Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vật nuôi
Cập nhật vào: Thứ ba - 03/10/2023 00:03 Cỡ chữ
Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật là bảo vệ tài nguyên di truyền nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, cải tạo giống, đảm bảo duy trì được sự đa dạng sinh học và những tiền đề cần thiết về tài nguyên sinh học cho sự phát triển bền vững nền nông nghiệp hiện tại cũng như trong tương lai. Bảo tồn nguồn gen vật nuôi là một vấn đề cấp bách có tính chất toàn cầu. Trong bối cảnh bùng nổ dân số và sự thay đổi không thuận lợi của môi trường thì an toàn lương thực và thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu của thế giới hiện nay. Mặt khác, do áp lực của nền kinh tế thị trường và nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng nhanh, đáp ứng với sự tăng dân số trên thế giới nên đòi hỏi những giống có năng suất cao, vì vậy rất nhiều giống vật nuôi bản địa đang có nguy cơ bị mất đi, do đó sẽ mất đi nguồn gen đặc trưng quý báu đó. Gần đây, FAO cũng đã đưa ra một cái nhìn bao quát về tình trạng đa dạng di truyền trên toàn thế giới, với trọng tâm chính là số lượng giống trong các loài vật nuôi chính được sử dụng trong lương thực và nông nghiệp.
Năm 2014, cơ sở dữ liệu của FAO đã báo cáo có 11.062 các loài động vật có vú và 3.802 loài gia cầm. Theo quan điểm của FAO đưa ra kết luận rằng tỷ lệ các giống được phân loại là "nguy cấp" tăng từ 15 đến 17% trong khoảng thời gian từ 2006-2014. Tỷ lệ các giống được xếp loại “không nguy cấp” đã giảm từ 21 xuống 18%. Tỷ lệ các giống được phân loại là “tuyệt chủng” được duy trì ở mức 7%. Tuy nhiên, 58% các giống ở tình trạng không biết. Sự không chắc chắn về tình trạng này là một trong những lý do mà báo cáo của FAO nhấn mạnh rằng sự đa dạng di truyền giữa các giống trong một loài đang bị đe dọa liên tục. Sự tuyệt chủng của nhiều giống vật nuôi bản địa, những giống này tuy năng suất thấp nhưng mang lại những đặc điểm quý như thịt thơm ngon, chịu kham khổ tốt, thích nghi với điều kiện sinh thái. Sự tuyệt chủng này gần đây xảy ra rất nhanh theo tốc độ phát triển của nền kinh tế thị trường và đô thị hóa. Thấu hiểu sâu sắc hiểm họa đang đến với các giống vật nuôi bản địa, từ năm 1989 đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao cho Viện Chăn nuôi chủ trì và thực hiện thực hiện nhiệm vụ Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vật nuôi như là một nhiệm vụ thường xuyên”. Năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt bảo tồn 16 nguồn gen vật nuôi và 2 nguồn gen ong khoái và ong ruồi đỏ.
Năm 2020, nhiệm vụ “Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vật nuôi” do TS. Phạm Công Thiếu làm chủ nhiệm đề tài đã:
1. Bảo tồn và lưu giữ
Đã bảo tồn và lưu giữ được 16 đối tượng nguồn gen vật nuôi, trong đó nhóm gia súc có 07 đối tượng (lợn Cỏ Bình Thuận, lợn Chư Prông, lợn Mường Tè, lợn Kiềng Sắt, ngựa Mường Lống, dê đen Hà Giang và thỏ nội). Nhóm gia cầm có 06 đối tượng (gà tây Kỳ Sơn, gà trụi lông cổ, gà lông chân gà H’Re, gà lùn Cao Sơn và gà lông xù). Nhóm thủy cầm có 03 đối tượng (vịt Mường Khiêng, ngan Xám và ngỗng Cỏ) và 200 liều tinh lợn Ỉ. Nhóm ong có 02 nguồn gen trong đó có nguồn gen ong khoái Apis dorsata và nguồn gen ruồi đỏ Apis florea. Nhìn chung số lượng các đối tượng nguồn gen đủ và vượt so với theo kế hoạch được giao với đặc điểm ngoại hình và một số chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật ổn định.
2. Điều tra tìm kiếm và bổ sung nguồn gen tiềm ẩn
- Đã điều tra tìm kiếm 01 nguồn gen là gà Mã Đà tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai và điều tra bổ sung nguồn gen ngỗng Cỏ tại huyện Yên Thành, Thanh Chương tỉnh Nghệ An. Trong 02 nguồn gen trên, gà Mã Đà có đặc điểm ngoại hình đặc trưng và bộ lông bông mềm hoàn toàn khác biệt với các giống gà nội khác và xuất hiện từ khi gà con được sinh ra. Trong khi đó nguồn gen ngỗng Cỏ được tìm kiếm bổ sung tại Nghệ An sẽ là nguồn nguyên liệu quý để bổ sung cho đàn hiện đang nuôi bảo tồn.
