Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất kem dưỡng da từ cây Rau sam (Portulaca oleracea L. C.A. Mey)
Cập nhật vào: Thứ hai - 20/09/2021 12:31 Cỡ chữ
Rau Sam là loại thực vật phổ biến ở Việt Nam, là cây dễ trồng và dễ chăm sóc. Các nghiên cứu đã chỉ ra tác dụng của Rau Sam như: bảo vệ thần kinh, hỗ trợ điều trị tiểu đường, có khả năng chống oxy hóa, kháng khuẩn, bảo vệ gan và chống viêm. Ngoài ra, Cao chiết từ Rau Sam còn được nghiên cứu về công dụng trong chăm sóc da như chống lão hóa, làm trắng da và cải thiện các nếp nhăn trên da. Cao chiết được sử dụng cho các nghiên cứu hoạt tính sinh học trên da bao gồm: hoạt tính chống oxy hóa, hoạt tính thu dọn gốc tự do và hoạt tính chống lão hóa và ức chế hoạt tính của tyrosinase, enzyme tạo sắc tố gây nám da melanin. So sánh hoạt tính sinh học trên da của cao Rau Sam với các chất đối chiếu là acid ascorbic tinh khiết (vitamin C) là chất đã được biết đến với hoạt tính kích thích sinh tổng hợp collagen trong cơ thể; acid kojic và arbutin là các chất đã được biết đến là có công dụng chống lão hóa tốt.
Thị trường hóa mỹ phẩm Việt Nam hiện đang được đánh giá có rất nhiều tiềm năng, nhu cầu lớn với doanh thu khoảng 2.3 tỷ USD năm 2018. Nhưng trên thị trường, các thương hiệu của Việt Nam còn rất ít. Tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại tần suất xuất hiện của các loại mỹ phẩm trong nước ngày càng nhỏ bé. Một thực trạng đáng chú ý, các mặt hàng của các doanh nghiệp trong nước hiện chỉ đáp ứng được phân khúc giá rẻ của một số ít người tiêu dùng. Trong khi đó, thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu chăm sóc bản thân của cả hai giới ngày càng gia tăng, thị trường mỹ phẩm Việt Nam đã trở thành “miếng bánh” hấp dẫn cho các thương hiệu thế giới vào khai thác.
Dự án này sẽ lựa chọn phương pháp tối ưu nhằm hoàn thiện quy trình trồng Rau Sam, quy trình công nghệ để chiết xuất, bào chế sản phẩm kem với quy trình ổn định 50.000 lọ/lô sản xuất. Công nghệ do dự án hoàn thiện với mục đích tạo ra được nguồn nguyên liệu ổn định, có chất lượng, tiết kiệm dược liệu, tiết kiệm dung môi và năng lượng, thân thiện với môi trường, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm. Sản phẩm được sản xuất ở quy mô lớn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, có thêm một sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, chất lượng tốt, giá cả phù hợp cho khách hàng lựa chọn.
Nhóm tác giả do Cơ quan chủ trì là Viện Nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương thực hiện đề tài “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất kem dưỡng da từ cây Rau sam (Portulaca oleracea L. C.A. Mey)” với nội dung nghiên cứu xây dựng vùng trồng dược liệu cây Rau Sam theo quy trình VietGAP.
Trong quá trình sản xuất dược liệu Rau Sam, nhóm nghiên cứu luôn quản lý nguồn nguyên liệu đầu vào hết sức chặt chẽ: Không sử dụng thuốc diệt cỏ, sử dụng lượng phân bón hóa đúng với lượng theo quy trình, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó không gây tồn dư trong đất và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Ngoài ra, các loại bao bì được thu gom để xử lý, không vứt bừa trên đồng ruộng. Hiệu quả về xã hội: Từ kết quả phân tích về chất lượng dược liệu và dư lượng một số kim loại nặng, giới hạn nhiễm khuẩn đều đạt so với quy định trong Dược điển Việt Nam V và độ an toàn. Quá trình sản xuất đã tạo ra dược liệu Rau Sam sạch, chất lượng cao, dùng để chế biến mỹ phẩm góp phần tạo ra sản phẩm an toàn cho xã hội.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Đã xây dựng quy trình sản xuất dược liệu Rau Sam tại xã Hát Môn cho năng suất và chất lượng dược liệu tốt. Đã xây dựng được vùng trồng dược liệu 1ha tại Thôn Đa Ngư, Xã Hòa Hiệp Nam, Huyện Đông Hòa ,Tỉnh Phú Yên theo quy trình VietGap. Đã đánh giá chất lượng dược liệu sau khi thu hoạch tại mô hình, đạt yêu cầu so với Dược điển Việt Nam 5 và độ an toàn về hàm lượng kim loại nặng và vi sinh vật có hại. Đưa ra điều kiện tối ưu đối với quy trình chiết bán tự động cao Rau Sam quy mô 10 -20 - 50 kg/mẻ: Rau Sam cắt nhỏ với kích thước 15 -20cm, được chiết trong hệ thống ngấm kiệt bán tự động với tỷ lệ dược liệu/dung môi là 1/10, Tốc độ của rút dịch chiết và tốc độ di chuyển của dược liệu là 15/15. Tổng thời gian chiết là 22 giờ.
Dự án đã xây dựng được công thức bào chế kem Sam và tối ưu hóa quy trình bào chế từ quy mô phòng thí nghiệm mở rộng ra quy mô công nghiệp; đánh giá được hiệu quả tác dụng và tính an toàn của các sản phẩm trên thử nghiệm lâm sàng. Dự án đã xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở của sản phẩm kem Sam, cao Sam và dược liệu rau Sam; tổ chức 2 hội thảo giới thiệu và quảng bá sản phẩm kem Sam. Dự án đã xây dựng hồ sơ thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ là công ty cổ phần ELEMENTO Việt Nam.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16749/2019) tại Cục Thông tin KH&CNQG.
Đ.T.V (NASATI)