Đánh giá tài nguyên đất nông nghiệp, đề xuất mô hình sửa dụng đất với cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế và bền vững về môi trường vùng lưu vực sông Đà thuộc ba tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La
Cập nhật vào: Thứ năm - 12/11/2020 09:19 Cỡ chữ
Trong vài thập kỷ trở lại đây, sự gia tăng dân số của thế giới đã thúc đẩy nhu cầu ngày càng lớn về lương thực và thực phẩm. Song song với sự phát triển dân số là sự phát triển về kinh tế, khoa học kỹ thuật. Và để thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao, nhiều hoạt động của con người đã gây ảnh hưởng đến môi trường và các nguồn tài nguyên đất đai, một dạng tài nguyên không tái tạo được. Do đó, việc đánh giá tài nguyên thiên nhiên làm cơ sở cho việc sử dụng hợp lý, hiệu quả và phát triển bền vững là một nhiệm vụ khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, việc sử dụng đất nông nghiệp đạt hiệu quả cao là vấn đề quan tâm hàng đầu trong công tác quản lý, sử dụng đất của nhà nước. Mà lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là một ngành kinh tế, lấy đất đai làm tư liệu sản xuất thì mỗi mục đích sử dụng đất có những yêu cầu nhất định mà đất đai cần đáp ứng. Việc lựa chọn, so sánh các kiểu sử dụng đất hoặc cây trồng khác nhau phù hợp với điều kiện đất đai là đòi hỏi của người sử dụng đất, các nhà làm quy hoạch, để từ đó có những quyết định đúng đắn phù hợp trong việc sử dụng đất mang lại hiệu quả kinh tế và bền vững. Vì vậy đánh giá mức độ thích hợp tài nguyên đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp là một việc làm tất yếu của bất kỳ quốc gia, một vùng lãnh thổ hay tại một địa phương nào đó là rất cần thiết.
Tình hình thực tế ở nước ta cho thấy, việc quản lý và sử dụng đất còn nhiều bất cập. Đất đai nói chung và đất nông nghiệp nói riêng được quản lý và sử dụng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người dân và phụ thuộc vào thời tiết khí hậu. Ngoài ra, việc canh tác cây trồng ít quan tâm đến bảo vệ và cải tạo đất đai đã làm cho chất lượng đất ngàng càng bị suy giảm nghiêm trọng. Vì vậy, việc nghiên cứu đánh giá hiện trạng đất đai hợp lý, bền vững và đạt hiệu quả cao theo hướng sản xuất hàng hóa đang được quan tâm nghiên cứu trên cả nước và từng vùng.
Vùng lưu vực sông Đà đoạn qua 3 tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Sơn La dài hơn 140 km, diện tích lưu vực khoảng 23.899 km2 trong đó đoạn đi qua Lai Châu có diện tích 9.061 km2, đoạn đi qua Điện Biên có diện tích 5.833 km2, đoạn đi qua Sơn La có diện tích 9.006 km2. Đây là địa bàn sinh sống của trên 2 triệu người thuộc hơn 20 dân tộc anh em, trong đó khoảng 80% là đồng bào các dân tộc thiểu số. Nơi đây mang đầy đủ những nét đặc trưng của miền núi Bắc Bộ: phần lớn diện tích có độ dốc lớn, địa hình hiểm trở và chia cắt, khí hậu của vùng có lượng mưa lớn lại tập trung vào những tháng nhất định, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu như đốt nương làm rẫy, phá rừng trồng những cây có độ che phủ thấp như ngô, lúa nương, nền kinh tế còn nghèo nàn, đời sống thấp, hệ sinh thái nông nghiệp mong manh... đã làm cho quá trình tổn thương trượt lở, xói mòn và rửa trôi diễn ra mạnh làm mất đất canh tác, giảm độ dày tầng canh tác và thoái hoái hóa độ phì nhiêu của đất. Như vậy, trong quá trình khai thác, sử dụng của người dân sẽ không tránh khỏi tình trạng sử dụng đất không hợp lý nên hiệu quả sử dụng đất mang lại không cao.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trên, đề tài “Đánh giá tài nguyên đất nông nghiệp, đề xuất mô hình sửa dụng đất với cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế và bền vững về môi trường vùng lưu vực sông Đà thuộc ba tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La” do PGS.TSKH. Nguyễn Xuân Hải, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên làm chủ nhiệm được thực hiện nhằm mục đích đánh giá được chất lượng đất, các tổn thương tài nguyên đất nông nghiệp vùng lưu vực Sông Đà thuộc 3 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La làm cơ sở đề xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp tăng hiệu quả, tạo sinh kế bền vững, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung góp phần giảm thiểu tác động của thiên tai và ổn định cư dân của vùng.
