6 giải pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ
Cập nhật vào: Thứ hai - 10/10/2022 03:48 Cỡ chữ
Ngày 5/10/2022, Văn phòng Chính phủ ra Thông báo số 317/TB-VPCP về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập diễn ra ngày 23 tháng 9 năm 2022 tại trụ sở Chính phủ.
Quang cảnh Hội nghị Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập diễn ra ngày 23/9/2022
Theo Thông báo, để phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp sau:
Về quan điểm chung:
Thứ nhất, thị trường khoa học và công nghệ là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Thứ hai, phải lấy nghiên cứu khoa học làm nền tảng, nhà khoa học là động lực và doanh nghiệp là trung tâm, phù hợp với bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; huy động tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân và quốc tế, đẩy nhanh tốc độ đổi mới sản phẩm và dịch vụ có độ tích hợp cao về công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhanh chóng gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu và chiếm lĩnh thị trường quốc tế.
Thứ ba, cần có chính sách đồng bộ, sự sẵn sàng của nguồn cung và nguồn cầu công nghệ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại cùng năng lực, uy tín và thương hiệu của các tổ chức trung gian.
Thứ tư, hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ phải được đặt trong mối quan hệ biện chứng, liên thông, đồng bộ với phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động, tài chính và các thị trường khác; gắn kết sự phát triển của thị trường trong nước với thị trường toàn cầu và khu vực, phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Thứ năm, để phát triển bền vững thị trường khoa học và công nghệ phải tuân thủ quy luật thị trường, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, phải lành mạnh, công khai và minh bạch.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
(1) Tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách để thị trường khoa học và công nghệ phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Bộ Chính trị và chiến lược, chương trình phát triển khoa học và công nghệ của Chính phủ. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương xây dựng và lồng ghép nhiệm vụ, kế hoạch/đề án phát triển thị trường khoa học và công nghệ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm. Đẩy mạnh hơn nữa việc thể chế hóa đường lối của Đảng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực mới nổi, thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới công nghệ góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường, chống biến đổi khí hậu, khuyến khích chuyển đổi số và phát triển xanh.
(2) Tổ chức triển khai và thực hiện hiệu quả 2 mục tiêu lớn và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030, trong đó:
- Thúc đẩy phát triển nguồn cung và cầu của thị trường khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và kết nối cung cầu giữa bên mua và bên bán để phục vụ thương mại hoá sản phẩm.
- Nâng cao năng lực hoạt động các tổ chức trung gian, nhất là các tổ chức lớn, đa ngành và gắn với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực; khuyến khích, hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian thuộc khu vực tư nhân. Đẩy mạnh việc phát triển mạng lưới tổ chức trung gian trên cơ sở kết nối các sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp với các trung tâm ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ.
- Đầu tư phát triển các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại một số thành phố lớn và khu vực kinh tế trọng điểm, kết nối liên thông với hệ thống các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ của các tỉnh, thành phố, kết nối với các sàn giao dịch công nghệ khu vực và thế giới.
- Đẩy mạnh việc xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ tại các địa bàn có nhiều nguồn cung công nghệ cao, tiên tiến và thân thiện môi trường, các thị trường tiềm năng mà Việt Nam có lợi thế thông qua các hiệp định thương mại tự do. Tăng cường tổ chức các sự kiện xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ quy mô vùng, quốc gia và quốc tế; quảng bá thị trường khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo; lồng ghép, phối hợp với các sự kiện xúc tiến thương mại và đầu tư với xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ.
- Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường khoa học và công nghệ, đẩy mạnh kết nối trung ương với địa phương, viện, trường với doanh nghiệp và người dân. Từng bước liên thông, tích hợp với các nền tảng kỹ thuật về thị trường khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế.
- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khoa học, công nghệ. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của thị trường khoa học và công nghệ. Phát triển các doanh nghiệp tiên phong trong mua bán công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ nguồn.
(3) Đẩy mạnh kết nối liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường khoa học và công nghệ với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính. Đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động vốn từ doanh nghiệp, người dân, và xã hội để phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
(4) Tập trung xây dựng và triển khai thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hoá, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước, hợp tác công - tư và đầu tư tư nhân vào sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng chính sách chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học và công nghệ; khuyến khích hợp tác công - tư và đầu tư tư nhân trong các dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ.
(5) Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ lõi thông qua các viện nghiên cứu, trường đại học để giải mã, hấp thụ và làm chủ công nghệ, đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
(6) Xây dựng chính sách khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở dữ liệu lớn, chia sẻ dữ liệu, thông tin để đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khoa học và công nghệ, khởi nghiệp một cách toàn diện và đồng bộ.
Thông báo cũng nêu rõ: Giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị, xây dựng dự thảo Chỉ thị về phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2022.
P.A.T (Tổng hợp)