Hoàn thiện quy trình và xây dựng mô hình Aquaponics nuôi thủy sản tuần hoàn nước và trồng rau sạch tiết kiệm nước ở Đồng bằng Sông Cửu Long
Cập nhật vào: Thứ tư - 07/02/2024 12:02 Cỡ chữ
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang đối mặt với thực trạng lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, môi trường nước bị ô nhiễm do xả thải từ nuôi trồng thủy sản, đã dần phá hoại sự đa dạng sinh học của vùng nông nghiệp trù phú trước đây. Bên cạnh đó, tình trạng hạn hán và xâm ngập mặn gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất nông nghiệp của người dân vùng ĐBSCL. Vấn đề đặt ra nhằm giải quyết tình trạng trên là lựa chọn phương thức canh tác phù hợp: hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), tiết kiệm nước, nâng cao năng suất trêncùng một diện tích canh tác…
Aquaponics được đánh giá là mô hình sản xuất bền vững trên phương diện nâng cao năng suất và tiết kiệm chi phí trên cùng một diện tích canh tác: sử dụng các chu trình tự nhiên với sự góp mặt của vi khuẩn có lợi để chuyển đổi chất thải của đối tượng thủy sản thành chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng. Đây là một phương pháp tạo ra nguồn thực phẩm tự nhiên, thân thiện với môi trường, khai thác các thuộc tính tốt nhất của nuôi trồng thủy sản và trồng rau thủy canh mà không cần phải xả nước thải, lọc nước hoặc thêm các loại phân bón hóa học. Từ một số kết quả nghiên cứu cho thấy, Aquaponics thích hợp cho nhiều đối tượng thủy sản kết hợp với đa dạng các loại rau, củ quả khác nhau. Một số nghiên cứu chủ yếu tập trung phát triển mô hình Aquaponics quy mô hộ gia đình, mang tính tự cung tự cấp… Tuy nhiên Aquaponics có thật sự là một mô hình phát triển bền vững, có khả năng áp dụng rộng rãi cho ĐBSCL để giải quyết một số thực trạng đang tồn tại khi Aquaponics được phát triển ở quy mô thương mại, mang tính sản xuất thàng hóa, cung cấp nguồn thực phẩm sạch và an toàn cho xã hội?
Từ những yêu cầu và thực tiễn nêu trên, TS. Hồ Thanh Huy cùng nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện dự án: “Hoàn thiện quy trình và xây dựng mô hình Aquaponics nuôi thủy sản tuần hoàn nước và trồng rau sạch tiết kiệm nước ở ĐBSCL” với mục tiêu hoàn thiện quy trình Aquaponics quy mô thương mại, triển khai nhân rộng mô hình, góp phần nâng cao năng suất, gia tăng giá trị sản xuất trên cùng một diện tích canh tác. Cụ thể: Đánh giá được công nghệ đang ứng dụng trong quy trình nuôi thủy sản và trồng rausạch tiết kiệm nước ở ĐBSCL và Tp. HCM; Hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi trồng thủy sản tuần hoàn nước và trồng rau sạchtiết kiệm nước cho vùng ĐBSCL; Xây dựng thành công mô hình nuôi thủy sản kết hợp trồng rau sạch tiết kiệm nước ởĐBSCL đạt hiệu quả kinh tế cao.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đưa ra các kết luận như sau:
Mô hình Aquaponics quy mô pilot và triển khai đã được xây dựng hoàn thiện, đáp ứng tương đối đầy đủ các thông số kỹ thuật của mô hình về năng suất cá và rau trong hệ thống. Mô hình tích hợp hệ thống giám sát các thông số môi trường quan trọng và điều khiển các thiết bị từ xa. Giá thể sử dụng ươm hạt đã được nghiên cứu và lựa chọn tối ưu về sinh trưởng và tính tiện lợi cho quy trình ươm hạt.
Nghiên cứu xác định giá thể xơ dừa phù hợp với tốc độ sinh trưởng của cây con và khả năng triển khai mở rộng quy mô sản xuất thương mại. Nghiên cứu cũng đã xác định cải bẹ dún cho sinh khối tốt nhất trong tất cả các loại rau trồng phổ biến. Tuy nhiên, việc lựa chọn và phát triển cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường cũng cần được xem xét đánh giá hợp lý.
Kết quả nghiên cứu cho thấy hệ thống Aquaponics khi kết hợp giữa các chình và cải bắc thảo thì mức sinh khối cá từ 250 – 336kg (đầu và cuối thí nghiệm) là phù hợp nhất, cụ thể, cá chình đạt trọng lượng 263,0g/con với mức tăng trưởng là 0,81%/ngày và cải bắc thảo đạt trọng lượng là 195,3g/cây với năng suất 2,24kg/m2. Kết quả phân tích và đánh giá hiệu quả kinh tế của của hai mô hình cho thấy khi mô hình tận dụng tối đa diện tích bằng phương án thêm tầng rau phía trên cho sản lượng và doanh thu tốt hơn so mô hình còn lại.
Kết quả so sánh hiệu quả kinh tế của mô hình Aquaponics nuôi cá chình kết hợp trồng rau và mô hình nuôi cá chình tuần hoàn nước (không trồng rau) cho thấy mô hình Aquaponics có thời gian thu hồi vốn nhanh hơn so với mô hình tuần hoàn nước thông thường vì lợi nhuận từ mô hình Aquaponics là sự kết hợp của đối tượng thủy sản và rau trong mô hình.
Từ những kết quả đạt được của mô hình triển khai, Công ty TNHH Đồng Tháp Aqua và Công ty TNHH ADC đang dần mở rộng quy mô trang trại và đadạng hóa đối tượng thủy sản và rau củ quả trong mô hình. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu cải tiến quy trình Aquaponics trên phương diện: giảm chi phí đầu tư cơ bản, tăng năng suất và sản lượng đối tượng nuôi trồng trên một đơn vị diện tích, nhằm mở ra khả năng triển khai và nhân rộng cho bà con vùng ĐBSCL. Nghiên cứu và phát triển mô hình Aquaponics quy mô lớn nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, tận dụng tối đa nguồn phân thải từ đối tượng thủy sản cần có chính sách, chương trình nghiên cứu phát triển phù hợp.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19506/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)