Hội nghị phổ biến Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN ở khu vực phía Nam
Cập nhật vào: Thứ năm - 11/06/2020 22:48 Cỡ chữ
Ngày 11/6/2020, tại TPHCM, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị phổ biến, triển khai kế hoạch tổ chức Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN nghệ đợt 6 khu vực phía Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN được bắt đầu triển khai từ năm 1995, nhằm tôn vinh các nhà khoa học có đóng góp cho nền KH&CN trong chiến tranh cũng như trong quá trình xây dựng đất nước. Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng danh giá nhất tại Việt Nam hiện nay, dành cho những công trình nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, giáo dục, văn học, nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao, ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống. Trong giai đoạn đầu, các công trình được xét tặng Giải thưởng là các công trình nghiên cứu kể từ ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Vì vậy, Giải thưởng xuất hiện nhiều gương mặt nổi tiếng trong nền KH&CN Việt Nam như các giáo sư Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Lương Đình Của… được vinh danh. Gần đây, các công trình khoa học tham gia xét tặng giải thưởng được tập trung trong giai đoạn đổi mới và xây đất nước.
Giải thưởng đợt 6 được triển khai thực hiện theo Nghị định 78/2014/NĐ-CP ngày 30/7/2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về KH&CN và Nghị định số 60/2019/NĐ-CP ngày 5/7/2019 của Chính phủ sử đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 78/2074/NĐ-CP. Theo đó, một số điểm mới, bổ sung sẽ được thực hiện trong Giải thưởng đợt 6 như mỗi một công trình chỉ được đăng ký một trong hai giải thưởng (Hồ Chí Minh hoặc Nhà nước); những công trình trước đây đã tham gia và đạt giải thưởng cấp bộ đều có thể đăng ký tham gia xét tặng Giải thưởng; thời gian công trình được công bố hoặc ứng dụng thực tiễn ít nhất là 3 năm hoặc công trình được ứng dụng đổi mới sáng tạo có hiệu quả ít nhất 1 năm, tính từ thời điểm cơ quan chủ trì tổ chức xét tặng Giải thưởng nhận hồ sơ công trình đề nghị xét tặng; công trình đề nghị xét tặng giải thưởng là kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN có sử dụng hoặc nhận hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước phải được đăng ký, lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo quy định của pháp luật;...
Quy trình xét tặng Giải thưởng được tiến hành ở 3 cấp: cơ sở; bộ ngành, địa phương; nhà nước. Trong đó, đối với những công trình không có cơ quan quản lý, thì Sở KH&CN địa phương phải tiếp nhận và thành lập hội đồng xét tặng. Đồng thời, Sở KH&CN cần hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình thực hiện các thủ tục tham gia xét tặng nếu được yêu cầu. Đối với UBND các tỉnh, cần xem xét kỹ lưỡng tất cả các hồ sơ từ cấp cơ sở để tránh những sai sót, phải làm lại từ đầu. Đối với các cá nhân có công trình nghiên cứu, cần tìm hiểu, xem xét kỹ các yêu cầu, điều kiện của Giải thưởng để đăng ký tham gia xét tặng giải thưởng nào cho phù hợp.
Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 6 được bắt đầu xét tặng cấp cơ sở từ ngày 01/12/2020. Các Hội đồng xét tặng Giải thường từ cấp cơ sở đến cấp bộ, ngành, địa phương cần lưu ý đối với thủ tục, hồ sơ bảo đảm theo đúng quy định, tránh sai sót. Thứ trưởng cũng lưu ý các địa phương, trong quá trình triển khai xét tặng Giải thưởng, nếu có khó khăn, vướng mắc gì cần phản ánh ngay với Bộ KH&CN để Bộ có phương án giải quyết, hỗ trợ kịp thời.
Tại Hội nghị, những khó khăn, vướng mắc trong việc xét tặng Giải thưởng như kinh phí, định mức chi; nguồn, cơ chế thuê chuyên gia;… của các địa phương trao đổi tại Hội nghị đã được Thứ trưởng Phạm Công Tạc và Lãnh đạo các Vụ chức năng giải thích, hướng dẫn cụ thể.
NASATI