Sau một thời gian thực hiên, đề tài đã đạt được một số kết quả đáng chú ý, bao gồm:
1. Vùng nghiên cứu gồm ba tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La đại diện cho vùng Tây Bắc là một trong những vùng khó khăn nhất của cả nước với những đặc trưng cơ bản như địa hình đồi núi, bị chia cắt mạnh, quy mô sản xuất nhỏ, hiệu quả thấp, thiếu sức cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Tuy nhiên, vùng nghiên cũng có những lợi thế cho phát triển kinh tế, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp. Diện tích đất lớn, quỹ đất đang sản xuất nông nghiệp hiện tại vào với diện tích 2.340,8 ngàn ha, chiếm trên 68% diện tích tự nhiên của vùng, Đất chưa sử dụng còn nhiều, hơn 911 ngàn ha, chiếm 28% diện tích tự nhiên.
2. Kết quả phúc tra tài nguyên đất nông nghiệp vùng nghiên cứu cho thấy tại nguyên đất vùng nghiên cứu có 8 Nhóm đất chính, 13 Đơn vị đất dưới Nhóm. Về chất lượng đất, nhìn chung đất đai vùng Lưu vực sông Đà phân bố trên nhiều dạng địa hình khác nhau, đất đai khá đa dạng; thành phần cơ giới biến đổi từ cát pha đến thịt pha cát sét; phần lớn đất có tầng dày. Tuy nhiên, tỷ lệ có đá lẫn trong tầng canh tác khá cao; và tỷ lệ diện tích đất đai được tưới chủ động chiếm tỷ lệ thấp, đây là những yếu tố hạn chế đến sản xuất nông nghiệp trong vùng Lưu vực sông Đà.
3. Kết quả xây dựng bản đồ thoái hóa đất cho thấy, phần lớn diện tích đất vùng nghiên cứu đã bị thoái hóa với 66,45% diện tích đánh giá, tương đương 2.174.897,50 ha ha đất bị thoái từ mức độ hóa nhẹ đến nặng; đất bị thoái hóa mức trung bình là 792.247 ha chiếm 24,2%; Đất bị thoái hóa nhẹ có diện tích 927.358,75 ha, chiếm 28,33% diện tích tự nhiên; Đất bị thoái hóa mức trung bình là 929.596,75 ha chiếm 28,4% diện tích tự nhiên; Đất bị thoái hóa nặng có diện tích 317.942 ha chiếm 9,71% diện tích tự nhiên. Các nguyên nhân gây thoái hóa đất được xếp theo thứ tự giảm dần mức độ tác động như sau: thoái hóa do xói mòn đất, thoái hóa do suy giảm dinh dưỡng đất.
4. Kết quả đánh giá thích hợp đất đai cho thấy điều kiện đất đai khí hậu khá phù hợp với các loại cây trồng, đem lại hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trong vùng là khá cao, nhiều khả năng để phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa. Các loại cây công nghiệp hàng năm và lâu năm đều cho hiệu quả kinh tế cao. Một số loại hình sử dụng đất trên địa bàn các tỉnh có khả năng sử dụng bền vững trong tương lai (Lúa, luân canh lúa-màu, cây ăn quả, cây CN lâu năm). Luân canh sử dụng đất ở mức trung bình.
5. Kết quả đề xuất đất đai bền vững cho vùng như sau: Chuyên lúa (31,78 ngàn ha); Luân canh lúa màu (36,93 ngàn ha); Chuyên màu (232,63 ngàn ha); Chuyên Công nghiệp hàng năm (54,64 ngàn ha); Chuyên cây công nghiệp lâu năm (97,06 ngàn ha); Cây ăn quả (44,19 ngàn ha); Đất trồng cây nông nghiệp khác (225,5 ngàn ha); Đất rừng (182,27 ngàn ha).
