Mạng lưới tổ chức KH&CN công lập: Quy hoạch lại để hoạt động hiệu quả hơn
Cập nhật vào: Thứ ba - 21/09/2021 11:28 Cỡ chữ
Số lượng tổ chức KH&CN công lập ở Việt Nam khá nhiều, tuy nhiên có sự trùng lặp về lĩnh vực hoạt động, đầu tư dàn trải, hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Hiện Bộ KH&CN đang xây dựng quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng phê duyệt.
Các tổ chức KH&CN của Bắc Giang hỗ trợ ngành KH&CN tỉnh tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Ảnh: VGP/HG
Quy mô nhỏ, hoạt động chưa hiệu quả
Từ năm 2017, triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, hầu hết các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ đã giữ ổn định về số lượng tổ chức, tập trung rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp cơ cấu theo hướng thu gọn các đầu mối trực thuộc.
Đồng thời đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, từng bước chuyển các tổ chức nghiên cứu ứng dụng, dịch vụ KH&CN đủ điều kiện sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp hoặc cổ phần hóa; chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp đặc biệt, thật sự cần thiết do yêu cầu thực tiễn. Hiện có khoảng 200 tổ chức KH&CN công lập thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ.
Ngoài ra, số lượng tổ chức KH&CN công lập ở địa phương giảm mạnh. Theo báo cáo của các địa phương, tính đến tháng 12/2020, số tổ chức KH&CN công lập thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau kiện toàn còn lại 135 tổ chức.
Tuy nhiên, theo Bộ KH&CN, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quy hoạch các tổ chức KH&CN công lập cũng bộc lộ một số hạn chế khi chưa tạo thành một mạng lưới các tổ chức KH&CN mạnh, quy mô và năng lực của các tổ chức còn hạn chế, phân bố còn chưa hợp lý giữa các vùng, miền và lĩnh vực hoạt động, chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo.
Hiệu quả hoạt động của đa số tổ chức KH&CN thấp, chưa thoát khỏi thói quen được bao cấp; số đã chuyển đổi thì vẫn gặp khó khăn trong hoạt động tự chủ. Đội ngũ cán bộ KH&CN tăng về số lượng, nhưng chất lượng và năng lực còn hạn chế; phân bố cơ cấu trình độ chưa hợp lý theo vùng, miền và lĩnh vực hoạt động…
Hầu hết các văn bản liên quan đến hoạt động của tổ chức KH&CN đều đề cập đến những quy định chi tiết (như loại hình, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ…), chưa có văn bản mang tính chất khung quy định về hoạt động của các tổ chức KH&CN. Mỗi bộ, ngành, địa phương đều có các tổ chức KH&CN trực thuộc và quản lý các tổ chức trực thuộc theo cách riêng của mình.
Hệ quả là số lượng tổ chức KH&CN nhiều, quy mô nhỏ, chức năng trùng lặp, dẫn đến đầu tư dàn trải và hoạt động không hiệu quả. Theo tính toán, kinh phí sự nghiệp khoa học từ ngân sách nhà nước chủ yếu là để chi lương và chi hoạt động bộ máy cho các tổ chức KH&CN công lập (chiếm khoảng 90% chi sự nghiệp khoa học); phần kinh phí để thực hiện nhiệm vụ KH&CN lại rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 10% chi sự nghiệp khoa học, mặc dù hoạt động KH&CN là hoạt động chính của tổ chức KH&CN.
Tại Bắc Giang, hiện tỉnh có 11 tổ chức KH&CN với 4 tổ chức KH&CN công lập, 5 tổ chức KH&CN ngoài công lập và hai chi nhánh tổ chức đăng ký hoạt động KH&CN thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như y tế dự phòng, tài nguyên môi trường, nông nghiệp…
Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, quy mô của các tổ chức KH&CN của tỉnh còn nhỏ, lĩnh vực hoạt động hẹp, chưa có nguồn thu đáng kể, hoạt động chủ yếu dựa và ngân sách nhà nước cấp.
“Phải công bằng mà nói, các tổ chức KH&CN công lập và ngoài công lập của Bắc Giang đã hỗ trợ ngành KH&CN tỉnh trong việc góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, tạo ra 52 sản phẩm chủ lực và đặc trưng, 30 sản phẩm tiềm năng… Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong muốn sắp tới việc quy hoạch các tổ chức KH&CN công lập sẽ đem lại cho nó sức mạnh mới và góp phần thực hiện được những nhiệm vụ lớn hơn”, ông Nguyễn Thanh Bình cho hay.
Nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm
Ngày 26/02/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức liên quan triển khai thực hiện lập quy hoạch.
