Diễn đàn công nghệ và năng lượng Việt Nam 2019
Cập nhật vào: Thứ hai - 01/07/2019 12:51 Cỡ chữ
Đây là lần đầu tiên Diễn đàn được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư liên quan đến lĩnh vực năng lượng và năng lượng tái tạo. Diễn đàn cũng tạo cầu nối gắn kết giữa bên cung và bên cầu công nghệ thông qua hoạt động triển lãm và các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ.
Lễ cắt băng khai mạc Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2019
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết: “Trong thời qua, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã có nhiều hoạt động hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài nhằm xúc tiến các hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam. Nhiều công nghệ mới, tiên tiến của nước ngoài đã được Cục tập hợp, giới thiệu cho các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam và một số công nghệ đã được chuyển giao thành công góp phần nâng cao năng lực công nghệ cũng như hiệu quả sản xuất cho các doanh nghiệp Việt Nam”.
Diễn đàn công nghệ và năng lượng năm nay được tổ chức nhằm truyền tải các thông tin đa chiều từ kinh nghiệm xây dựng chính sách tại quốc gia tiên tiến như Hàn Quốc, ý kiến của doanh nghiệp trong cuộc về chính sách và công nghệ tới các thông tin về công nghệ điển hình được nghiên cứu và phát triển thành công trong nước cũng như các công nghệ từ nước ngoài sẵn sàng chuyển giao vào Việt Nam.
Thông tin từ Diễn đàn cho thấy nền kinh tế nước ta đang phát triển với tốc độ cao, kéo theo đó là sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu về năng lượng. Đây là vấn đề đang đặt ra nhiều thách thức lớn khi mà các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí... dần cạn kiệt, không đủ cho nhu cầu trong nước. Trong thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp đã mang tới sự phát triển đáng ghi nhận của ngành năng lượng, đáp ứng đủ nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Nếu tính cả thủy điện thì Việt Nam có tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp nói chung và tổng điện năng phát ra nói riêng vào nhóm các nước cao nhất thế giới. Tuy nhiên, thách thức trong giai đoạn tới là rất lớn khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh kéo theo nhu cầu ngày càng cao về năng lượng, cùng với đó là tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu cũng như tiềm tàng khả năng bất ổn về kinh tế - xã hội của khu vực và thế giới. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tăng tỉ trọng nguồn năng lượng mới và tái tạo cũng như sử dụng hiệu quả hơn nữa các nguồn năng lượng truyền thống.
Việt Nam có lợi thế lớn với sự nguồn năng lượng tái tạo dồi dào: 63% diện tích lãnh thổ có thể phát triển điện gió với tiềm năng khoảng 2 triệu MW; nguồn bức xạ trải dài từ bắc tới nam với cường độ cao, đủ để khai thác điện mặt trời. Thực tế, trong hai năm trở lại đây, Việt Nam đã và đang chứng kiến sự phát triển bùng nổ trong lĩnh vực năng lượng mặt trời với cơ chế hỗ trợ của nhà nước ngày càng thiết thực hơn. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này vẫn chưa khai thác một cách hiệu quả, tính đến tháng 5/2019, cả nước có 57 nhà máy điện mặt trời và điện gió đi vào vận hành với tổng công suất lắp đặt khoảng 2,800MW và sản lượng đã phát trong tháng 5 là khoảng 200 triệu kWh. Nguyên nhân chính có thể kể đến là còn một số rào cản khi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo như giá điện, rào cản tính bất ổn định của năng lượng tái tạo, tài chính và năng lực công nghệ nội sinh.
Theo ông Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, một trong các chiến lược quan trọng để ngành năng lượng vượt qua các thách thức trong giai đoạn phát triển sắp tới là đẩy mạnh sự liên kết giữa khu vực viện trường với doanh nghiệp để nghiên cứu làm chủ, phát triển và chuyển giao công nghệ, đồng thời đào tạo đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này. Cùng với đó là cần có sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương cũng như bạn bè quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và hấp thụ được các công nghệ tiên tiến.
Trong khuôn khổ Diễn đàn cũng diễn Hội thảo Hệ thống chính sách và quy hoạch phát triển ngành năng lượng Việt Nam nhằm giới thiệu đến các cơ quan quản lý có liên quan, các tổ chức nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp các thông tin tổng quan về chính sách năng lượng tái tạo của Việt Nam, triển vọng năng lượng Việt Nam cũng như giới thiệu về kinh nghiệm xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển ngành năng lượng tái tạo của Chính phủ Hàn Quốc trong thời gian qua.
Ngoài ra, đây còn là hoạt động nhằm tăng cường giao lưu, gắn kết giữa các cơ quan thuộc Chính phủ hai nước Việt Nam - Hàn Quốc trong lĩnh vực năng lượng và cũng là nơi trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp lớn của hai nước; giữa các tập đoàn lớn của Hàn Quốc với sở, ban, ngành, các tỉnh của Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội cũng như thu hút đầu tư.
NASATI