Nhĩ Kỳ so với cùng tháng của năm trước (Calvino, Criscuolo và Verlha, 2020). Ở Đức, tỷ lệ này đã giảm 9,4% trong nửa đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019, trong khi ở Vương quốc Anh, các hình thức kinh doanh mới giảm 19% vào tháng 3, 29% vào tháng 4 và 3% vào tháng 5 năm 2020.
Tuy nhiên, vào nửa cuối năm 2020, việc thành lập công ty mới bắt đầu phục hồi, mặc dù có sự khác biệt giữa các quốc gia. Ở một số quốc gia (như Úc, Chile, Hà Lan, New Zealand, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ), sự gia tăng đăng ký kinh doanh mới tiếp tục trong mùa hè và thậm chí còn tăng vọt trong nửa cuối năm 2020. Ở các quốc gia khác (Pháp, Hàn Quốc), sau khi tăng ban đầu trong mùa hè, tỷ lệ thành lập bắt đầu giảm trở lại từ tháng 8/2020, phản ánh những bất ổn ngày càng tăng liên quan đến làn sóng thứ hai và việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn mới. Tuy nhiên, với tổng mức tăng trưởng thành lập doanh nghiệp là 5,5%, năm 2020 vẫn là một năm kỷ lục đối với các doanh nghiệp mới ở Pháp, với mức tăng tiếp theo được ghi nhận vào tháng 2 năm 2021. Một số quốc gia đã có sự sụt giảm nhỏ về tỷ lệ khởi nghiệp trong năm 2020, chẳng hạn như Bỉ, Đức, Hungary và Ireland, trong khi ở các quốc gia khác, mức giảm là hơn 20% (Bồ Đào Nha, Nga, Tây Ban Nha).
Vẫn chưa chắc chắn tỷ lệ khởi nghiệp sẽ tiếp tục phát triển như thế nào và nếu sự gia tăng của chúng phản ánh sự gia tăng “tinh thần kinh doanh cần thiết” như đã chứng kiến sau năm 2008 (so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu), với các các điều kiện lần này cơ bản thuận lợi hơn cho khởi nghiệp sáng tạo hơn. Thị trường tài trợ khởi nghiệp bùng nổ vào cuối năm 2020 ở một số quốc gia (chẳng hạn như Israel) có thể cho thấy rằng các liên doanh mới sáng tạo hơn đóng một vai trò nào đó. Nếu, do các biện pháp hạn chế được gia hạn vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tỷ lệ khởi nghiệp giảm hơn nữa, thì tác động tiêu cực đến việc làm của những công ty có thể lớn, trong khi họ đóng góp lớn vào tạo việc làm và tầm quan trọng của họ đối với sự phục hồi kinh tế. Các mô phỏng sử dụng dữ liệu cấp doanh nghiệp của 15 quốc gia đã chứng minh rằng sự sụt giảm 20% số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường có liên quan đến việc mất việc làm 0,7% tổng số việc làm với hậu quả kéo dài trong ba năm sau cú sốc và 0,5% sau 14 năm sau cú sốc.
Doanh nghiệp phi chính thức (Informal enterprises)
Doanh nghiệp phi chính thức chiếm 70% tổng số việc làm ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, và khoảng 18% ở các nước có thu nhập cao (OECD/ILO, 2019). Các DNVVN phi chính thức phổ biến ở hầu hết các nền kinh tế mới nổi. Ở Mỹ Latinh, khu vực kinh tế phi chính thức chiếm gần một phần ba GDP, ở Ấn Độ là 50% GDP và hơn 60% GDP ở châu Phi cận Sahara. Hầu hết các doanh nghiệp phi chính thức có quy mô nhỏ với ít hơn 10 lao động, và các doanh nghiệp siêu nhỏ này chiếm hơn 80% việc làm trong khu vực phi chính thức (ILO, 2020). Các doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phi chính thức đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng COVID-19.
