Cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập: Thực trạng và giải pháp
Cập nhật vào: Thứ hai - 24/07/2023 00:02 Cỡ chữ
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2015/QĐTTg về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thành công ty cổ phần (CTCP). Tuy nhiên, đến Quý III năm 2019 chỉ có 31 ĐVNSCL hoàn thành chuyển đổi thành CTCP, chiếm 0,06% số ĐVSNCL đang hoạt động, cho thấy có những vướng mắc khiến tiến độ chuyển các ĐVSNCL thành CTCP còn chậm.
Chuyển ĐVSNCL thành CTCP là một nội dung phức tạp và nhạy cảm vì ngoài việc đạt mục tiêu về số lượng, việc CPH còn phải đảm bảo được các yêu cầu về chính trị, kinh tế, xã hội khác do các dịch vụ công lập đều là các dịch vụ thiết yếu, liên quan đến đời sống người dân và an sinh xã hội. Vì vậy, việc CPH các ĐVSNCL phải đáp ứng nguyên tắc phải không làm giảm chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ sự nghiệp công của người dân.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương quyết nghị như sau: “Giai đoạn đến năm 2021: Hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học). Giai đoạn đến năm 2025: 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần”. Như vậy, yêu cầu về tiến độ CPH các ĐVSNCL là rất cấp thiết.
Ngày 25/1/2019, Chính phủ đã có Thông báo số 39/TB-VPCP giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan rà soát, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg. Ngày 13/8/2019, Chính phủ có Nghị quyết số 59/NQ-CP giao Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị định về chuyển ĐVSNCL thành CTCP, trình Chính phủ trong Quý I/2020.
Từ thực tế nêu trên, nhóm nghiên cứu của ThS. Hoàng Văn Thu tại Cục Tài chính doanh nghiệp đã thực hiện đề tài: “Cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập: Thực trạng và giải pháp” từ năm 2020 đến năm 2021.
Mục tiêu của đề tài là nhằm nghiên cứu các cơ chế chính sách liên quan đến chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP từ năm 2015 đến nay; và đánh giá thực trạng CPH các ĐVSNCL từ khi Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chuyển ĐVSNCL thành CTCP (năm 2015) đến hết năm 2018 trong phạm vi cả nước.
Xã hội hóa hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công nói chung và cổ phần hóa các ĐVSNCL nói riêng là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Thời gian qua, hàng loạt chính sách của nhà nước về khu vực sự nghiệp công đã được ban hành, tuy nhiên tiến độ và kết quả cổ phần hóa còn chưa đạt được như kỳ vọng. Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, do đó, phạm vi/đối tượng lĩnh vực, ngành nghề thực hiện chuyển đổi ĐVSNL thành CTCP và lộ trình chuyển đổi cần phải được xác định sao cho cân bằng được giữa mục tiêu “kinh tế thị trường” và “định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của đời sống người dân và xã hội, việc đẩy mạnh CPH các ĐVSNCL gắn liền với việc nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, mở rộng diện tiếp cận dịch vụ sự nghiệp công là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, công cuộc CPH chỉ có thể đạt được mục tiêu nếu xác định đúng lĩnh vực, ngành nghề cần thực hiện chuyển ĐVSNCL thành CTCP; việc chuyển đổi ĐVSNCL được triển khai minh bạch, chặt chẽ; triển khai đồng bộ cơ chế chính sách về giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ công hậu chuyển đổi; chính sách quản lý giá để đảm bảo dịch vụ sự nghiệp công có thể được cung ứng ở mức chi phí thấp nhất có thể và có cơ chế hỗ trợ cho những đối tượng dân cư nghèo, dễ bị tổn thương trong xã hội. Ngoài ra, để đạt hiệu quả mong đợi, song song với việc hoàn thiện khuôn khổ chính sách về chuyển đổi, sắp xếp lại các ĐVSNCL, cần nâng cao năng lực thực thi chính sách cũng như tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận đối với chủ trương chuyển đổi hoạt động các ĐVSNCL đủ điều kiện sang mô hình doanh nghiệp.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18664/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)