Bảo đảm an ninh nguồn nước vì mục tiêu phát triển con người tỉnh Hà Nam
Cập nhật vào: Thứ tư - 01/09/2021 00:15 Cỡ chữ
Hà Nam là tỉnh ở lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy với địa hình vùng chiêm trũng nên vấn đề lũ lụt, ngập úng và nhạy cảm với ô nhiễm từ các nguồn thải theo hệ thống dòng chảy là những yếu tố bất lợi làm gia tăng áp lực lên nguồn nước. Hơn chục năm trở lại đây, Hà Nam là một trong số ít tỉnh dẫn đầu cả nước 3 về thu hút đầu tư với nhiều khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), cùng với việc khôi phục phát triển các làng nghề và hoạt động chăn nuôi phát triển đã góp phần cải thiện cuộc sống của người dân, tuy nhiên nó cũng đem đến nhiều áp lực, đặc biệt là với môi trường, trong đó nghiêm trọng nhất là môi trường nước. Vấn đề nguồn nước ở Hà Nam bị ô nhiễm lâu nay đã được nhiều tổ chức nghiên cứu và chỉ ra những ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh kế của người dân. Từ năm 2015 trở lại đây, chất lượng nguồn nước hàng năm đều được quan trắc, phân tích cho kết quả ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép nhiều lần (Sở Tài nguyên và Môi trường, 2015).
Xuất phát từ thực trạng trên, từ năm 2018 đến năm 2019, TS. Phạm Thị Tính cùng các cộng sự tại Viện Nghiên cứu Con người đã thực hiện đề tài “Bảo đảm an ninh nguồn nước vì mục tiêu phát triển con người tỉnh Hà Nam”.
Đề tài nhằm nghiên cứu lý luận và thực tiễn bảo đảm ANNN tỉnh Hà Nam và các ảnh hưởng của nó đến phát triển con người, từ đó đề xuất một số giải pháp bảo đảm ANNN tỉnh Hà Nam vì mục tiêu phát triển con người.
Do tính chất phức tạp của các nguồn gây ô nhiễm (cả nguồn ngoại tỉnh và nội tỉnh) đều không được cải thiện mà càng tăng cả về số lượng nguồn thải và khối lượng nước thải ra, cũng như mức độc hại trong nước thải. Cùng với đó là lượng hóa chất tồn dư chứa trong đất, trong mạch nước nhiều năm qua càng khiến cho nguồn nước thêm ô nhiễm và nhạy cảm hơn khi nhiệt độ tăng cao. Các hệ lụy của nó gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đời sống sinh kế và môi trường sinh thái của người dân. ANNN ở Hà Nam không được bảo có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển con người của Hà Nam cả ở hiện tại và tương lai nếu nguồn nước không được cải thiện:
1) ANNN (nước ăn uống, sinh hoạt) đã được cải thiện. Đến hết năm 2017 đã có 94% dân số toàn tỉnh được đấu nối với nguồn nước máy. Tuy nhiên, về chất lượng nước chưa đáp ứng yêu cầu. Mới có 50% số nước cấp đạt tiêu chuẩn về chất lượng của Bộ Y tế, nguồn cung không sẵn có, nước cấp không đạt về số lượng, không an toàn về chất lượng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần của người dân. Tỷ lệ người dân mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm nguồn nước còn cao, đặc biệt số người mắc bệnh ung thư 22 gia tăng và ngày càng trẻ hóa về độ tuổi gây hoang mang trong nhân dân. Người dân nông thôn, người nghèo khả năng tiếp cận nước máy thấp hơn người dân đô thị và người không nghèo do phí đấu nối cao và thông tin chính sách miễn giảm, trả góp thiếu minh bạch.
2) ANNN kinh tế chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân cả về số lượng và chất lượng. Nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp mới đáp ứng được một phần nhỏ (62% diện tích lúa, trong khi diện tích cấy lúa giảm mạnh); thiệt hại lớn nhất phải kể đến là các hộ nuôi cá, nhiều hộ rơi vào nợ nần và mất đi sinh kế. Chất lượng nguồn nước là vấn đề nan giải với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm… Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đến uy tín thương hiệu, sức tiêu thụ hàng hóa, ảnh hưởng đến thu nhập, sinh kế người dân.
3) ANNN đô thị cũng còn nhiều vấn đề nan giải do nguồn nước cấp chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của cư dân, cả về lượng và chất. Vấn đề xử lý thải đã được quan tâm nhưng tỷ lệ nước thải được xử lý không đáng kể. Hệ thống tiêu thoát nước đô thị kém tác dụng bởi hệ thống sông, hồ một phần bị san nấp, bị rác thải lấn chiếm thu hẹp lòng; hệ thống cống tiêu thoát nước không đồng bộ, xuống cấp nên cứ mưa là ngập gây ách tắc giao thông, ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống người dân.
4) ANNN môi trường ngày càng xuống cấp bởi các hóa chất tồn dư tích tụ lâu ngày cộng thêm chất thải mới ngày càng nhiều. Kết quả quan trắc của Trung tâm phân tích quan trắc môi trường các năm cũng như ý kiến phản ánh của người dân cho thấy nguồn nước sông nội tỉnh, liên tỉnh, nguồn nước ao, hồ, kênh mương đều ô nhiễm và có xu hướng nặng hơn. Điều này ảnh hưởng rất lớn không chỉ với con người mà cả với các hệ sinh thái và với cây trồng, vật nuôi bằng nguồn nước ô nhiễm.
5) Để giảm thiểu thiệt hại cho người dân do các sự cố liên quan đến ONNN gây ra, Hà Nam đã đầu tư trang bị hệ thống bơm tưới tiêu, và kênh mương thủy lợi, cung cấp thông tin thường kỳ về tình trạng nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy,... Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu, mưa bão bất thường trái vụ, nguồn gây ô nhiễm ngoại tỉnh ngày càng phức tạp và nguy hiểm, nguồn gây ô nhiễm nội tỉnh ngày càng lớn, ý thức người dân chậm thay đổi, trong khi người dân các vùng dễ bị tổn thương bởi lũ lụt, ô nhiễm ngày càng khó khăn và sức chống chịu suy giảm khiến họ càng bị tổn thương. Sau 2 năm liên tiếp bị ngập do lũ lụt nhiều hộ lâm vào cảnh nghèo, nợ nần chồng chất và không có khả năng thanh toán, đời sống khó khăn, sức khỏe yếu, bệnh tật và dịch bệnh liên miên.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16258/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)