Bảo tồn, lưu giữ các vi sinh vật bảo vệ thực vật
Cập nhật vào: Thứ hai - 05/04/2021 05:12 Cỡ chữ
Nguồn gen vi sinh vật (VSV) có vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển công nghệ sinh học. Nguồn gen VSV là nguồn cung cấp vật liệu duy nhất và cần thiết cho các chương trình nghiên cứu công nghệ sinh học, phân bón vi sinh, tạo chế phẩm/vắcxin phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, làm vật liệu phục vụ nghiên cứu cơ bản phòng trừ dịch hại.
Viện Bảo vệ thực vật thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, lưu giữ nguồn gen VSV từ năm 1997. Hiện nay, Viện đang bảo tồn và lưu giữ 895 nguồn gen VSV BVTV góp phần sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn gen VSV bảo vệ thực vật phát triển nông nghiệp. Trong năm 2018, Viện tiếp tục bảo tồn và duy trì 895 nguồn VSV gây bệnh và có ích, cấy truyền định kỳ các nguồn gen, đánh giá sức sống của 10 nguồn gen bảo quản năm 2003; thu thập bổ sung và tư liệu hóa CSDL 10 nguồn gen VSV; phân loại đến loài 10 nguồn gen đồng thời cung cấp và trao đổi thông tin nguồn gen cho các đơn vị khác.
Một số kết quả nổi bật của đề tài nghiên cứu “Bảo tồn, lưu giữ các vi sinh vật bảo vệ thực vật” do ThS. Mai Văn Quân tại Viện Bảo vệ thực vật làm chủ nhiệm, được thực hiện vào năm 2018:
- Đã bảo tồn và lưu giữ 905 nguồn gen vi sinh vật bao gồm 825 nguồn gen vi sinh vật gây bệnh thực vật (787 nấm sợi, 38 vi khuẩn) và 80 nguồn gen vi sinh vật có ích (53 nấm sợi, 3 nguồn nấm men, 19 vi khuẩn và 5 virus) và 10 nguồn VSV bổ sung năm 2018;
- Đã cấy truyền đinh kỳ 98 nguồn gen vi sinh vật được bảo quản thường xuyên bằng thạch nghiêng, nước cất, trong dầu parafin; đã đánh giá 10 nguồn gen vi sinh vật sau 15 năm bảo quản;
- Đã phân lập, tuyển chọn 10 nguồn vi sinh vật mới trong năm 2018 bao gồm 7 nguồn vi sinh vật gây bệnh trên ba kích, dong riềng đỏ và 03 nguồn vi sinh vật có ích đối kháng với bọ xít hại nhãn, rệp hại cà phê, thán thư hại xoài; Đã phân loại đến loài 10 nguồn gen vi sinh vật bằng giải trình tự gen ITS/16S/28S riboxom;
- Đã đánh giá 10 nguồn VSV bao gồm 07 nguồn vi khuẩn Ralstonia solanacearum bảo quản trong glycerol từ năm 2009. Các nguồn đều có khả năng hoạt hóa tốt trên môi trường PDApt và gây bệnh từ 56,7 % đến 73,3% và 3 chủng vi sinh vật (Beauveria bassiana, Metarhiziun anisopliae, Bacillus subtilis) đều có khả năng nhân sinh khối lớn, với số lượng bào tử đạt trên 109 bt/ml. Hiệu lực phòng trừ của các nguồn đạt từ 68,6-76,5;
- Đã cung cấp 3 nguồn gen VSV gây bệnh và có ích phục vụ công tác nghiên cứu cho các đơn vị bao gồm 2 nguồn VSV gây bệnh cho công ty Syngenta, 01 nguồn gen nấm xanh Metarhizium anisopliae cho Trung tâm Tài nguyên thực vật - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16212/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)
sinh vật, vai trò, quan trọng, chiến lược, phát triển, công nghệ, sinh học, vật liệu, cần thiết, chương trình, nghiên cứu, phân bón, phục vụ, cơ bản