Hoàn thiện công nghệ ứng dụng enzyme để nâng cao năng suất và chất lượng giấy bao bì công nghiệp
Cập nhật vào: Thứ ba - 19/01/2021 02:43 Cỡ chữ
Bao bì công nghiệp là sản phẩm chính của ngành giấy Việt Nam, chiếm gần 70% tổng tiêu thụ toàn ngành và 45% tổng kim ngạch nhập khẩu giấy năm 2015. Nguyên liệu sản xuất giấy bao bì chủ yếu là giấy loại như OCC, NCC, NDLK, lề hỗn hợp... Việc sử dụng bột giấy tái chế góp một phần quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu về nguyên liệu cho ngành giấy, hạn chế tối đa việc sử dụng nguồn tài nguyên rừng và góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do phế liệu giấy được tái chế nhiều lần trong quá trình sử dụng và sản xuất, nên xơ sợi bị “sừng hóa”, tỷ lệ xơ sợi vụn cao, khả năng liên kết xơ sợi kém, trong xơ sợi có lẫn một lượng lớn các chất kết dính với thành phần chính là PVA. Chính điều này gây ảnh hưởng xấu tới quá trình sản xuất và tính chất của giấy. Do đó, việc nghiên cứu nhằm tìm ra các giải pháp công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng giấy bao bì có ý nghĩa rất quan trọng.
Trong những năm qua, ở Việt Nam đã có những đề tài ứng dụng chế phẩm sinh học vào quá trình sản xuất bột giấy và giấy nhằm tăng hiệu suất thu hồi giấy loại, giảm lượng hóa chất sử dụng, giảm phát thải ô nhiễm môi trường, giảm năng nghiền trong quá trình sản xuất, cải thiện khả năng thoát nước, tăng tốc độ máy xeo. Các nghiên cứu ứng dụng chế phẩm sinh học cho ngành công nghiệp sản xuất giấy và bột giấy ở nước ta phần lớn thực hiện ở quy mô phòng thí nghiệm, những năm gần đây đã và đang dần tiến tới áp dụng trên quy mô pilot và đưa vào thử nghiệm sản xuất trên quy mô công nghiệp. Do đó, để tiếp tục mở rộng hướng nghiên cứu, triển khai áp dụng vào thực tiễn và nhân rộng ra toàn ngành, từ năm 2017 đến 2018, nhóm nghiên cứu tại Viện công nghiệp giấy và xenluylô do ThS. Hy Tuấn Anh làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Hoàn thiện công nghệ ứng dụng enzyme để nâng cao năng suất và chất lượng giấy bao bì công nghiệp” tại Công ty cổ phần giấy Vạn Điểm.
Đề tài đã đạt được một số kết quả nổi bật sau:
- Đã xây dựng và ban hành Quy trình công nghệ, thiết bị hoàn thiện để sản xuất giấy bao bì công nghiệp bằng một số loại enzyme (esterase, cellulase, hemicellulase, α-amylase) quy mô ≥ 10.000 tấn/năm, đồng thời áp dụng quy trình trên dây chuyền sản xuất giấy bao bì công nghiệp quy mô 25.000 tấn/năm tại Công ty CP giấy Vạn Điểm.
- Đã xây dựng và ban hành được 02 tiêu chuẩn cơ sở về nguyên liệu (giấy loại và bột giấy), 04 tiêu chuẩn về hóa chất phụ gia và 03 tiêu chuẩn chất lượng enzyme.
- Đã xây dựng và ban hành được tiêu chuẩn cơ sở về chất lượng giấy làm lớp sóng và giấy làm lớp mặt của các tông hòm hộp của Dự án.
- Hệ thống thiết bị hoàn thiện để sản xuất giấy bao bì công nghiệp có sử dụng một số loại enzyme quy mô 25.000 tấn/năm (Hệ thống chuẩn bị bột và sản xuất giấy là hệ thống máy móc thiết bị cũ của Công ty cổ phần giấy Vạn Điểm kết hợp với 01 Hệ thống pha chế và cấp enzyme được thiết kế và lắp đặt trong quá trình thực hiện dự án).
Việc ứng dụng enzyme trong sản xuất giấy bao bì công nghiệp làm tăng năng suất máy xeo, nhưng không làm tăng tải lượng nên hệ thống nước thải của nhà máy. Do đó, không phát sinh tác động đến môi trường so với quá trình sản xuất hiện tại. Ngoài ra, việc ứng dụng enzyme còn làm giảm hóa chất trong quá trình sản xuất, giảm hóa chất vệ sinh chăn, lưới xeo tác động tốt đến sức khỏe người lao động. Đồng thời, giảm hóa chất phát thải cũng có tác dụng tốt đối với hệ thống vi sinh vật trong công đoạn xử lý hiếu khí tại nhà máy.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16192/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)
bao bì, công nghiệp, sản phẩm, tiêu thụ, nhập khẩu, nguyên liệu, sản xuất, chủ yếu, hỗn hợp, sử dụng, quan trọng, giải quyết, nhu cầu, hạn chế, tối đa, tài nguyên, góp phần, bảo vệ, môi trường, tuy nhiên, quá trình