Đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin bại liệt bất hoạt
Cập nhật vào: Thứ ba - 06/06/2023 11:06 Cỡ chữ
Từ nhiều năm nay, trên thế giới đã sử dụng vắc xin OPV (là vắc xin bại liệt sống, giảm độc lực) đề phòng bệnh bại liệt. Ở Việt Nam, vắc xin OPV cũng đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và đã góp phần quan trọng trong việc thanh toán bệnh bại liệt ở nước ta.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây các nhà khoa học và những nhà hoạch định chính sách lo ngại về việc sử dụng vắc xin OPV trong việc loại trừ bại liệt trẻ em khi có những bằng chứng cho thấy rằng vi rút trong vắc xin sống, giảm độc lực này là nguyên nhân gây ra các trường hợp và thậm chí là dịch bại liệt ở nhiều quốc gia. Đồng thời Tổ chức y tế thế giới (TCYTTG) cũng đã đưa ra chính sách yêu cầu các quốc gia thành viên phải chuyển từ việc sử dụng vắc xin sống OPV sang sử dụng vắc xin bại liệt bất hoạt IPV vào năm 2016. Chính vì vậy việc nghiên cứu và phát triển loại vắc xin chết hay còn gọi vắc xin bại liệt bất hoạt (IPV - inactivated polio vaccine), một loại vắc xin đã được chứng minh là an toàn hơn, hiệu quả hơn là rất cần thiết để phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước.
Với sự nỗ lực của mình, Trung Tâm Nghiên Cứu sản xuất Vắc Xin Và Sinh Phẩm Y Tế (POLYVAC) đã nghiên cứu và sản xuất thành công vắc xin bại liệt bất hoạt IPOVAC. Quy trình sản xuất vắc xin đã được Hội đồng Khoa học của Bộ Y tế đánh giá xuất sắc và vắc xin được chứng minh có tính an toàn, công hiệu cao trên mô hình động vật. Đồng thời vắc xin này cũng đã được Trung tâm Kiểm định vắc xin và sinh phẩm quốc gia cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Tuy nhiên vắc xin này lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam vì vậy cần phải được đánh giá tính an toàn và đáp ứng miễn dịch trên người. Nếu các kết quả của nghiên cứu chứng minh được đây là một vắc xin đảm bảo độ an toàn và có hiệu quả tốt ở trẻ em Việt Nam thì sẽ là cơ sở khoa học và pháp lý để Bộ Y tế xem xét cấp phép sử dụng vắc xin IPOVAC tại Việt Nam.
Theo Thông tư số 03/2012/TTBYT của Bộ Y tế về Hướng dẫn về thử thuốc trên lâm sàng, một vắc xin mới phải thử nghiệm lâm sàng ở tất cả các giai đoạn. Bởi vậy nhóm nghiên cứu Trung Tâm Nghiên Cứu sản xuất Vắc Xin Và Sinh Phẩm Y Tế (POLYVAC) do ThS. Trần Thị Bích Hạnh đứng đầu đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I, II, III cho Vắc xin IPOVAC của POLYVAC sản xuất thông qua đề tài: “Đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin bại liệt bất hoạt” nhằm đánh giá chất lượng của vắc xin với mục tiêu đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin bại liệt bất hoạt IPOVAC do POLYVAC sản xuất.
Giai đoạn I:
· Đánh giá tính an toàn của vắc xin bại liệt bất hoạt IPOVAC trên người lớn tình nguyện khỏe mạnh.
Giai đoạn II:
· Đánh giá tính an toàn của vắc xin bại liệt bất hoạt IPOVAC trên trẻ 2-5 tháng tuổi khỏe mạnh.
· Đánh giá tính sinh miễn dịch của vắc xin bại liệt bất hoạt IPOVAC trên trẻ 2-5 tháng tuổi khỏe mạnh.
· Xác định liều tiêm, đường tiêm thích hợp cho văc xin IPOVAC.
Giai đoạn III:
· Đánh giá tính an toàn của vắc xin bại liệt bất hoạt IPOVAC trên trẻ 2-5 tháng tuổi khỏe mạnh.
· Đánh giá tính sinh miễn dịch của vắc xin bại liệt bất hoạt IPOVAC trên trẻ 2-5 tháng tuổi khỏe mạnh.
· So sánh tính an toàn và tính sinh miễn dịch giữa vắc xin bại liệt bất hoạt IPOVAC với đối chứng là vắc xin Imovax Polio của Pháp.
Kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin IPOVAC trên người Việt Nam trưởng thành khỏe mạnh từ 18 đến 40 tuổi (nhóm vắc xin 30 người, so với nhóm giả dược 30 người) ở giai đoạn 1, trên trẻ em Việt Nam tình nguyện, khỏe mạnh từ 2 tháng tuổi với 3 liều lượng kháng nguyên khác nhau so với nhóm đối chứng cho thấy vắc xin nghiên cứu IPOVAC được dung nạp tốt, có tính an toàn cao tương đương với vắc xin đối chứng, cụ thể là:
· Không có trường hợp nào tử vong ghi nhận được trong nghiên cứu ở cả 3 giai đoạn với 2 nhóm nghiên cứu.
· Các biến cố bất lợi nghiêm trọng theo định nghĩa thường gặp là các trường hợp mắc bệnh trùng hợp và phải nhập viện điều trị, không liên quan đến vắc xin nghiên cứu.
· Tỷ lệ biến cố bất lợi tức thì 30 phút sau tiêm rất hiếm gặp.
· Các biến cố bất lợi tại chỗ và toàn thân trong dự kiến trong vòng 7 ngày sau tiêm thấp, và tương đương với nhóm tiêm vắc xin đối chứng.
· Vắc xin nghiên cứu ở cả 3 liều lượng và vắc xin đối chứng không ảnh hưởng đến công thức máu, chức năng gan, chức năng thận của các đối tượng được tiêm vắc xin.
· Tỷ lệ các biến cố bất lợi ngoài dự kiến sau tiêm mỗi liều ở nhóm tiêm vắc xin nghiên cứu tương đương với nhóm tiêm vắc xin đối chứng. Các biến cố bất lợi thường gặp phân loại theo hệ cơ quan của MedDRA (ver 21.0) và thuật ngữ ưa dùng thường gặp nhất là Rối loạn toàn thân và vị trí tiêm (sốt) sau khi tiêm các vắc xin khác trong quá trình tham gia nghiên cứu (phổ biến nhất là vắc xin DPT-HepB-Hib trong chương trình tiêm chủng mở rộng), rối loạn hệ thần kinh và nhiễm trùng/ký sinh trùng.
Tính sinh miễn dịch Vắc xin IPV do POLYVAC nghiên cứu sản xuất ở cả 3 liều lượng kháng nguyên khác nhau:
· Được dung nạp tốt tương tự như vắc xin đối chứng.
· Tạo được đáp ứng miễn dịch tương đương hoặc cao hơn vắc xin đối chứng về hiệu giá kháng thể với cả 3 tuýp tại thời điểm 30 ngày sau tiêm 3 liều cả về hiệu giá kháng thể, mức tăng hiệu giá kháng thể và tỷ lệ chuyển đổi kháng thể. Các chỉ số này có xu hướng cao hơn ở nhóm sử dụng hàm lượng kháng nguyên cao hơn (giai đoạn 2)
· Với liều kháng nguyên 3:10:10DU cho kết quả chuyển đổi kháng thể tương đương nhóm sử dụng liều 6:20:20DU và cao hơn có nghĩa thống kê so với nhóm chứng (p<0,05) ở cả thời điểm 30 ngày sau tiêm 2 liều và 30 ngày sau tiêm 3 liều, do vậy Nhóm nghiên cứu đã chọn liều tương ứng với 3 týp virus bại liệt 1,2,3 là: 3DU:10DU:10DU để tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi, mỗi liều cách nhau 1 tháng
· Tạo được đáp ứng miễn dịch tương đương vắc xin đối chứng về hiệu giá kháng thể với hai týp 1 và 3 đã có kết quả xét nghiệm tại thời điểm 28-36 ngày sau tiêm 3 liều cả về hiệu giá kháng thể, , tỷ lệ chuyển đảo kháng thể và tỷ lệ có kháng thể bảo vệ sau tiêm đủ 3 liều vắc xin (giai đoạn 3), mức tăng hiệu giá kháng thể (GMTR) cao hơn so với vắc xin đối chứng. Các kết quả này cũng tương tự như kết quả đã thu được ở giai đoạn 2
Như vậy, Đề tài đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng 3 giai đoạn do đó rất mong được cho sản xuất vắc xin ở quy mô công nghiệp sau khi được nghiệm thu.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18348/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)