Chính sách mới trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Trung Quốc
Cập nhật vào: Thứ hai - 13/05/2019 22:05 Cỡ chữ
Mô hình tăng trưởng của Trung Quốc hiện đang có sự thay đổi với tốc độ tăng trưởng giảm và một nỗ lực để tái cân bằng nền kinh tế từ xuất khẩu và đầu tư hướng tới chi tiêu của khu vực tư nhân. Vai trò của đổi mới sáng tạo ngày càng tăng, như được minh họa bởi thực tế là Trung Quốc đã dành khoảng 2% GDP cho NC&PT , thu hẹp khoảng cách với các nước EU28.
Những điểm chính trong hệ thống KHCN&ĐM của Trung Quốc
Quản trị chính sách KHCN&ĐM: Một nhóm đổi mới hệ thống KH&CN hàng đầu, với sự tham gia của 20 bộ, cơ quan quốc gia đã được thành lập năm 2012. Đánh giá giữa kỳ Kế hoạch Phát triển KH&CN 2006 - 2020 được thực hiện vào năm 2014 với các phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá Liên minh Chiến lược công nghiệp - viện nghiên cứu cho đổi mới sáng tạo công nghệ được đưa ra vào năm 2012. Việc quản lý các chương trình KH&CN trọng điểm đã được sửa đổi để đơn giản hóa thủ tục nộp hồ sơ; các nhà khoa học nộp hồ sơ cho các dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ không cần phải đích thân tiến hành các phiên hỏi đáp do hầu hết các quy trình nộp hồ sơ và đánh giá có thể được thực hiện qua Internet, trong khi hệ thống quản lý ngân sách đã được cải thiện bằng cách xây dựng thư viện dự án và hệ thống thông tin chương trình KH&CN.
Cơ sở hạ tầng CNTT&TT và Internet: Mặc dù cơ sở hạ tầng CNTT&TT của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng nhưng chỉ số sử dụng CNTT&TT trên đầu người và chỉ số sẵn sàng chính phủ điện tử vẫn còn rất thấp so với tiêu chuẩn của OECD. Trung Quốc đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng KH&CN thông qua Chương trình Phát triển cơ sở và cở sở hạ tầng cho NC&PT từ năm 2005, với kinh phí ước tính khoảng 1,5 tỷ USD (5 tỷ NDT).
Chuyển giao và thương mại hóa công nghệ: Năm 2013, Văn phòng Lập pháp của Hội đồng Nhà nước sửa đổi Luật Thúc đẩy chuyển giao thành tựu KH&CN. Số các liên minh chiến lược ngành công nghiệp - viện nghiên cứu cho đổi mới công nghệ tăng từ 4 trong năm 2007 lên 146 năm 2013.
Các cụm và chuyên môn hóa thông minh: Hệ thống đổi mới quốc gia của Trung Quốc đã cho thấy sự bất bình đẳng khu vực. Chính phủ đã sử dụng các khu trình diễn đổi mới sáng tạo như một công cụ chính sách quan trọng để làm mũi nhọn dẫn đầu đổi mới sáng tạo ở những khu vực có khả năng đổi mới tương đối thuận lợi. Đến nay 3 công viên khoa học đã được xây dựng tại Trung Quan Thôn (Zhongguncun) (Bắc Kinh); Hồ Đông (Vũ Hán) và Trạm Giang (Thượng Hải). Các doanh nghiệp nằm trong các công viên này được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ công cho các hoạt động đổi mới sáng tạo của họ. Ngoài ra, Khung Kế hoạch phát triển và đổi mới vùng Đồng bằng Châu Giang (2008 - 2020) nhằm làm cho khu vực này trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đến năm 2012, Trung Quốc đã có 105 Khu Công nghệ cao với khoảng một nửa các vườn ươm công nghệ quốc gia và 132 khu phát triển kinh tế và công nghệ. Để thúc đẩy sự phát triển của khu vực phía Tây, Chiến lược Mở rộng về phía tây hỗ trợ đầu tư cho cơ sở hạ tầng nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu và lưu động nguồn nhân lực giữa khu vực miền Đông và miền Tây.
Toàn cầu hóa: Các hệ thống khoa học và đổi mới sáng tạo của Trung Quốc có sự liên kết yếu kém với các mạng lưới toàn cầu được thể hiện bằng tỷ trọng đồng tác giả và đồng sáng chế của Trung Quốc rất thấp. Chính phủ đang tìm cách để cải thiện tính mở của hệ thống KHCN&ĐM thông qua tiếp tục hợp tác giữa chính phủ về KH&CN và đa dạng hóa các phương thức mà các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu công của Trung Quốc tương tác với các đối tác nước ngoài. Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng đã tăng cường tham gia vào các dự án hợp tác quốc tế quy mô lớn, như Chương trình Khung EU lần thứ 7, và các cuộc đối thoại song phương hằng năm với các nước đối tác quan trọng như Hoa Kỳ và Đức về hợp tác trong KHCN&ĐM.
NASATI (Theo OECD)