- Đã điều tra thu thập nguồn gen ong tại các tỉnh Nghệ An và Tuyên Quang. Tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An có mặt 05 nguồn gen ong mật bao gồm ong đá, ong khoái, ong nội, ong ruồi đỏ và ong không ngòi đốt, trong đó chủ yếu mật ong ong đá và ong khoái có năng suất mật 5-10 kg/đàn/năm. Tại huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đã xác định được sự có mặt của 5 nguồn gen ong mật bao gồm ong đá, ong khoái, ong nội, ong ruồi và ong không ngòi. Lần đầu tiên ong đá được phát hiện làm tổ tại Na Hang ở tọạ độ 22035’24”N, 105020’9”E và độ cao 35 970m so với mực nước biển. Năng suất mật/đàn ong thấp (2,5-4,3 lít/đàn). Mật ong thu được có màu vàng sáng, mùi thơm dịu và vị ngọt đậm, hàm lượng nước 27,3%. Thu nhập từ mật ong và sáp ong chiếm 14-16% thu nhập của gia đình.
3. Đánh giá nguồn gen
- Đã tiến hành đánh giá sơ bộ nguồn gen dê đen Hà Giang: Khi trưởng thành dê đực và dê cái đều có màu đen tương đối đồng nhất. Lúc mới sinh ra dê đực có khối lượng trung bình là 1,80 kg và ở dê cái là 1,69 kg. Dê đen Hà Giang có tuổi đẻ lứa đầu là 364,8 ngày; số lứa đẻ/cái/năm là 1,48 lứa; số con sơ sinh trên lứa là 1,5 con và tỉ lệ nuôi sống đến cai sữa là 86,6%.
- Đã đánh giá chi tiết nguồn gen gà trụi lông cổ: Khối lượng lúc 1 ngày tuổi đạt 29,40 g/con, lúc 20 tuần tuổi gà trống đạt 1386,53 g/con và gà mái đạt 1116,83 g/con. Gà trụi lông cổ có tuổi đẻ trứng đầu là 182 ngày tuổi, tỷ lệ đẻ 5% đạt ở 198 ngày tuổi và đỉnh cao ở 257 ngày tuổi. Khối lượng trứng ở tỷ lệ đẻ đỉnh cao đạt 42,20 g/quả. Gà trụi lông cổ có tỷ lệ đẻ trung bình 6,87%; gà đẻ theo lứa với năng suất trứng đạt 23,05 quả/mái; tiêu tốn thức ăn/10 trứng là 10,62 kg. Tỷ lệ trứng có phôi đạt 88,85% và tỷ lệ gà con nở ra trên tổng trứng ấp đạt 70,87%.
- Đã đánh giá khoảng cách di truyền và phân tích ADN gà lông xù với 04 giống gà nội khác: gà Ri, Tai đỏ, Mía, Đông Tảo bằng chỉ thị phân tử microsatellite và khẳng định gà lông xù có cấu trúc di truyền khá thuần và riêng biệt.
5. Tư liệu hóa nguồn gen
- Cập nhật bổ sung thêm thông tin, tư liệu, ảnh của 16 nguồn gen bảo tồn năm 2020 và một số nguồn gen bản địa vào phần mềm Vietgen.
- Đã xuất bản 2 bài báo trên các tạp chí có uy tín, trong đó có 1 bài báo quốc tế.
Nhóm đề tài kiến nghị cần tiếp tục bảo tồn 14 nguồn gen vật nuôi đã được bảo tồn năm 2020, đồng thời bổ sung vào danh sách bảo tồn 1 đối tượng nguồn gen vật nuôi là gà Mã Đà, bổ sung thêm một địa điểm bảo tồn nguồn gen ngỗng Cỏ tại Nghệ An và bổ sung thêm 1 nguồn gen ong đá ở huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Tiến hành điều tra tìm kiếm bổ sung đối với các nguồn gen ở trạng thái rất nguy hiểm, đặc biệt là nguồn gen ong đá và áp dụng đồng thời cả 2 hình thức bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ đối với nguồn gen lợn Chư Prông và ngan Xám. Đưa nguồn gen lợn Mường Tè và gà H’Re ra khỏi danh sách các nguồn gen vật nuôi bảo tồn trong kế hoạch năm 2021.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18908/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)