Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống hải sản kinh tế, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng ở biển Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ năm - 03/11/2022 00:51 Cỡ chữ
Trên thế giới, công tác bảo tồn và lưu giữ nguồn gen thủy sản đã được quan tâm, triển khai từ khá sớm và đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, góp phần vào việc bảo tồn đa dạng sinh học. Tại Việt Nam, nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề bảo tồn, lưu giữ nguồn gen các giống loài thủy sản, năm 1996, Bộ Thủy sản (nay thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã giao cho Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 (Viện NCNTTS 1) xây dựng và thực hiện nhiệm vụ nhà nước “Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống các loài thủy sản nước ngọt”. Kế tiếp nhiệm vụ Bảo tồn nguồn gen đã được thực hiện, từ năm 2012, nhiệm vụ “Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống thủy hải sản” đã được Viện NCNTTS 1, Viện NCNTTS 2, Viện NCNTTS 3 và Viện Nghiên cứu Hải sản chủ trì với mục tiêu lâu dài của nhiệm vụ là bảo tồn da dạng sinh học, lưu giữ, tái tạo, phát triển nguồn gen và giống các loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế và khoa học góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho chương trình sản xuất giống nhằm phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản.
Một số hình ảnh về các nguồn gen
Trong năm 2018, nhóm nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu hải sản, do Th.S. Đặng Minh Dũng dẫn đầu, đã triển khai nhiệm vụ “Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống hải sản kinh tế, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng ở biển Việt Nam”.
Sau một năm triển khai (từ tháng 1/2018 đến tháng 12/2018), nhiệm vụ đã đạt được các kết quả chính sau đây:
- Viện Nghiên cứu Hải sản hiện đã và đang lưu giữ thành công 8 nguồn gen: Cá Song chấm đỏ, Cá Nác, Ngao ô vuông, Trai bàn mai, Ngán, Trai ngọc môi vàng, Trai ngọc nữ, Trai ngọc môi đen.
- Các nguồn gen đều thích nghi với điều kiện bảo tồn ngoại vi: Tỷ lệ sống của các nguồn gen lưu giữ đều đạt từ 99 - 100%.
- Năm 2018, Viện đã xây dựng và bổ sung cơ sở dữ liệu đối với 8 nguồn gen hải sản thu thập trong năm 2012 - 2013 theo một số tiêu chí sinh học, sinh sản.
- Năm 2018 nhiệm vụ đã tiếp tục đánh gái chi tiết khả năng khai thác, sử dụng nguồn gen 3 nguồn gen cá Nác, Ngán và Ngao ô Vuông.
- Trên cơ sở nghiên cứu, triển khai thực nghiệm, nhiệm vụ đã đề xuất một số biện pháp nhằm bảo tồn, khai thác và phát triển các nguồn gen hải sản kinh tế, quí hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng ở biển Việt Nam.
Trên cơ sở các kết quả đạt được, nhóm thực hiện nhiệm vụ đưa ra một số đề xuất, kiến nghị sau đây:
- Tiếp tục duy trì, bảo tồn và lưu giữ 08 nguồn gen hải sản đã thu thập trong năm 2012 - 2013.
- Để nâng cao hiệu quả bảo tồn, lưu giữ nguồn gen cần tăng cường nguồn lực về cơ sở vật chất, thiết bị cho các cơ sở lưu giữ nguồn gen và kỹ thuật cho các cán bộ tham gia mạng lưới bảo tồn quỹ gen.
- Phần lớn các loài nằm trong danh sách lưu giữ đến nay chúng ta chưa tiến hành chủ động sản xuất giống nhân tạo, vì vậy hiện nay nhiệm vụ đã và đang tiến hành nghiên cứu các đặc điểm sinh học sinh sản của từng loài, lưu giữ nguồn gen và tạo nguồn cá bố mẹ cho nghiên cứu sinh sản nhân tạo phục vụ cho mục đích khai thác nguồn gen. Đề xuất tiếp tục triển khai đề tài nghiên cứu, khai thác và phát triển nguồn gen của cá Nác, Ngao ô vuông, Ngán.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17428/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.M.H (NASATI)