Đa dạng thành phần loài và hoạt tính sinh học của một số loài trong chi Kim tuyến (Anoectochilus Blume) ở Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ hai - 12/04/2021 05:45 Cỡ chữ
Nghiên cứu tính đa dạng loài của chi Kim tuyến (Anoectochilus Blume) và hoạt tính sinh học của một số loài làm cơ sở khoa học cho việc định hướng khả năng ứng dụng làm thuốc của chúng, nhóm nghiên cứu do PGS. TS. Trần Minh Hợi, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đứng đầu đã tiến hành thực hiện đề tài: “Đa dạng thành phần loài và hoạt tính sinh học của một số loài trong chi Kim tuyến (Anoectochilus Blume) ở Việt Nam”.
Sau 48 tháng thực hiện (từ 06/04/2014 đến 06/04/2018), đề tài thu được các kết quả như sau:
1. Về đặc điểm hình thái, phân bố của chi Kim tuyến và một số loài trong chi này ở Việt Nam
Các loài trong chi Kim tuyến đều là cây thân thảo, có kích thước nhỏ, mọng nước, mọc sát mặt đất.
Rễ: Kim tuyến có hệ rễ là những rễ đơn mọc ra từ đốt thân rễ, đôi khi từ đốt thân khí sinh, rễ ống, kích t nhỏ (chiều dài trung bình 3-8cm), mềm có nhiều lông hút, đặc biệt ở một số loài khi gặp điều kiện thuận lợi, các rễ trên thân khí sinh có hệ lông hút rất phát triển. Rễ thường mọc thẳng hay hơi nghiêng, liên kết lỏng lẻo vào giá thể.
Thân: Thân thảo, mọng nước, có kích thước nhỏ (trung bình 8-25cm). thân chia hai phần thân rễ và thân khí sinh, thân chia thành các lóng, phần thân rễ thường có lóng dài hơn so với phần thân khí sinh. Phần thân rễ thường có màu nâu hoặc trắng, phần thân khí sinh có màu tím, xanh có lông hoặc không có lông. Thân rễ thường nằm ngang hay nghiêng, thân ký sinh mọc thẳng hoặc hơi nghiêng.
Lá Kim tuyến là lá đơn, mọc cách xoắn quanh thân, xoè trên mặt đất, với bộ lá màu xanh đến xanh đen hoặc mang các màu sắc khác (tùy theo loài). Lá hình trứng hoặc hình thoi, mép lá nhẵn hoặc gợn răng cưa. Bề mặt trên lá mịn như nhung và mang một mạng lưới gân lá phức tạp, cá biệt có những loài không có những đương gân lá nổi bật, dễ nhận biết.
Hoa Kim tuyến dạng cụm ở ngọn thân, mang ít hoa, hoa mọc thưa, hoa có một cánh môi dưới to rõ ràng có cuống ngắn chia hai thuỳ rõ ràng.
Quả được bao bọc bởi các mảnh vỏ mỏng được xếp lại với nhau và liên kết bởi hai đầu trụ, bên trong quả có một trụ nằm chính giữa và có chứa nhiều hạt nhỏ bám quanh trụ. Sau khi quả chín, vỏ quả khô tách ra, các hạt nhỏ sẽ bay ra. Cây tái sinh trong tự nhiên từ chồi và hạt.
Trong thời gian thực hiện nghiên cứu khảo sát từ năm 2014-2017 tại 6 Vườn quốc gia (VQG), 5 Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) và 5 điểm có rừng tại nhiều tỉnh thành khác nhau, nhóm nghiên cứu đã thu thập và xác định được 5 loài thuộc chi Kim tuyến bao gồm: Kim tuyến trung bộ, Kim tuyến đá vôi (Anoectochilus calcareus Aver.); Giải thuỷ tím (Anoectochilus elwesii C.B. Clarke ex Hook.); Lan sứa (Anoectochiluss lylei Rolfe ex Downie); Kim tuyến tơ (Anoectochiluss setaceus Blume).
Kết quả khảo sát cho thấy hầu hết các loài thuộc chi Anoectochilus ở Việt Nam phân bố trong các khu rừng rậm lá rộng thường xanh nhiệt đới, các khu rừng tre nứa hỗn giao. Chúng thường tập trung phân bố ở vùng trung tâm rừng, nơi có độ che phủ rừng từ 80-90%. Anoectochilus phân bố chủ yếu ở vùng có độ ẩm cao trên 80%, thảm mùn dày. Đôi khi chúng mọc trên những tảng đá ướt, những thân cây gỗ mục, dọc theo suối, dưới tán cây lớn, ...
