Giám sát biến động môi trường và chỉ đạo phòng trừ dịch bệnh vùng nuôi tôm nước lợ, tôm hùm tập trung tại các tỉnh Nam Trung bộ
Cập nhật vào: Thứ ba - 26/11/2019 23:01 Cỡ chữ
Tôm nuôi nước lợ và tôm hùm nuôi lồng là hai trong số các đối tượng nuôi chính/chủ lực/đặc hữu của nghề nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ đã và đang mang lại hiệu quả cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất cho người dân nơi đây. Bởi do hiệu quả kinh tế cao mang lại mà nhiều người dân đã không ngần ngại đầu tư mở rộng số lồng bè nuôi, diện tích ao nuôi tôm nước lợ, chẳng hạn tại Phú Yên số lồng nuôi tôm hùm thương phẩm năm 2005 là 17.500 lồng đến năm 2016 là 29.745 lồng nuôi.
Kết quả của việc phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản nhiều, cùng với công tác quản lý nguồn giống, thức ăn và các loại hóa chất sử dụng trong nuôi trồng thủy sản chưa thật sự tốt đã và đang là nguyên nhân xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi và dịch bệnh thường xuyên trên các đối tượng nuôi thủy sản hiện nay như: bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) trên tôm nuôi nước lợ; bệnh sữa trên tôm hùm nuôi lồng. Đối với bệnh sữa trên tôm hùm, dù đã xác định được tác nhân gây bệnh (do vi khuẩn ký sinh nội bào Rickettsia) (Đỗ Thị Hòa và cộng sự, 2009) và đã xây dựng phát đồ điều trị (Nguyễn Hữu Dũng và cộng sự, 2007), tuy nhiên việc khống chế hoàn toàn tác nhân gây bệnh trong điều kiện nuôi “mở” như hiện nay là rất khó. Do vậy, bệnh sữa vẫn còn thường xuyên xuất hiện ở các vùng nuôi và gây thiệt hại kinh tế lớn cho người nuôi. Kết quả quan trắc và giám sát môi trường vùng nuôi năm 2016 (Võ Văn Nha, 2016) cho thấy, nhiều chỉ tiêu môi trường có biến động nằm trong giới hạn, nhưng có một số chỉ tiêu biến động lớn và có thời điểm vượt giới hạn cho phép như NH4 +, TSS, PO4 3,… hay độ mặn ở các ao nuôi tôm nước lợ giảm thấp vào các tháng 6, tháng 7 và tháng 8/2016 (dưới 6‰).
Kết quả phân tích mẫu tôm hùm bệnh sữa cho thấy 44,0% tôm hùm thương phẩm và 12,2% tôm hùm giống nhiễm vi khuẩn nội bào Rickettsia-like, là tác nhân gây bệnh sữa ở tôm hùm; 86,9% mẫu tôm hùm bệnh sữa nhiễm Vibrio trong máu, trong đó 77,5% mẫu tôm hùm bệnh sữa nhiễm Vibrio alginolyticus. Kết quả phân tích mẫu tôm thẻ chân trắng bị bệnh ở các vùng giám sát cũng đã cho thấy có 13,54 % mẫu tôm dương tính với virut đốm trắng (WSSV) khi phân tích bằng phương pháp PCR, và 36,46% mẫu nhiễm Vibrio parahaemolyticus tác nhân gây hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND). Ngoài ra, khi quan trắc, giám sát bệnh vùng nuôi tôm nước lợ ở các tỉnh Nam Trung Bộ năm 2016 còn bắt gặp bệnh gầy còi (EHP), làm tôm nuôi chậm lớn. Từ kết quả giám sát năm 2016 cho thấy, việc gia tăng mật độ nuôi, ô nhiễm nguồn nước cùng với ảnh hưởng tiêu cực từ biến động bất thường của thời tiết đã làm biến động môi trường và phát sinh dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản nuôi trong khu vực.
Xuất phát từ thực tế trên, PGS.TS. Võ Văn Nha, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III cùng các đồng nghiệp đã tiến hành thực hiện đề tài “Giám sát biến động môi trường và chỉ đạo, phòng trừ dịch bệnh vùng nuôi tôm nước lợ, nuôi tôm hùm tập trung tại các tỉnh Nam Trung Bộ”.
