Cầu nối nghiên cứu đến thị trường
Cập nhật vào: Thứ hai - 18/05/2020 14:27 Cỡ chữ
Quá trình dịch chuyển, từ chỗ ban đầu chỉ tập trung vào thế mạnh nghiên cứu tới chỗ thúc đẩy quản lý và thương mại hóa tài sản trí tuệ ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho thấy vai trò quan trọng của bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ - một cầu nối nghiên cứu với thị trường.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam nhân dịp Triển lãm Ngày Khoa học và Công nghệ tại trụ sở Viện
Song song với nghiên cứu, việc khai thác sáng chế và thương mại hóa kết quả nghiên cứu đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các viện nghiên cứu nhằm đưa các kết quả nghiên cứu đến gần với cuộc sống, khẳng định vai trò của các cơ quan nghiên cứu.
Với một bề dày thành tích công bố quốc tế luôn là một trong những đơn vị đứng đầu cả nước, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xác định, song song với việc nâng cao chất lượng các công bố quốc tế, cần phải thúc đẩy công tác sở hữu trí tuệ (SHTT) trong toàn Viện nhằm đưa các kết quả nghiên cứu ứng dụng hiệu quả trong thực tế. Kể từ thời điểm 2010, mục tiêu này được thúc đẩy mạnh nên bức tranh về tài sản trí tuệ được bảo hộ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thay đổi hẳn, từ chỗ hầu như chỉ có lác đác 2-3 sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ mỗi năm đã tăng dần đều và thực sự đạt bước tiến mới kể từ 2017. Trong ba đến bốn năm liên tiếp gần đây, mỗi năm Viện đều có khoảng 40-50 sáng chế và giải pháp hữu ích được bảo hộ.
Trong bảng xếp hạng công bố nghiên cứu của Nature Index 2020, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xếp thứ nhất trong khối Viện nghiên cứu - Trường Đại học tại Việt Nam(*)
Biểu đồ cho thấy bức tranh tăng trưởng về số lượng tài sản trí tuệ được bảo hộ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong giai đoạn 2011-2019
Cú hích và công cụ đảm bảo cho chuyển giao công nghệ
Nhờ có các tài sản trí tuệ được bảo hộ ấy, các nhà nghiên cứu, viện trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có thêm một công cụ quan trọng cho xúc tiến chuyển giao công nghệ, đưa sản phẩm nghiên cứu tới đời sống. Tuy nhiên, không phải nhà khoa học nào cũng am hiểu về thương mại hóa sản phẩm từ kết quả nghiên cứu. Đơn cử, với mỗi loại hình chuyển giao khác nhau, với mỗi một li-xăng, quyền và nghĩa vụ của 2 bên sẽ được đảm bảo theo những cách khác nhau.
Do đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức các khóa tập huấn để nâng cao năng lực quản trị tài sản trí tuệ cho cán bộ quản lý và các nhà khoa học của Viện. Một trong những hoạt động phối hợp thường kỳ giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Cục SHTT là tập huấn kỹ năng tra cứu, viết bản mô tả và theo đuổi đơn đăng ký sáng chế, được tổ chức ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Thông qua đó, các cán bộ quản lý và các nhà khoa học nhận thức rõ ràng hơn về lợi ích của việc bảo hộ sáng chế, đặc biệt với những sáng chế có khả năng thương mại hóa cao. Với những công nghệ đã có bảo hộ quyền SHTT, giá chuyển giao công nghệ sẽ tăng gấp nhiều lần so với những công nghệ không có bảo hộ quyền SHTT. Bên cạnh đó, việc "bao vây" các nghiên cứu của mình theo nhiều hướng ứng dụng cũng là một cách để nhà khoa học/đơn vị nghiên cứu dễ dàng đạt được thỏa thuận và ký hợp đồng với đối tác chuyển giao công nghệ.
Hầu hết các kết quả nghiên cứu sau khi được cấp bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích đều tiếp tục được phát triển, chuyển giao, trở thành sản phẩm thương mại, được người tiêu dùng cả nước đón nhận và tin tưởng. Trong lĩnh vực dược phẩm, có thể kể đến sản phẩm hỗ trợ gan Naturenz (Viện Công nghệ Sinh học chuyển giao Công ty Dược Hậu Giang), hỗ trợ dạ dày CumarGold (Viện Khoa học vật liệu chuyển giao Công ty Dược CVI), hỗ trợ xương khớp Khương Thảo Đan (Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên chuyển giao Công ty Dược Thái Minh). Về môi trường, các nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano bạc của TS. Trần Thị Ngọc Dung (Viện Công nghệ Môi trường) đã được triển khai và chuyển giao cho nhiều doanh nghiệp, tạo ra những sản phẩm thiết thực, đặc biệt là trong mùa dịch Covid-19; hay hệ thống xử lý rác thải nguy hại cho bệnh viện đến hiện nay vẫn được nhiều địa phương liên hệ xây dựng, lắp đặt, vận hành. Vì vậy, năm 2019, công trình xử lý rác thải nguy hại này cũng vinh dự được nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa 2019 cho công trình nghiên cứu ứng dụng có những triển khai thiết thực và ý nghĩa tại địa phương trong giải quyết và xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nổi bật nhất có thể kể đến 3 sáng chế về chế phẩm sinh học phân hủy màng polymer, plastic của PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà (Viện Công nghệ sinh học), có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Việt Nam bị đánh giá trong top 5 các nước thải rác nhựa ra môi trường biển nhiều nhất thế giới. Các nghiên cứu, sáng chế này đều đồng thời gắn liền với quá trình đào tạo học viên cao học, nghiên cứu sinh tiến sĩ nên đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ trong việc đào sâu nghiên cứu và cho ra đời nhiều kết quả ứng dụng thiết thực cho cộng đồng, phục vụ đời sống.
Cần có chiến lược, lộ trình bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ
Trên thực tế, để phát huy được tiềm lực khoa học và công nghệ của quốc gia thông qua khai thác sáng chế và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, thì một trong những nội dung then chốt là phải có được các chiến lược, lộ trình khai thác sáng chế và tiệm cận với sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu một cách hợp lý, đặc biệt là các sáng chế tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, có tiềm năng xuất khẩu. Giá trị từ thương mại hóa tài sản trí tuệ mang lại tiếp tục được tái đầu tư một phần cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, nhân lực, từ đó tạo động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo phát triển. Điều này có nghĩa là, việc đổi mới tư duy trong quản lý khoa học, công nghệ và khai thác sáng chế, thương mại hóa kết quả nghiên cứu là cần thiết để có thể phát huy được năng lực của doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước và nhà đầu tư trong hoạt động hợp tác, liên kết nhằm đưa sáng chế, giải pháp hữu ích, các sản phẩm khoa học, công nghệ thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, cho xã hội. Đây là điều mà các cán bộ khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam luôn luôn tin tưởng và hướng đến.
Khai thác sáng chế và thương mại hóa kết quả nghiên cứu giữ vai trò là mục tiêu then chốt đối với sự phát triển của các Viện nghiên cứu, là mũi nhọn phát triển đối với doanh nghiệp và là nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế bền vững của quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra. Việc khai thác hiệu quả các sáng chế có tác động tích cực tới hoạt động thương mại hóa, đưa các kết quả nghiên cứu đến gần với cuộc sống, qua đó, nâng cao vị trí cạnh tranh của doanh nghiệp, quốc gia, dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.
Nguồn: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam
quá trình, ban đầu, tập trung, nghiên cứu, thúc đẩy, quản lý, thương mại, tài sản, trí tuệ, khoa học, công nghệ, vai trò, quan trọng, bảo hộ, sở hữu