+ Đặc điểm hình thái và điểm phân bố của Kim tuyến trung bộ (Anoectochilus annamensis Aver.)
Kim tuyến trung bộ (Anoectochilus annamensis Aver.) loài đặc hữu của Việt Nam được phát hiện ở Việt Nam năm 2005 bởi Averyanov.L.. A. annamensis là loài thân thảo, đơn thân, bò sát mặt đất, với 2-3 lá mọc so le, khoảng cách giữa các lá ngắn.
Lá hình trứng hẹp, mép là có gợn sóng, mặt trên màu xanh đến xanh đen, mịn như nhung, với mạng lưới các đường gân kim tuyến màu hồng hoặc màu vàng nổi bật, dài 4-7cm, rộng 2-3cm, cuống lá có bẹ ôm lấy thân.
Cụm hoa ở trung tâm dài 7-16 cm có khoảng 3-10 hoa; hoa mọc tập trung ở ngọn, khoảng cách giữa các hoa ngắn; lá bắc hình trứng, màu nâu đỏ, dài 7-9mm.
Hoa có hai cánh bên hình thuôn dài màu xanh lá, có viền màu trắng, dài 4,5 mm, rộng 3-3,2 mm, uốn cong rõ rệt. Cánh môi dưới màu trắng dài khoảng 17 mm, chia hai thùy rõ dệt, phần cuống của cánh môi khá dài có 6-8 đôi tua ngắn mọc đối xứng. Lá đài màu xanh có viền hồng uốn cong. Nhị và nhuỵ nằm phía sau; nhị gồm hai túi phấn dài 4,5 mm đối xứng màu vàng nhạt. Nhuỵ có nền rộng không đối xứng, dài 7-9 mm.
Thời gian ra hoa: Tháng 3 đến tháng 5 Trong tự nhiên loài này có vùng phân bố rộng, rải rác, thường thấy trên vùng đất silicat trong những khu rừng rậm và rừng tre nứa hỗn giao có độ ẩm cao, ở độ cao: 500-1200m thuộc miền Bắc và miền Trung. Cụ thể tại các điểm thu mẫu: VQG Tam Đảo ở độ cao: 800-1200m; VQG Xuân Sơn ở độ cao: 450-550m; VQG Phong Nha Kẻ Bàng ở độ cao: 600- 700m; VQG Bạch Mã ở độ cao từ 900- 1100m; KBTTN Xuân Liên ở độ cao: 600-700m và độ cao: 700- 800m tại KBTTN Bắc Hướng Hoá.
+ Đặc điểm hình thái và phân bố của Kim tuyến đá vôi (A. calcareus Aver.)
Kim tuyến đá vôi là một trong năm loài thuộc chi này có tên trong Sách Đỏ VN. Kim tuyến đá vôi là cây thảo mọc ở đất; thân bò rồi đứng, cao 10-15cm, mọc sát đất. Cây có 3-5 lá, phiến lá hình trứng rộng; mặt trên lá màu xanh đen, mặt dưới màu đỏ nâu, dài 7-9cm , rộng 4-5cm ; mạng lưới vân lá dày đặc màu trắng bạc đến màu hồng nổi trên mặt lá.
Cụm hoa ở trung tâm dài khoảng 8-12 cm màu xanh, ít lông, với 3 - 7 hoa; lá bắc màu nâu dài 4-5 mm. Hai cánh bên hình trứng dài 6-7 mm, màu đỏ nâu; lá đài màu hồng có viên trắng uốn cong ôm vào bầu noãn; cánh môi dưới màu trắng dài 13-15 mm, cuống môi màu hồng, cánh môi chia hai thuỳ hình nón, phần cuống rộng 3mm, dài 4-5 mm, với 10-15 cặp tua rất ngắn. Nhị và nhuỵ nằm phía trước, nhị có hai túi phấn dài 2mm.