Sau một thời gian thực hiện, đề tài đã thu được một số kết quả quan trọng như sau:
Kết quả quan trắc các yếu tố môi trường khu vực nước cấp vùng nuôi tôm nước lợ và nuôi tôm hùm lồng tập trung năm 2017
Kết quả quan trắc các yếu tố môi trường vùng nuôi tôm hùm lồng tập trung năm 2017 Hầu hết các thông số môi trường nước ở 12 đợt quan trắc như: pH, độ mặn, TSS, NH3, NO2-N và COD vùng nuôi tôm hùm tại Phú Yên, Khánh Hòa duy trì ở mức thích hợp cho nuôi tôm hùm. Ngoại trừ giá trị phosphate (PO4 3- ), 73 oxy hòa tan (DO) và số lượng Vibrio tổng số trong nước ở một số thời điểm, đặc biệt từ tháng 5-6/2017 nằm ngoài giới hạn thích hợp của tôm hùm nuôi lồng, nhất là các vùng ở tỉnh Phú Yên. Giá trị PO4 3- cao cục bộ ở một số điểm thu mẫu ở Phú Yên (hệ số ô nhiễm 1,10-1,23) vào tháng 5/2017. Phần nhiều (85/108 mẫu, chiếm 78,7% ở Phú Yên) các mẫu nước có hàm lượng oxy hòa tan (DO) trong nước chưa thích hợp cho nuôi tôm hùm lồng. Đặc biệt, hàm lượng oxy hòa tan trong nước bị suy kiệt vào cuối tháng 5/2017 ở Xuân Phương (0,88-2,12 mg/l) và Xuân Yên (2,04-4,20 mg/l).
Trầm tích tại các thủy vực nuôi hùm có mức tích lũy chất hữu cơ dao động từ 2,88-5,16%, sulfua dao động từ 5,82-16,10 mg/kg. Mức độ tích lũy ô nhiễm trầm tích tại các thủy vực nuôi tôm hùm ở Phú Yên cao hơn ở Khánh Hòa.
Chất lượng môi trường nước tại các vùng nuôi tôm hùm ở Phú Yên và Khánh Hòa được đánh giá dựa theo bảng phân loại chỉ số CCME-WQI, sắp từ thấp đến cao theo thứ tự như sau: Xuân Yên, Xuân Phương, Xuân Thành, Đầm Môn, Xuân Tự và Vũng Ngán.
Kết quả quan trắc các yếu tố môi trường khu vực nước cấp vùng nuôi tôm nước lợ năm 2017
Hầu hết các thông số môi trường nước (pH, NH3, nhiệt độ, NO2, DO, H2S, Pb, Cd, Hg và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gốc cacbarmate) tại các vùng nuôi tôm nước lợ nằm trong khoảng thích hợp cho nuôi tôm nước lợ. Riêng giá trị độ mặn ở vùng nước cấp ở Vinh Quang và Đông Điền (Bình Định) bị ngọt hóa từ cuối tháng 3/2017-10/2017, tại Tân Thủy (Khánh Hòa) vào cuối tháng 5/2017. Hàm lượng COD và mật độ vi khuẩn Vibrio đạt cao ở một số thời điểm quan trắc trong năm 2017 như tại Vinh Quang, Đông Điền (tháng 4/2017, 8/2017, 10/2017); Hòa Hiệp Nam (tháng 6-8/2017, 10/2017); Xuân Đông, Tân Thủy (tháng 7-8/2017). Ngoài ra, đã phát hiện V. parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp trong vùng nước cấp tại Đông Điền (Bình Định) và Tân Thủy (Khánh Hòa) vào tháng 5-6/2017.
Chất lượng môi trường nước tại các vùng nuôi tôm nước lợ ở Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa được đánh giá dựa theo bảng phân loại chỉ số CCMEWQI, sắp từ thấp đến cao theo thứ tự như sau: Vinh Quang, Đông Điền, Tân Thủy, An Ninh Đông, Xuân Đông, Hòa Hiệp Nam.
