Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất bán thành phẩm vắcxin Hib cộng hợp ở quy mô công nghiệp
Cập nhật vào: Thứ sáu - 29/09/2023 00:06 Cỡ chữ
Haemophilus influenzae type b (Hib) là vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm làm ít nhất 3 triệu người mắc và 400 đến 700 nghìn người chết mỗi năm. Hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật, vắc xin Hib cộng hợp đã được đưa vào chương trình tiêm chủng dưới dạng vắc xin phối hợp cùng các thành phần DTwP+Hep rồi DTaP+Hep+IPV. Việc bổ sung vắc xin Hib cộng hợp đã tạo điều kiện cho sự ra đời của các loại vắcxin phối hợp vào lịch tiêm chủng, giúp giảm số lần tiêm và do đó, đã tăng việc tuân thủ tiêm chủng.
Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu dịch tễ học về Hib đã được tiến hành tại các địa phương khác nhau. Tỷ lệ mắc viêm màng não do Hib là 12/100.000 trẻ dưới 5 tuổi và 26/100.000 trẻ dưới 2 tuổi. Trên quy mô toàn quốc ước tính mỗi năm có 1.005 trẻ dưới 5 tuổi phải nhập viện vì viêm màng não và 5.107 trẻ phải nhập viện vì viêm phổi do Hib. Trong số các trẻ mắc viêm màng não do Hib, có ít nhất 100 trẻ sẽ để lại các di chứng thần kinh nghiêm trọng và 40 trường hợp sẽ chết. Việt Nam cần phải ưu tiên xây dựng hệ thống báo cáo ca bệnh đặc biệt là các ca bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính và nhanh chóng triển khai tiêm phòng rộng rãi vắcxin Hib cộng hợp cho trẻ em. Vắcxin Hib cộng hợp là một dạng vắcxin hóa học điều chế từ kháng nguyên của vi khuẩn. Công nghệ sản xuất vắcxin vi khuẩn tại Việt Nam hiện nay phần lớn vẫn sử dụng các công nghệ cổ điển như nuôi cấy, thu hoạch và bất hoạt vi khuẩn toàn tế bào (vắcxin tả uống, vắcxin ng a lao BCG, vắcxin ho gà toàn tế bào) hoặc giải độc tố của vi khuẩn (vắcxin uốn ván và vắcxin bạch hầu). Các vắcxin ở dạng giải độc tố thường an toàn nếu được giải độc tốt do đây là các vắcxin chỉ chứa 1 thành phần kháng nguyên tạo ra đáp ứng miễn dịch đặc hiệu. Tuy nhiên, các vắcxin chứa vi khuẩn toàn tế bào đặc biệt là các vắcxin dạng tiêm hay gây ra các phản ứng phụ, phản ứng quá mẫn mạnh do cơ thể ngoài các đáp ứng miễn dịch với thành phần khoảng nguyên đặc hiệu cũng sinh ra các kháng thể với các kháng nguyên khác có trong vi khuẩn hoặc môi trường nuôi cấy vi khuẩn. Các kháng thể này sẽ gây ra các đáp ứng quá mẫn ở người được tiêm. Việc tách chiết và tinh chế các thành phần kháng nguyên có tính sinh miễn dịch cao và đặc hiệu là cơ sở của các công nghệ sản xuất vắcxin vi khuẩn tiên tiến hiện nay. Công nghệ phát triển các vắcxin 4 polysaccharide là một trong những công nghệ hiện đại được Việt Nam áp dụng trong sản xuất vắcxin. Vắcxin polysaccharide đầu tiên được phát triển và có sản phẩm đó được cấp phép lưu hành là vắcxin thương hàn Vi do cơ sở Đà Lạt của Viện Vắcxin và các chế phẩm sinh phẩm sinh học Nha Trang sản xuất (nay là Viện vắcxin Đà lạt). Tuy nhiên, cho đến hiện tại vẫn chưa có sản phẩm vắcxin polysaccharide cộng hợp hay vắcxin Hib cộng hợp do các cơ sở trong nước sản xuất được cấp phép lưu hành. Các loại vắcxin Hib cộng hợp hiện nay có mặt trên thị trường của Việt Nam đều là các vắcxin nhập ngoại và giá thành rất cao, do vậy không thể triển khai tiêm phòng đại trà được cho cộng đồng.
Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vắcxin Haemophilus Influenzae type b (Hib) cộng hợp ở quy mô phòng thí nghiệm” đã được nghiệm thu cấp Nhà nước năm 2010. Do điều kiện tài chính còn hạn hẹp nên VABIOTECH chưa thể mở rộng được quy mô sản xuất, cũng như tiến tới đánh giá tính an toàn và đáp ứng miễn dịch của vắcxin Hib trên người tình nguyện. Vì vậy, nhằm đánh giá chất lượng bán thành phẩm đạt tiêu chuẩn của WHO; hoàn thiện dây chuyền sản xuất bán thành phẩm vắcxin Hib cộng hợp tiên tiến ở qui mô công nghiệp 10 triệu liều /năm; làm chủ công nghệ sản xuất bán thành phẩm vắcxin Hib cộng hợp tiên tiến phù hợp với các công nghệ hiện nay đang sử dụng trên thế giới; nắm bắt và làm chủ các phương pháp kỹ thuật kiểm tra bán thành phẩm vắcxin Hib cộng hợp theo tiêu chuẩn của WHO; chủ động cung cấp đủ bán thành phẩm vắcxin Hib cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu với qui mô 300.000 liều bán thành phẩm/loạt, nhóm đề tài Công ty TNHH một thành viên Vắcxin và Sinh phẩm số 1 do ThS. Lê Hoàng Long làm chủ nhiệm đã hợp tác quốc tế với Viện Quốc gia về Sức khỏe trẻ em và Phát triển con người thuộc Viện Quốc gia về Sức khỏe Hoa Kỳ (NIH) đề xuất thực hiện Dự án: “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất bán thành phẩm vắcxin Hib cộng hợp ở quy mô công nghiệp” để mong muốn sớm có sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, nhóm đề tài đưa ra các kết luận như sau
1. Đã hoàn thiện dây chuyền sản xuất bán thành phẩm vắcxin Hib cộng hợp tiên tiến ở qui mô công nghiệp 10 triệu liều /năm
2. Làm chủ công nghệ sản xuất bán thành phẩm vắcxin Hib cộng hợp tiên tiến phù hợp với các công nghệ hiện nay đang sử dụng trên thế giới
+ Đã hoàn thiện quy trình nuôi cấy trên bình nón 1L và 3L
+ Đã tối ưu hóa và thẩm định được quy trình nuôi cấy Hib-PRP trên nồi lên men 50L
+ Đã tối ưu hóa và thẩm định được quy trình nuôi cấy Hib-PRP trên nồi lên men 300L
+ Đã tối ưu hóa quy trình ly tâm để tinh chế PRP trên hệ thống ly tâm công nghiệp
+ Đã tối ưu hóa quy trình hòa và rửa tủa
+ Đã tối ưu hóa quy trình cô đặc và thẩm tích PRP trên hệ thống 10k
+ Đã tối ưu hóa quy trình loại protein
+ Đã tối ưu hóa và thẩm định quy trình thẩm tích Hib-PRP trên hệ thống 30k công nghiệp
+ Các điều kiện tối ưu hóa quy trình tạo dẫn xuất
+ Các điều kiện tối ưu hóa quy trình tinh chế dẫn xuất
+ Quy trình tạo cộng hợp
+ Quy trình tinh chế cộng hợp
+ Đã tối ưu hóa quy trình lọc bán thành phẩm vắc xin ở quy mô 50.000 liều /loạt
+ Đã tối ưu hóa quy trình lọc bán thành phẩm vắc xin ở quy mô 100.000 liều /loạt
+ Đã tối ưu hóa quy trình lọc bán thành phẩm vắc xin ở quy mô 300.000 liều /loạt
3. Qui mô 300.000 liều bán thành phẩm/loạt:
+ Đã sản xuất 3 loạt bán thành phẩm vắc xin liên tiếp ổn định quy trình và cho hiệu suất cao.
+ Đã sản xuất 300.000 liều bán thành phẩm theo tiêu chuẩn cơ sở. Thành phần Hib cộng hợp do VABIOTECH sản xuất đạt tính an toàn và công hiệu và có thể dùng làm thành phần trong vắc xin phối hợp 5 trong 1.
+ Đã tiến hành phối trộn thành công thành phần Hib PRP-TT với các thành phần bạch hầu, ho gà, uốn ván và viêm gan B đạt các thử nghiệm hóa lý đều cho kết quả khả quan và đạt tiêu chuẩn chấp thuận của tổ chức y tế thế giới. Hàm lượng kháng nguyên cho mỗi thành phần của bán thành phẩm cuối cùng: Công hiệu của PRP-T đạt tiêu chuẩn của WHO.
+ Kết quả phối trộn các kháng nguyên đơn giá bạch hầu, ho gà toàn toàn bào (hay vô bào), uốn ván, viêm gan B, Hib với chất hấp phụ nhôm Phôtphat cho thấy dung dịch để lắng phân thành 2 lớp và không bị vón cục.
+ Các thử nghiệm hóa lý đều cho kết quả khả quan và đạt tiêu chuẩn chấp thuận của tổ chức y tế thế giới. Vắc xin đạt các chỉ tiêu an toàn trên động vật thí nghiệm. Hàm lượng kháng nguyên cho mỗi thành phần của bán thành phẩm cuối cùng: Công hiệu của PRP-T là 19.86 mg/ml và 21.15 mg/ml (đạt tiêu chuẩn của WHO). Công hiệu của vắc xin viêm gan B cũng đạt yêu cầu của WHO.
4. Nắm bắt và làm chủ các phương pháp kỹ thuật kiểm tra bán thành phẩm vắcxin Hib cộng hợp theo tiêu chuẩn của WHO
Dự án sau khi hoàn thành sẽ sản xuất bán thành phẩm vắcxin Hib cộng hợp tại Việt Nam với chất lượng tương tự như bán thành phẩm vắcxin Hib cộng hợp đang lưu hành trên thế giới nhưng có giá thành thấp hơn, nhờ vậy có thể dùng để phối hợp bán thành phẩm vắc xin này với các thành phần DTP (hoặc DTaP), viêm gan B… tiến tới sản xuất được vắc xin phối hợp được làm t các thành phần trong nước sau đó phổ cập tiêm phòng rộng rãi cho nhân dân.
Nhóm thực hiện Dự án kiến nghị cần tiếp tục đầu tư để nâng cấp cơ sở sản xuất bán thành phẩm vắc xin Hib cộng hợp đạt quy mô 10 triệu liều / năm.(Phối hợp với Văn phòng sản phẩm vắc xin phòng bệnh cho người) và tiến hành hoàn thiện quy trình phối trộn bán thành phẩm vắc xin Hib cộng hợp với các thành phẩn khác có trong vắc xin phối hợp.(Phối hợp với IVAC) cũng như iến hành hoàn thiện phương pháp đánh giá chất lượng các thành phần khác có trong phối hợp và đánh giá tính ổn định của thành phần Hib cộng hợp trong vắc xin phối hợp.(Phối hợp với IVAC và NICVB).
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18921/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)