Thời gian ra hoa: Tháng 1 đến tháng 2. Kim tuyến đã vôi phân bố rải rác trong các khu rừng lá rộng thường xanh của núi đá vôi ở độ cao: 500 - 1700m ở miền Bắc, Trung Việt Nam. Cụ thể tại các điểm đã thu được mẫu: VQG Xuân Sơn ở độ cao: 550- 650m; VQG Ba Bể ở độ cao: 900-1100m; VQG Phong Nha Kẻ Bàng ở độ cao từ: 700- 800m; KBTTN Khau Ca ở độ cao: 1000-1200m.
+ Đặc điểm hình thái và phân bố của Giải thuỷ tím (Anoectochilus. elwesii C.B. Clarke ex Hook.)
Giải thuỷ tím hay còn gọi là Kim tuyến tía (Anoectochilus. elwesii C.B. Clarke ex Hook.) Cây thân thảo, bò rồi đứng, cao 19-21 cm, thân màu đỏ tím, nhẵn; cây có 3-7 lá.
Lá có màu đỏ tía, xanh xám và màu đỏ vàng; phiến hình xoan, dài 4-5cm, rộng 2,5-3,5cm không có những đường gân lá nổi bật như các loài Kim tuyến khác.
Cụm hoa dài khoảng 10cm, màu nâu đỏ, nhiều lông, 3-5 hoa mọc thưa. Cánh hoa hình thuôn, dài bằng bầu noãn. Lá đài dài bằng hai cánh hoa, màu trắng, có vệt màu nâu tím ở chính giữ.
Cánh hoa màu trắng, cạnh sau gần như thẳng, cạnh trước cong, trên to, hẹp dần về phía đáy, đỉnh có mũi. Cánh môi màu trắng, cán môi có bìa rìa với hai vệt tím đối xứng hai bên và 6 – 8 răng ở mỗi bên, đầu môi chẻ 2 thùy nằm ngang hình chữ Y, đầu cụt, dạng tứ giác; đáy túi có tuyến ở mỗi bên. Bầu có lông.
Thời gian ra hoa: tháng 7- tháng 8 Giải thuỷ tím (Anoectochilus. elwesii C.B. Clarke ex Hook.) phân bố trong các khu rừng rậm rạp, dọc theo các con suối, trên các phiến đá ẩm ướt hoặc trên thân cây gỗ mục ở độ cao: 500- 1200m ở miền Bắc và miền Trung. Cụ thể tại các điểm đã thu được mẫu: VQG Tam Đảo ở độ cao: 900-1200m; VQG Xuân Sơn ở độ cao: 500-600m; VQG Phong Nha Kẻ Bàng ở độ cao: 650- 800m; KBTTN Khau Ca ở độ cao: 1000-1200m.
+ Đặc điểm hình thái và phân bố của Lan sứa (A. lylei Rolfe ex Downie.)
Lan sứa còn có tên gọi khác là Kim tuyến lyle, giải thuỳ lyle tên khoa học là Anoectochilus lylei Rolfe ex Downie Anoectochilus lylei Rolfe ex Downie là cây thảo nhỏ, mọc trên đất, có lông, mập, cao 12-20cm, lóng 1,5cm; cây có 2- 4 lá. Lá màu nâu hoặc xanh đen, phiến lá hình xoan rộng, nhọn đỉnh, dài 4 - 5cm, rộng 2,5 – 3,0cm, có 3-5 gân dọc rõ ràng và các đường gân hình mạng màu vàng hoặc hồng, lá trên cùng dạng lá bắc. Cụm hoa dài khoảng 20cm, mang 4 -10 hoa. Lá đài màu hồng, dài 6mm, rộng 4mm, có lông ở mặt lưng, hình trái xoan rộng, mũi nhọn, dính với 2 cánh thành cái mũ. Hai cánh bên có kích thước 10mm x 3mm áp vào cánh hoa, thon, rộng ở đáy, hẹp ở đỉnh. Cánh môi màu trắng, từ đáy móng đến đầu thùy môi dài 22mm , 2 thùy môi rẽ ra 45 độ, thon, dài 9mm rộng 2mm, 2 bên có viền dài 0,5mm, rộng 2mm. Trụ dài 2,5mm với 2 cánh hình tam giác ở phía trước. Bầu dài 1cm. Thời kỳ ra hoa: tháng 11 - tháng 1 năm sau. A. lylei phân bố trong các khu rừng lá rộng thường xanh, có độ ẩm cao, trên đất silicat, ở độ cao: 800-1800 m ở khu vực Bắc và Nam Trung Bộ. Cụ thể tại các điểm đã thu được mẫu: VQG Bạch Mã ở độ cao: 800- 1000m; VQG Chư Yang Sin ở độ cao: 1300- 1600m; Xã Trà Linh huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam ở độ cao: 1400- 1800 m; Xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng ở độ cao: 1300-1400m.