Kết quả giám sát chủ động bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), bệnh còi EHP ở tôm nước lợ và bệnh sữa ở tôm hùm nuôi lồng; theo dõi hội chứng rụng chân ở tôm hùm nuôi lồng tại một số vùng quan trắc năm 2017
Kết quả giám sát chủ động bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), bệnh còi EHP ở tôm nước lợ
- Đã giám sát và chưa phát hiện tôm nuôi nhiễm bệnh đốm trắng (WSSV) và hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), nhưng phát hiện bệnh EHP trên tôm thẻ chân trắng nuôi tại Tam Ích (Khánh Hòa) trong thời gian năm 2017.
- Hầu hết các thông số môi trường nước (nhiệt độ, pH, NH3, nhiệt độ, NO2, DO, H2S, TSS) tại các ao nuôi tôm nước lợ được giám sát ở Đông Điền (Bình Định) và Tân Thủy (Khánh Hòa) đều nằm trong ngưỡng thích hợp cho tôm nuôi, ngoại trừ giá trị độ mặn, COD và mật số Vibrio tổng số trong nước ao chưa thích hợp vào một số thời điểm nhất định, cụ thể: Ở các ao nuôi tại Bình Định giá trị độ mặn thấp (4‰), hàm lượng COD trong ao dao động từ 3,36 – 26,64 mg/l, trung bình 9,55 mg/l, có 23/80 mẫu (chiếm 28,8%) vượt ngưỡng và xảy ra vào tháng 4/2017, 5/2017 và tháng 9/2017, 10/2017; mật độ vi khuẩn Vibiro trong nước ao dao động từ <10- 1,4x104 cfu/ml, có 4/80 mẫu (chiếm 5,0%) vượt ngưỡng giá trị cho phép, đồng thời không phát hiện vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus (gây hội chứng gan tụy cấp) trong nước ao nuôi. Ở các ao nuôi tại Khánh Hòa, hàm lượng COD trong ao dao động từ 4,28 – 37,60 mg/l, trung bình 14,50 mg/l, đạt cao vào các tháng 5, 6/2017 và 9, 10/2017.
Kết quả giám sát chủ động bệnh sữa ở tôm hùm nuôi lồng; theo dõi hội chứng rụng chân ở tôm hùm nuôi lồng tại một số vùng quan trắc năm 2017
Tôm hùm nuôi ở vùng giám sát bị nhiễm vi khuẩn Rickettsia- like trong máu chiếm 51,4% (111/216 mẫu); nhiễm Vibrio trong gan tụy với mật độ cao (2,6 x 102 cfu/g đến 5,8 x 106 cfu/g), chiếm 95,8% (207/216), trong đó, có 109/216 mẫu (chiếm 49,1%) nhiễm Vibrio alginolyticus. Đã theo dõi hội chứng rụng chân ở tôm hùm nuôi lồng tại một số vùng quan trắc cho thấy có 24/108 mẫu tôm hùm (chiếm 22,2%) nhiễm Vibrio alginolyticus, 1/108 (chiếm 0,1%) mẫu có sự hiện diện của nấm Fusarium sp. và không phát hiện mẫu nhiễm vi khuẩn Rickettsia- like và ký sinh trùng trong máu.
Kết quả quan trắc, giám sát đột xuất các yếu tố môi trường và bệnh trên tôm nước lợ và tôm hùm năm 2017
- Đã thực hiện 05 đợt quan trắc, giám sát đột xuất vào tháng 3, 5 và 6/2017 tại vùng nuôi tôm hùm lồng ở Sông Cầu (Phú Yên) và Cam Ranh (Khánh Hòa) và vùng nuôi tôm nước lợ ở Núi Thành (Quảng Nam). Kết quả cho thấy, yếu tố nguy cơ và là nguyên nhân của hiện tượng tôm chết là do nguồn nước có hàm lượng oxy hòa tan giảm, vi khuẩn Vibrio tổng số trong nước cao, một số loài tảo gây hại như Anabaena sp. và Euglena sp. phát triển.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 15131/2017) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.
P.K.L (NASATI)