6. Các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, phòng chống suy thoái tài nguyên đất tập trung vào các giải pháp: Giải pháp quy hoạch sử dụng đất ngắn, trung và dài hạn; Giải pháp sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung; Giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và trồng rừng; Thực hiện xây dựng mô hình cân đối dinh dưỡng cho các loại sử dụng đất; Duy trì quỹ đất đảm bảo an ninh lương thực cho vùng, đồng thời ổn định và phát triển các vùng trồng cây lương thực thế mạnh; Phát triển vùng sản xuất cây ăn quả ôn đới và nhiệt đới theo hướng tập trung thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; Áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác trên đất dốc phù hợp như trồng cây theo đường đồng mức, Tạo độ che phủ cho đất bằng các băng cây cúc đắng, cốt khí, keo dậu, lạc dại, cỏ ngọt…
7. Đề tài đã xây dựng được ba mô hình sản xuất nông lâm nghiệp bền vững cho vùng gồm: Mô hình sinh kế bền vững cho hộ gia đình quy mô 1 ha với cây trồng ngắn ngày: ngô, khi áp dụng biện pháp trồng xen cây họ đậu kết hợp làm đất tối thiểu cho thấy năng suất, sinh trưởng phát triển của ngô cao hơn so với cách trồng thông thường của người dân, hạn chế xói mòn đất 20-40%, hiệu quả kinh tế tăng 8,6 triệu đồng/ha; Mô hình sản xuất cây công nghiệp lâu năm quy mô 1,5 ha theo hướng liên kết giữa người dân trồng sản xuất và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm: cây chè, kết quả cho thấy việc che tủ và bón phân cân đối cho nương chè rất cần thiết giữ độ ẩm cho đất giúp chè phát triển tốt, chống chịu được với sâu bệnh, giảm chi phí công lao động cho chăm sóc, tăng năng suất cho chè, hiệu quả kinh tế tăng 9,7 triệu đồng/ha so với cách làm của người dân; Mô hình nông lâm kết hợp nhằm hạn chế xói mòn, tăng hiệu quả sử dụng đất ở vùng đất bị thoái hóa mạnh quy mô 5 ha cho thấy, khi kết hợp trồng xen băng cỏ trong canh tác cà phê đã mang lại hiệu quả cao vừa góp phần làm giảm xói mòn rửa trôi đất (giảm 25-55% so với ban đầu), tăng năng suất cà phê, tăng thêm nguồn thức ăn xanh cho chăn nuôi đại gia súc, hiệu quả kinh tế tăng 23% so với phương thức truyền thống.
8. Đã tổ chức được 3 lớp tập huấn kỹ thuật tại 3 điểm thực hiện mô hình (1 lớp/điểm). Số học viên mỗi lớp 30 người, tổng số có 90 lượt người tham gia. Các lớp tập huấn được tổ chức tại các xã thực hiện mô hình xã Bản Bo - huyện Tam Đường - tỉnh Lai Châu; xã Mường Bon - huyện Mai Sơn - tỉnh Sơn La; xã Cò Nòi - huyện Mai Sơn - tỉnh Sơn La. Các lớp tập huấn được tổ chức kết hợp giữa lên lớp và thực hành trên đồng ruộng. Hướng dẫn và trao đổi trực tiếp với hộ nông dân trên đồng ruộng tạo điều kiện để nông dân nắm bắt các kỹ thuật và cách làm cụ thể.
9. Sử dụng kết quả nghiên cứu đánh giá tiềm năng tài nguyên đất và mức độ, nguyên nhân thoái hóa đã đề xuất được các kỹ thuật canh tác hợp lý đối với vùng nghiên cứu. Đề tài đã áp dụng các kỹ thuật và xây dựng 03 mô hình canh tác cho người dân, kết quả đánh giá hiệu quả bước đầu cho thấy các mô hình đều cho hiệu quả kinh tế tăng từ 202 15-23% so với phương thức canh tác truyền thống, các mô hình đều giảm xói mòn đất 25-55% so với phương thức canh tác cũ, cải tạo tính chất hóa lý của đất. Về mặt xã hội các mô hình góp phần tăng thu nhập cho người dân, tạo công ăn việc làm và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, tạo ra sản phẩm phục vụ an ninh lương thực và thức ăn chăn nuôi. Góp phần ổn định dân cư sống ở vùng miền núi, đặc biệt bộ phận dân cư tái định cư của hoạt động xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La và Lai Châu, góp phần phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 15720/2018) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.K.L (NASATI)