Bên cạnh mục tiêu tiếp tục sắp xếp, kiện toàn giảm số lượng các tổ chức KH&CN công lập đặt ra từ năm 2016, quy hoạch trong giai đoạn mới hướng tới hình thành mạng lưới tổ chức KH&CN công lập theo hướng mở, linh hoạt, có quy mô và cơ cấu hợp lý; kết nối được các ngành, các vùng có liên quan theo quy hoạch tổng thể quốc gia.
Tuy nhiên, với sự phong phú, đa dạng về số lượng, hình thức tổ chức và cách thức hoạt động của các đơn vị KH&CN công lập ở địa phương cho thấy không dễ để sắp xếp, hệ thống hóa và tích hợp các tổ chức KH&CN này vào trong một mạng lưới chung gồm các tổ chức KH&CN của cả nước.
Bà Nguyễn Thị Kim Huệ, Phó Giám đốc Sở KH&CN TPHCM cho biết, trên địa bàn TPHCM hiện nay có khoảng 379 tổ chức KH&CN công lập và ngoài công lập, trong đó các tổ chức ngoài công lập chiếm tỉ trọng rất lớn trong khi chỉ có 13 đơn vị công lập do UBND Thành phố quản lý.
Tương tự, tại Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội cho hay các tổ chức KH&CN công lập thuộc thẩm quyền quản lý của UBND TP. Hà Nội có ba viện và hai trung tâm nhưng tổ chức ngoài công lập hoặc do các bộ, ngành quản lý thì lớn hơn rất nhiều lần.
Bên cạnh đó, một trong những khó khăn được các viện, trường đưa ra là sự gắn bó mật thiết giữa các tổ chức KH&CN với cơ sở giáo dục đại học từ nhân sự, nhiệm vụ nghiên cứu tới đất đai, cơ sở vật chất... Vì vậy, khi xem xét quy hoạch các đơn vị này cần tính đến đặc thù gắn với hệ thống giáo dục đại học chứ không tách ra độc lập, sẽ gây khó khăn cho cả nhà trường và tổ chức KH&CN công lập. Ngoài ra, với các tổ chức KH&CN thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn và khoa học cơ bản, phải đứng ra tự chủ là khó, cần có hướng dẫn chi tiết
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, hiện Bộ KH&CN đã xây dựng văn bản gửi các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phối hợp lập phương án Quy hoạch hệ thống tổ chức KH&CN công lập giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
So với các quy hoạch trước đây, quy hoạch lần này có đề cập đến nhiều nội dung mới rất quan trọng. Cụ thể, tích hợp trong các quy hoạch có liên quan (quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); đề xuất “phương án bố trí sử dụng đất cho phát triển mạng lưới tổ chức KH&CN công lập và các hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo” và “danh mục dự án cấp quốc gia, cấp tỉnh và thứ tự ưu tiên thực hiện”.
Đợt quy hoạch này là cơ hội để các địa phương có thể đưa ra các đề xuất về dự án đầu tư trung hạn và dài hạn để Nhà nước có cơ sở xem xét đầu tư về nhiều mặt cho các tổ chức KH&CN, cả về xây dựng, trang thiết bị và những yếu tố khác, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức phát triển như mục tiêu đề ra ban đầu. Đây là điểm khác biệt so với quy hoạch theo Quyết định 171/QĐ-TTg về quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2016.
Với các bộ, ngành, căn cứ vào Nghị quyết của Trung ương đến các chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực; văn bản hướng dẫn về tiêu chí sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức KH&CN để nghiên cứu, xác định những nội dung KH&CN nào cho phát triển ngành, từ đó, có phương án quy hoạch phù hợp, đáp ứng yêu cầu của ngành, lĩnh vực; đảm bảo các tổ chức KH&CN có đủ nguồn lực để hoạt động.
Việc duy trì tổ chức KH&CN gắn với tự chủ, giải thể hay giữ lại tổ chức KH&CN công lập phải dựa trên định hướng phát triển ngành, lĩnh vực. Các tổ chức KH&CN công lập tồn tại phải đáp ứng được yêu cầu của ngành, tổ chức của mình, giữ vai trò không thể thay thế trong phát triển.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, việc xây dựng quy hoạch sẽ điều chỉnh toàn bộ hệ thống tổ chức KH&CN công lập trên phạm vi cả nước trong giai đoạn mới; đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập, phù hợp với khả năng đầu tư của ngân sách nhà nước. Đồng thời, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập; thu hút đa dạng các nguồn lực đầu tư phát triển cho tổ chức KH&CN công lập.
Theo Chinhphu.vn