Các DNVVN phi chính thức thường tạo ra mức thu nhập thấp và có vùng đệm tài chính hạn chế, khiến họ đặc biệt dễ bị tổn thương trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Ngoài ra, các DNVVN phi chính thức thường không có mối quan hệ với các ngân hàng và tổ chức công triển khai hỗ trợ, đặc biệt khó khăn cho họ trong việc tiếp cận hỗ trợ công.
Hầu hết các DNVVN phi chính thức có xu hướng làm việc trong lĩnh vực lưu trú, dịch vụ ăn uống và thương mại bán lẻ, điều này khiến họ đặc biệt dễ bị tổn thương do hậu quả của các biện pháp đóng của và hạn chế điều đi lại. Ở Mỹ Latinh, 42% lao động trong lĩnh vực dịch vụ xã hội và 62% lao động trong lĩnh vực thương mại và bán lẻ, nhà hàng và khách sạn là phi chính thức (IDB, 2020). Khoảng một nửa số lao động phi chính thức sống trong cảnh nghèo đói không được hưởng lợi từ các chương trình trợ giúp xã hội truyền thống và tỷ lệ này tăng lên 61,9% trong nhóm lao động phi chính thức dễ bị tổn thương về kinh tế. Do đó, khả năng tái nghèo do hậu quả của đại dịch là cao bất thường
Doanh nghiệp do phụ nữ và người thuộc nhóm dân thiểu số làm chủ
Có nhiều tài liệu chứng minh rằng phụ nữ và các doanh nhân thuộc nhóm dân thiểu số phải đối mặt với nhiều thách thức cụ thể. Bằng chứng quá khứ chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng tài chính 2008-09 đã ảnh hưởng không tương xứng đến các doanh nghiệp của người da đen và phụ nữ làm chủ. 60% doanh nghiệp thuộc sở hữu của người da trắng tồn tại vào năm 2002 vẫn hoạt động trong năm 2011 so với 49% doanh nghiệp thuộc sở hữu của người da đen. Tương tự, tỷ trọng là 61% doanh nghiệp do nam làm chủ so với 55% doanh nghiệp do nữ làm chủ (Brookings, 2020).
Đại dịch COVID-19 một lần nữa tấn công các chủ doanh nghiệp thiểu số và phụ nữ một cách không cân xứng. Các lý do bao gồm các doanh nghiệp này có xu hướng tập trung vào các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch, có vùng đệm tài chính tương đối nhỏ và khả năng tiếp cận các nguồn tài chính khác nhau bị hạn chế. Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trung bình nhỏ hơn và trẻ hơn so với các doanh nghiệp do nam giới làm chủ. Họ có nhiều khả năng là người tự tài trợ, hoặc được tài trợ bởi bạn bè và gia đình, và có ít tài sản tài chính hơn. Ngoài ra, phụ nữ có ít khả năng tiếp cận với nguồn tài chính bên ngoài hơn và trình độ kỹ năng tài chính thấp hơn so với nam giới. Doanh nhân nữ lại ít mối liên hệ chuyên môn hơn, bao gồm cả ban cố vấn hoặc cố vấn chuyên nghiệp để chia sẻ lời khuyên về cách quản lý rủi ro trong đại dịch.
Dữ liệu do Facebook, OECD và Ngân hàng Thế giới thu thập vào tháng 5 năm 2020 cho thấy các SME do nữ lãnh đạo có khả năng đóng cửa cao hơn 7% so với SME do nam lãnh đạo, với một số khác biệt trong khu vực. Trung bình của các khu vực trên thế giới cho thấy có ít nhất 6% chênh lệch giới tính về tỷ lệ đóng cửa doanh nghiệp.
Các nghiên cứu khác đã khẳng định tác động tiêu cực từ đại dịch cao hơn đối với các doanh nhân nữ. Ở Đức, nữ giới làm việc tự do có nguy cơ bị mất doanh thu cao hơn 35% so với nam giới (Graeber, Kritikos và Seebauer, 2020). Ở Canada, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã sa thải tỷ lệ công nhân của họ cao hơn một cách không cân xứng so với các doanh nghiệp do nam giới làm chủ. 62% trong số các doanh nghiệp này đã sa thải hơn 80% lao động của họ, so với mức trung bình 45% đối với doanh nghiệp nhỏ nói chung. Một báo cáo của Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho thấy, ngay cả sau khi làn sóng dịch bệnh đầu tiên lắng xuống, các nữ doanh nhân Hoa Kỳ vẫn ít lạc quan hơn về sự phục hồi.
