Khai thác và phát triển giống gà Cáy Củm tại tỉnh Cao Bằng và Hà Giang
Cập nhật vào: Thứ tư - 19/08/2020 01:50 Cỡ chữ
Hiện nay, đàn gia cầm cả nước tiếp tục phát triển, thị trường tiêu thụ tốt, giá bán thịt gia cầm ở mức có lãi cho người chăn nuôi. Các mô hình gia trại, trang trại đa dạng về đối tượng và chất lượng đàn ngày càng tăng. Theo kết quả điều tra chăn nuôi kỳ 01/10/2017, đàn gia cầm cả nước ước có 385,5 triệu con, tăng khoảng 6,6%, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất bán đạt 1,03 triệu tấn, tăng 7,3%, sản lượng trứng gia cầm đạt 10,6 triệu quả, tăng 12,6%. Tuy nhiên, nếu không thực hiện việc thành lập ngân hàng gen, các giống bản địa sẽ bị mai một, thậm chí bị mất hết do quá trình lai tạo, giao phối cận huyết diễn ra. Các giống gà địa phương được nuôi phổ biến và là nguồn sản phẩm đặc sản như: gà Đông Tảo, gà Chọi, gà Tre, gà Ác, gà Liên Minh… Trong đó gen gà Cáy Củm là các nguồn gen bản địa có từ lâu đời và rất chất lượng thịt rất thơm ngon, giòn. Đây là nguồn gen quý hiếm và đã được đưa vào chương trình bảo tồn nguồn gen từ 2008 của Viện Chăn nuôi ở Lâm Đồng và được bảo tồn trong các nông hộ ở Cao Bằng và Hà Giang.
Sau nhiều năm bảo tồn, số lượng các giống gà này đã tăng lên, tuy nhiên việc chọn lọc chưa được thuần, còn pha tạp và có phần mai một đi và chưa được quan tâm, do ngoại hình không hấp dẫn vì đuôi cụp (không phao câu). Do vậy đàn gà gần như chỉ dừng lại ở việc theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, mặt khác các giống gà này chủ yếu vẫn được nuôi giữ ở nông hộ, do điều kiện kinh tế và trình độ kỹ thuật còn nhiều hạn chế nên năng suất không ổn định, ngoại hình chưa thuần nhất. Gần đây nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng rất ưa chuộng các sản phẩm thịt gà có chất lượng cao, thơm, giòn, vị ngon. Chính vì vậy việc khai thác, phát triển nguồn gen của gà Cáy Củm này một mặt đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và lưu giữ nguồn gen quý hiếm của Việt Nam. Đây là lý do TS. Bùi Thị Thơm cùng nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Nông Lâm đã thực hiện đề tài: “Khai thác và phát triển giống gà Cáy Củm tại tỉnh Cao Bằng và Hà Giang”.
Một số kết quả của đề tài nghiên cứu:
- Đã điều tra 178 hộ tại Cao Bằng và Hà Giang với quy mô đàn gà Cáy Củm là từ 2 đến 23 con/nông hộ. Màu sắc đa dạng màu lông như gà trống màu đỏ tía, đỏ đen có pha vàng, trắng tuyền, gà mái có ngoại hình màu vàng rơm, lá chuối khô, cánh sẻ, vàng nâu và pha đen. Chân, mỏ chủ yếu màu vàng. Kiểu mào chủ yếu là mào đơn và mào nụ hoa dâu, màu cờ đỏ tươi rất đẹp. Gà Cáy Củm có khối lượng cơ thể gà con lúc 01 ngày tuổi là 32,67g; 08 tuần tuổi gà trống bình quân là 675,92 g/con; gà mái bình quân 510,82 g. Đến 20 tuần tuổi gà trống 1650 g/con, gà mái 1352 g/con. Tuổi đẻ quả trứng đầu là 20 tuần tuổi. Sản lượng trứng/mái/năm đẻ trung bình gần 100 quả. Tiêu tốn thức ăn rất thấp, chủ yếu các hộ thả tự nhiên tự kiếm mồi là chính.
- Đã phân tích ADN bằng các chỉ thị microsatellite có tính đa dạng di truyền cao: Quần thể gà Cáy Củm nghiên cứu có tính đa dạng di truyền cao thể hiện ở tần số dị hợp tử các locus gen phân tích (0,66) và hệ số cận huyết thấp (0,06). Đặc biệt gà Cáy Củm có khoảng cách di truyền rất xa so với các giống gà phân tích khác, qua đó cho thấy giống gà Cáy Củm là một nguồn gen riêng biệt.
- Đã nghiên cứu và xây dựng được 02 quy trình (Quy trình chăm sóc nuôi dưỡng gà Cáy Củm sinh sản; Quy chăm sóc nuôi dưỡng gà Cáy Củm thương phẩm)
- Đã nghiên cứu và xây dựng được 02 quy trình vệ sinh thú y trong chăn nuôi gà Cáy Củm sinh sản và thương phẩm (Quy trình vệ sinh thú y phòng bệnh cho gà Cáy Củm sinh sản và Quy trình vệ sinh thú y phòng bệnh cho gà thương phẩm).
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15183) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)