Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TP. Hồ Chí Minh tại Khu Công nghệ cao giai đoạn 2025 - 2030
Cập nhật vào: Thứ hai - 09/09/2024 00:01 Cỡ chữ
Ngày 9/6/2024, UBND TP. Hồ Chí Minh có Quyết định Phê duyệt “Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TP. Hồ Chí Minh tại Khu Công nghệ cao giai đoạn 2025 - 2030”.
Mục tiêu của Chương trình là phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn TP. Hồ Chí Minh với hạt nhân là Khu Công nghệ cao có đủ năng lực tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu. Đến năm 2030, Khu Công nghệ cao có hệ sinh thái vi mạch bán dẫn mạnh, trở thành một trung tâm nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của quốc gia.
Trong đó, hạ tầng khoa học công nghệ, mô hình quản trị hiện đại theo thông lệ tốt của thế giới; năng lực nghiên cứu, làm chủ công nghệ tiên tiến; ươm tạo, thương mại hóa thành công sản phẩm vi mạch Việt Nam có tính ứng dụng trong xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững; là nơi thu hút và đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn đạt trình độ quốc tế cho TP. Hồ Chí Minh; hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển cho các doanh nghiệp vi mạch; có không gian phát triển các dự án đầu tư có sức lan tỏa công nghệ, kết nối vào hệ sinh thái vi mạch bán dẫn thế giới.
Chương trình tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế, thí điểm cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành vi mạch bán dẫn tại Khu Công nghệ cao; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn; nghiên cứu phát triển công nghệ vi mạch bán dẫn và vi cơ điện tử MEMS; ươm tạo doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn; nâng cấp hạ tầng khoa học và công nghệ, mô hình tổ chức hoạt động của các đơn vị nghiên cứu, phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, ươm tạo doanh nghiệp tại Khu Công nghệ cao.
Chương trình cũng tập trung phát triển không gian, liên kết vùng; thu hút dự án đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Đồng thời, tổ chức sơ kết, tổng kết hiệu quả việc triển khai chương trình.
Ngoài ra, chương trình đề ra 9 dự án, đề án, kế hoạch như Trung tâm đào tạo đạt chuẩn quốc tế; Trung tâm đổi mới sáng tạo; Trung tâm Vi mạch bán dẫn, Cảm biến - MEMS vận hành theo mô hình Trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế (CoE); xúc tiến đầu tư ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn vào Khu Công nghệ cao; tăng cường hợp tác quốc tế, liên kết vùng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Theo Nghị quyết 98/2023 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. TP. Hồ Chí Minh, lĩnh vực công nghệ chip được thành phố xác định là ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, để phát triển thành trung tâm ngành công nghệ bán dẫn của Việt Nam, hướng đến toàn cầu.
P.A.T (tổng hợp)