Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn cho khẩu trang vải kháng
Cập nhật vào: Thứ năm - 13/02/2020 23:33 Cỡ chữ
Bộ Y tế đã giao Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn cho khẩu trang vải kháng khuẩn.
Dệt kim Đông Xuân đang tăng tốc sản xuất khẩu trang từ vải kháng khuẩn phục vụ nhu cầu của người dân
Chưa có tiêu chuẩn cho khẩu trang vải kháng khuẩn
Tại cuộc họp hỗ trợ thúc đẩy sản xuất khẩu trang, trang phục phòng chống dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (nCoV) do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/2, thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, cần có tiêu chuẩn, quy chuẩn cho loại khẩu trang sản xuất từ vải kháng khuẩn để phòng chống dịch bệnh. Qua đó, nếu phát hiện doanh nghiệp cung ứng ra thị trường sản phẩm không bảo đảm các tiêu chuẩn đề ra, mới có cơ sở để xử lý nghiêm, tránh trường hợp đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo.
Được biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8389:2010 về Khẩu trang y tế (gồm 3 phần: Khẩu trang y tế thông thường; Khẩu trang y tế phòng nhiễm khuẩn; Khẩu trang y tế phòng độc hóa chất). Trong đó, khẩu trang y tế phòng nhiễm khuẩn có tác dụng ngăn cản và diệt 99,9% vi khuẩn ngay trên bề mặt khẩu trang; Khẩu trang y tế phòng độc hóa chất có tác dụng lọc khí độc và hơi độc, tạo luồng khí sạch sau khi đi qua lớp lọc than hoạt tính; Khẩu trang y tế thông thường áp dụng cho khẩu trang y tế đã tiệt khuẩn và không tiệt khuẩn và tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7312: 2003 về phương tiện cá nhân bảo vệ cơ quan hô hấp - khẩu trang có tấm lọc bụi (khẩu trang vải). Tuy nhiên quy chuẩn đối với khẩu trang vải kháng khuẩn hiện còn thiếu.
Đáp lại đề nghị này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường giao cho Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn cho khẩu trang vải kháng khuẩn. Trước khi doanh nghiệp đưa loại khẩu trang này ra thị trường tiêu thụ, các cơ quan chức năng cần phải kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng.
Tiêu chuẩn đánh giá khả năng kháng khuẩn của vật liệu dệt
Theo ông Nguyễn Văn Thông, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu dệt may, trước đây và cho đến hiện tại, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, việc đưa các chất kháng khuẩn lên vải chủ yếu được thực hiện sau công đoạn tẩy trắng, nhuộm màu hoặc in hoa theo các cách khác nhau: ngấm ép, tráng phủ hoặc phun… Xử lý theo phương pháp này, vải thành phẩm có khả năng diệt tới 90% khuẩn sau 1 h tiếp xúc và giảm còn 60-70% sau một số lần giặt (sau 10 hoặc 20 lần giặt tùy theo loại chất kháng khuẩn sử dụng). Ưu điểm của công nghệ này là có thể xử lý các lô hàng nhỏ, nhanh và linh hoạt trong việc sản xuất và cung ứng sản phẩm cho khách hàng, phù hợp với yêu cầu cung cấp kịp thời vải kháng khuẩn cho sản xuất khẩu trang vải.
Chủng loại các chất kháng khuẩn sử dụng để sản xuất vải kháng khuẩn tại Việt Nam rất phong phú, bao gồm các chất kháng khuẩn tổng hợp và các chất kháng khuẩn tự nhiên. Hầu hết các chất kháng khuẩn tổng hợp sử dụng trên hàng dệt may đều là chất diệt khuẩn, có hoạt tính diệt khuẩn mạnh, có thể ứng dụng theo các phương pháp khác nhau, hiệu quả trên các loại xơ, sợi.
Các chất kháng khuẩn được sử dụng nhiều trong sản xuất vải kháng khuẩn tại Việt Nam có thể kể đến như Silvadur 930 FLEX antimicrobial (Dow), Ruco-Bac AGL, Guc-BAC AGP (Rudolf group), Ablusil Q-Guard (Taiwan surfactant), sanitized TH22-27 (Clariant), Agion® AM-B10G (Agion) và chế phẩm từ Chitosan.
Ông Thông cũng cho biết, có hai nhóm phương pháp thử để đánh giá khả năng kháng khuẩn của vật liệu dệt. Một là các phương pháp định tính gồm AATCC TM147 và AATCC TM30 (kháng nấm) (Hiệp hội các nhà Hóa dệt và hóa màu vật liệu dệt Mỹ), ISO/DIS 20645, EN ISO 20645 và ISO 11721 và SN195 920 (921 - kháng nấm) (Tiêu chuẩn Thụy Sỹ).
Hai là, các phương pháp định lượng gồm AATCC 100, ISO 20743, SN 195924, JIS L1902 và ASTM E 2149. Các phương pháp định lượng được áp dụng rộng rãi hơn dù tốn thời gian và chi phí vì phải đếm số lượng vi khuẩn thực tế và xác định mức độ hoạt động diệt khuẩn/diệt nấm. Bên cạnh đó, phương pháp này có thể sử dụng cho tất cả các loại vật liệu dệt và chất kháng khuẩn và có thể thực hiện các so sánh giữa các phương pháp xử lý kháng khuẩn khác nhau cũng như các mức độ xử lý khác nhau trên cùng một loại vật liệu.
Các phương pháp được thừa nhận và sử dụng nhiều trong thương mại dệt may quốc tế là AATCC 100, ISO 20743 và AATCC 147.
Hiện tại, Trung tâm Thí nghiệm dệt may thuộc Công ty Cổ phần Viện Nghiên cứu dệt may là đơn vị tại Việt Nam có khả năng thử nghiệm khả năng kháng khuẩn của vải theo tiêu chuẩn AATCC 100, ISO 20743 và AATCC 147 được công nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 17025: 2017 và được thừa nhận quốc tế.
NASATI
y tế, thiết bị, phối hợp, đơn vị, khẩn trương, khẩu trang, sản xuất, phục vụ, nhu cầu, hỗ trợ, trang phục, tổ chức, doanh nghiệp, thị trường, sản phẩm, bảo đảm, cơ sở, trường hợp, khoa học, quốc gia, ngăn cản