Hỗ trợ thương mại hoá công nghệ chọn giống lợn có năng suất sinh sản cao bằng chỉ thị phân tử
Cập nhật vào: Thứ năm - 31/10/2024 13:04 Cỡ chữ
Hiện nay, ngành chăn nuôi lợn giống tại Việt Nam có khoảng 240 cơ sở nuôi giữ giống lợn cụ kỵ (GGP) và ông bà (GP) với tổng số 59.280 con, cùng với số lượng lợn nái ngoại lên đến 2.723 nghìn con, bao gồm các giống Landrace, Yorkshire và các loại nái lai. Mặc dù số lượng đàn lợn khá lớn, năng suất sinh sản của lợn nái tại Việt Nam vẫn còn thấp. Theo thống kê năm 2019, mỗi con lợn nái chỉ sản xuất được trung bình 14,01 lợn thịt xuất chuồng/năm, con số này thấp hơn nhiều so với các quốc gia phát triển như Đan Mạch, nơi năng suất có thể cao gấp 2 đến 2,5 lần.
Phương pháp chọn lọc nái hậu bị ở Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào thông tin năng suất sinh sản của mẹ và ngoại hình của cá thể, dẫn đến hiệu quả chọn lọc thấp. Tỷ lệ lợn nái bị loại thải ngay sau khi được đưa vào sản xuất ở lứa đầu tiên vẫn cao, gây lãng phí lớn cho các cơ sở chăn nuôi. Do hệ số di truyền của các tính trạng sinh sản nhỏ, việc chọn lọc năng suất sinh sản truyền thống không mang lại tiến bộ di truyền đáng kể. Ngoài ra, xu hướng chọn lọc nâng cao tỷ lệ nạc cũng đã vô tình loại bỏ các gen có lợi cho năng suất sinh sản, ảnh hưởng đến hiệu quả tổng thể của đàn lợn nái.
Để giải quyết những hạn chế này, việc áp dụng công nghệ chọn giống dựa trên chỉ thị phân tử trở nên cần thiết. Công nghệ này cho phép xác định tiềm năng sinh sản của lợn từ giai đoạn sơ sinh, giúp nâng cao hiệu quả chọn lọc và giảm thiểu rủi ro lãng phí nguồn giống. Việc ứng dụng chỉ thị phân tử giúp chọn lọc chính xác hơn, giữ lại những con giống có tiềm năng sinh sản tốt, từ đó góp phần tăng năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tuy nhiên, công nghệ chọn giống này vẫn chưa được sử dụng phổ biến tại Việt Nam. Mặc dù có một số cơ sở đã tiếp cận công nghệ này thông qua quá trình chuyển giao, nhưng giá thành còn cao và một số yếu tố kỹ thuật chưa phù hợp với điều kiện sản xuất, cơ sở vật chất, cũng như khả năng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đòi hỏi cần có thêm những chính sách hỗ trợ và các chương trình chuyển giao công nghệ phù hợp để giúp ngành chăn nuôi lợn giống ở Việt Nam tiếp cận được những công nghệ tiên tiến, từ đó cải thiện hiệu quả sản xuất và năng suất sinh sản trong tương lai.
Xuất phát từ thực tiễn trên, TS. Trương Hà Thái cùng nhóm nghiên cứu tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện đề tài “Hỗ trợ thương mại hoá công nghệ chọn giống lợn có năng suất sinh sản cao bằng chỉ thị phân tử” với mục tiêu đánh giá khả năng ứng dụng công nghệ chọn giống theo chỉ thị phân tử ở các cơ sở giống có quy mô lớn hơn và khả năng ứng dụng của công nghệ này trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để từ đó hướng tới việc chuyển giao và đưa vào ứng dụng công nghệ này rộng rãi hơn trong thực tiễn, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác chọn giống hiện nay ở Việt Nam.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
1. Trên cơ sở của việc điều tra về nhu cầu ứng dụng công nghệ chọn giống lợn chúng tôi nhận thấy, công nghệ này mặc dù được đánh giá cao nhưng chỉ phù hợp khi triển khai và áp dụng tại các cơ sở giống lớn, có đầy đủ cơ sở vật chất.
2. Qua những kết quả thu được trong quá trình thực hiện, chúng tôi nhận thấy những lợn mang kiểu gen PRLR gen ESR có năng suất sinh sản cao hơn so với những lợn không mang kiểu gen này, và 2 gen này được chọn để thực hiện các nghiên cứu tiếp theo. Những lợn con sinh ra từ những lợn bố mẹ có mang kiểu gen PRLR và ESR khi được phân tích đều giữ lại được kiểu gen mong muốn trên, điều này chứng tỏ sự ổn định về mặt di truyền của các cá thể được chọn làm giống.
3. Dự án cũng xây dựng được 3 phương án chuyển giao cho các cơ sở giống, các công ty và các đơn vị có nhu cầu. Tuy nhiên, theo tình hình thực tế hiện tại thì hầu hết các đơn vị đều chọn phương án 3 là chuyển giao công nghệ bằng cách chuyển giao quy trình kỹ thuật, đào tạo kỹ thuật và tư vấn khi có nhu cầu. Kết quả, dự án đã ký được 05 Hợp đồng chuyển giao công nghệ cho 5 đơn vị là các cơ sở giống và các công ty có nhu cầu chuyển giao.
4. Cùng với các chuyên gia của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và dưới sự tư vấn của một số đơn vị truyền thông, các cán bộ của dự án đã thiết kế và in các tài liệu, tờ rơi giới thiệu kỹ thuật, quy trình chọn giống lợn có năng suất sinh sản cao bằng chỉ thị phân tử để phục vụ cho việc giới thiệu, chuyển giao và đào tạo.
5. Nhằm giới thiệu rộng rãi hơn Công nghệ chọn giống lợn có năng suất sinh sản cao bằng chỉ thị phân tử, dự án đã tiến hành một số khóa tập huấn để giới thiệu và đào tạo kỹ thuật cho các đơn vị ở 6 tỉnh thành tại miền Bắc; tổ chức được 03 Hội thảo nhằm giới thiệu công nghệ, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, cơ sở giống, một số công ty hoạt hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi thú y...
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20317/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)