5. Đặc điểm hình thái và phân bố của Kim tuyến tơ (A. setaceus Blume.)
Kim tuyên tơ (Tên đồng danh: Anoectochilus roxburghii (Wall.) Wall. ex Lindl.) là loài thân thảo nhỏ, bò rồi đứng, cao 10 - 20cm, có 3-5 lá, có lông.
Lá hình trứng, màu xanh đến xanh đậm hoặc màu đỏ nâu, đậm đáy tròn, đỉnh có mũi, dài 3,5 - 4cm, rộng 2 - 3cm; có 3-5 đường gân dọc và mạng lưới gân màu vàng hoặc hồng, cuống dài 1 - 2cm, đáy nở thành bẹ ôm thân.
Cụm hoa ở trung tâm, dài 5 - 7cm; bên dưới có lá dạng lá bắc, trái xoan, nhọn ở đỉnh, dài 8mm, màu hồng. Hoa thưa, 4 - 11 cái, màu trắng, dài 2,5 - 3cm. Lá đài sau và 2 cánh tạo ra mũ có mũi, dựng đứng, dài 6mm, rộng 7mm, có lông ở mặt ngoài. Lá đài bên xoan tròn dài, nhọn, dài 8mm, rộng 3,5mm. Môi dài 1,5cm có cán dài 7mm, nở ra ở đáy thành phiến tam giác, dài 4mm, phần hẹp còn lại có 5 - 8 tua; ở mỗi bên, tua dài 5mm, đầu môi xẻ thành 2 thùy tròn dài, dài 7mm, rộng 2mm; móng dài 7mm mở ra phía trên dạng cái phễu. Bầu noãn dài 13mm có lông, màu lục.
Thời kỳ ra hoa: Tháng 11 - Tháng 1 năm sau A. setaceus là loài điển hình và phổ biến trong chi kim tuyến, chúng phân bố trong các khu rừng ẩm ướt lá rộng thường xanh và rừng tre nứa hỗn giao trên đất silicat, trên sườn granit, trên những cây gỗ mục. Độ cao từ 400 đến 1600m. Chúng có vùng phân bố khá rộng có thể là tất cả các tỉnh có núi từ Bắc đến cao nguyên Lâm Viên. Cụ thể là tất cả các điểm khảo sát đều thu được mẫu của loài này.
2. Thành Phần hoá học của hai loài Kim tuyến: Kim tuyến tơ (A. setaceus Blume) và Kim tuyến trung bộ (A. annamensis Aver.)
- Đã tách chiết và phân lập 8 hợp chất từ A. setaceus trong đó có hai hợp chất được phát hiện lần đầu trong A. setaceus là adensine và roeoside, một hợp chất là flavonoid chính trong các loài thuộc chi Kim tuyến và 6 hợp chất từ A. annamensis trong đó có một hợp chất lần đầu tiên phân lập từ tự nhiên là annamflavone. Đồng thời xác định cấu trúc phổ của các chất thu được.
- Đã chiết xuất tinh dầu của Kim tuyến tơ và xác định Thành phần hóa học của tinh dầu Kim tuyến tơ gồm: α-cadinol (17,1%), 2-[4-methoxybenzylidene] coumaran-6-ol-3-one (14,0%) and terpinen-4-ol (11,0%).
Những kết quả nghiên cứu đạt được đã xác định những đặc điểm sinh học, sinh thái và phân bố của một số loài trong chi Kim tuyến. Những hợp chất hóa học trong 2 loài Kim tuyến: Kim tuyến tơ và Kim tuyến trung bộ, định hướng bảo tồn và khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu thu được.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15756/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)
nghiên cứu, kim tuyến, sinh học, cơ sở, khoa học, định hướng, khả năng, ứng dụng, làm thuốc, tài nguyên, sinh vật, tiến hành, thực hiện, thành phần