Hội thảo góp ý dự thảo Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030
Cập nhật vào: Thứ năm - 25/11/2021 15:00 Cỡ chữ
Ngày 21/11/2021, tại TP. Huế, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Đại học Huế tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình và Giám đốc Đại học Huế Nguyễn Quang Linh.
Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, việc xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 là một bước cụ thể hóa các nội dung về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được đề cập trong các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và được nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 sẽ kế thừa có chọn lọc quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và bổ sung những nội dung mới cho phù hợp với tình hình hiện nay. Cụ thể Chiến lược bổ sung nội hàm về đổi mới sáng tạo, là cầu nối đưa KH&CN vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm. Trong xu thế của toàn thế giới ngày nay, KH&CN gắn liền với sản xuất kinh doanh, gắn với quá trình thương mại hóa kết quả tạo thành một chuỗi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, khoa học công nghệ tạo ra tri thức, còn đổi mới sáng tạo nhằm biến tri thức thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ứng dụng vào cuộc sống. Mục tiêu trong 10 năm tới, ngành KH&CN sẽ đóng góp 45 - 50% vào chỉ số năng suất nhân tố tổng hợp (TFP); Đạt tối thiểu 45% tỉ trọng giá sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo; Đến năm 2030, tỷ lệ tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển, trong đó đóng góp từ xã hội chi cho nghiên cứu và phát triển chiếm từ 65% đến 70%; Phấn đấu đến năm 2030, số doanh nghiệp đạt tiêu chí của doanh nghiệp KH&CN và số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng khoảng 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp. Xây dựng và phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu, các cụm liên kết ngành, trong đó các doanh nghiệp lớn có vai trò trung tâm dẫn dắt các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đổi mới sáng tạo.
Các cơ quan quản lý Nhà nước có vai trò kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi, quan hệ liên kết giữa các doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất, các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức hỗ trợ để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ, như làm thế nào để các trường Đại học trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh và doanh nghiệp đóng vai trò là trung tâm? Giải pháp nào để các kết quả nghiên cứu của các trường đại học chuyển giao được cho doanh nghiệp, tạo ra những sản phẩm phục vụ cuộc sống người dân? Đây là những câu hỏi được nhiều nhà quản lý, nhà khoa học đặc biệt quan tâm, khi thực tế hiện nay, các tài sản trí tuệ, công trình nghiên cứu ở các trường đại học lại thiếu đi tính thực tiễn tại các doanh nghiệp, một bên doanh nghiệp lại thiếu đi tri thức, trình độ KH&CN để vận hành, cải tiến quy trình sản xuất.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ về các vấn đề như: những khó khăn liên quan đến nguồn ngân sách cho các trường đại học trong việc đào tạo nhân lực nghiên cứu sinh, khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận với các trường đại học, mạnh dạn đầu tư vào các đề tài, đề án để nghiên cứu một vấn đề cụ thể phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp; giải pháp để phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức KH&CN khác trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh; giải pháp phát triển các tổ chức trung gian để kết nối và tư vấn về ứng dụng các kết quả nghiên cứu, phát triển thị trường KH&CN; khó khăn trong việc tiếp cận doanh nghiệp với các sản phẩm nghiên cứu, cần có những cơ chế, chính sách rõ ràng để thuận lợi kết nối, tiếp cận doanh nghiệp với các sản phẩm nghiên cứu; xây dựng chiến lược lấy vai trò doanh nghiệp làm trung tâm; đẩy mạnh đa dạng các nhóm nghiên cứu mạnh; quy hoạch về mạng lưới KH&CN để kết nối các đơn đặt hàng cho nhóm khoa học cơ bản.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao dự thảo, từ quan điểm, mục tiêu, định hướng cho đến những giải pháp phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các nhà khoa học nhận định, dự thảo định hướng phát triển công nghệ tập trung chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất, kinh doanh trong doanh nghiệp để bắt kịp với mặt bằng của thế giới, nâng cao chất lượng của nền kinh tế, tạo nền tảng công nghệ tiên tiến để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Bên cạnh sự đồng tình, ủng hộ dự thảo, các đại biểu vẫn còn một số vấn đề băn khoăn như Chiến lược có mục tiêu, giải pháp lớn nhưng nguồn lực chưa đảm bảo để thực hiện, hay việc thúc đẩy xã hội hóa các nguồn đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt từ doanh nghiệp. Để tháo gỡ những khó khăn giúp phát triển khoa học, công nghệ và đôi rmowis sáng tạo, nhiều nhà khoa học mong muốn Chính phủ cần đổi mới cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, đầu tư công, ngân sách nhà nước, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng và phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn liền với các chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu; phát triển các viện nghiên cứu, trường Đại học và các tổ chức KH&CN khác trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh…
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đã cảm ơn các nhà khoa học của Đại học Huế đã tích cực trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến hoàn thiện Chiến lược. Các ý kiến đóng góp sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu với tinh thần trách nhiệm cao nhất để đưa các nội dung góp ý vào dự thảo, góp phần xây dựng Chiến lược chất lượng và có tính khả thi cao.
NASATI