Theo dữ liệu từ Hoa Kỳ, các doanh nhân thiểu số cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Xem xét tác động của COVID-19 ở Hoa Kỳ và thấy rằng, số lượng chủ doanh nghiệp đang hoạt động giảm 22% từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2020, trong đó các doanh nghiệp người Mỹ gốc Phi đã giảm 41%, chủ doanh nghiệp gốc Latino giảm 32% và chủ doanh nghiệp châu Á giảm 26%. Một cuộc khảo sát các doanh nghiệp nhỏ của Phòng Thương mại Hoa Kỳ được thực hiện vào nửa đầu tháng 11 năm 2020 cho thấy 74% chủ sở hữu cho biết họ cần chính phủ hỗ trợ thêm để vượt qua đại dịch. Tỷ lệ đó đã tăng lên 81% đối với các doanh nghiệp thuộc sở hữu của người thiểu số. Kết quả từ một cuộc khảo sát của Cục Dự trữ Liên bang vào đầu năm 2021 cho thấy khoảng 54% doanh nghiệp thuộc sở hữu của người da trắng mô tả tình trạng tài chính của họ là “nghèo nàn”, tỷ lệ đó đã tăng lên 79% đối với các doanh nghiệp do người châu Á làm chủ, lên 77% đối với các doanh nghiệp thuộc sở hữu của người da đen và lên 66% đối với các doanh nghiệp thuộc sở hữu của người gốc Tây Ban Nha.
Tự doanh (self-employed)
Tự doanh chiếm từ 10% đến 13% dân số lao động ở hầu hết các nước OECD, với sự tăng trưởng đáng kể được quan sát thấy sau cuộc khủng hoảng tài chính (OECD, 2020). Dữ liệu khảo sát gần đây đã chứng minh rằng, ở Liên minh Châu Âu, phần lớn những người tự kinh doanh là tự kinh doanh một mình (tức là họ không có nhân viên), và khả năng họ thất nghiệp trong cuộc khủng hoảng COVID-19 cao hơn nhiều (13%) so với người tự doanh có thuê lao động (2,3%) (Theo Tổ chức Châu Âu về Cải thiện Điều kiện Sống và Làm việc, 2020).
Những người lao động tự do đã bị ảnh hưởng mạnh ngay từ đầu đại dịch và một năm sau đại dịch, họ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, dữ liệu từ tháng 4 năm 2020 ở Úc cho thấy số giờ làm việc của những người tự kinh doanh đã giảm 32% kể từ khi bắt đầu đại dịch, so với mức giảm 9% số giờ làm việc trên toàn nền kinh tế. Vào tháng 4 năm 2020, Biddle et al. đã tiến hành một cuộc khảo sát trong số những người làm việc tự do ở Úc, và phát hiện ra rằng 80% trong số họ chịu tác động tiêu cực, với 50% cho rằng chịu tác động là đáng kể. Sự tác động lớn đến lao động tự do này tiếp tục diễn ra trong suốt mùa hè năm 2020. Một cuộc khảo sát ở Ấn Độ được công bố vào tháng 9 năm 2020 cho thấy 86% người tự kinh doanh đã bị ảnh hưởng tiêu cực trong đó 25% không còn thu nhập. Dữ liệu từ Vương quốc Anh cho thấy vào mùa hè năm 2020, số lao động tự do ít hơn 8% so với mùa hè năm trước; và vào tháng 11 năm 2020, một triệu lao động tự do đã bị đẩy vào cảnh nợ nần.
P.A.T (NASATI), theo An in-depth analysis of one year of SME and entrepreneurship policy responses to COVID-19, OECD 2021