Khai thác và phát triển nguồn gen bò quí hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hoà
Cập nhật vào: Thứ hai - 09/05/2022 01:01 Cỡ chữ
Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có đa dạng sinh học cao của thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật và nguồn gen phong phú, đặc hữu. Đến nay, Việt Nam đã xác định được khoảng 49.200 loài sinh vật, bao gồm 7.500 loài/chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; 10.500 loài động vật trên cạn; 2.000 loài động vật không xương sống và cá ở nước ngọt; có trên 11.000 loài sinh vật biển. Do đó, Việt Nam là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới, được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về sự đa dạng tài nguyên sinh vật/tài nguyên di truyền.
Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng dân số và mở rộng các hoạt động của khu công nghiệp đã làm cho nguy cơ ô nhiễm môi trường tăng cao, bên cạnh đó đa dạng sinh học ở Việt Nam đang bị suy giảm nghiêm trọng. Các hoạt động phá rừng, săn bắn và buôn bán trái phép động vật hoang dã vẫn xảy ra ở một số địa phương.
Bò tót là nguồn gen quý dự trữ trong thiên nhiên, trong sách Đỏ Việt Nam, bò tót được xếp vào nhóm có nguy cơ tuyệt chủng cao, hiện tại, nạn săn bò tót đang là mối đe doạ của loài thú quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng này, việc chấm dứt các hoạt động trái phép này, bảo tồn và duy trì đa dạng sinh học là nhiệm vụ cấp bách, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.
Từ những năm 2009, 2010 và 2011 tại vườn Quốc gia Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận giáp ranh với huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng và huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, có một con bò tót đực thường xuyên xuất hiện, nhập vào đàn bò nhà của nông dân và kiếm ăn chung trên cánh đồng cỏ ven rừng thuộc vùng đệm vườn Quốc gia Phước Bình. Thực tế đã có ghi nhận của người dân về hiện tượng cạnh tranh giữa bò tót và bò đực nhà để giành quyền giao phối với những bò cái nhà, một số bò cái của nông dân tại đó đã sinh được khoảng 10 con bê dự đoán lai giữa bò cái nhà (Bos taurus) và bò tót đực (Bos gaurus) (sau đây gọi là bò quý hiếm thế hệ thứ 1).
Để phát triển nguồn gen quý hiếm này cần đưa vào các tổ hợp lai ưu thế mới, tạo ra các dòng, giống bò thịt vượt trội. Do đó nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài PGS.TS Lê Xuân Thám tiến hành thực hiện đề tài: “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quí hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hoà” với mục tiêu đánh giá được ngoại hình, khả năng sản xuất của bò quý hiếm tại vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng và Khánh Hòa.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Đề tài đã khảo sát, thu thập thông tin tại vùng đệm của Vườn quốc gia Phước Bình, xã Phước Bình, huyện Bác Ái có khoảng 20 con bò quý hiếm thế hệ thứ 1 giữa cá thể bò tót đực hoang dã bos gaurus có bộ nst 2n=56 với bò cái nhà Bos taurus có bộ NST 2n = 60 cho thấy chúng đồng nhất về hình thái cơ thể, tập tính sinh sống, đặc biệt đồng nhất về bộ NST 2n=58 và thể hiện tính chất lai từ giao tử khác loài.
Đã Hoàn thiện 08 quy trình kỹ thuật về chăn nuôi bò quý hiếm thế hệ thứ 1 và thế hệ thứ 2 đảm bảo phù hợp với điều kiện địa phương; đồng thời tập huấn cho 10 lượt cán bộ kỹ thuật và người lao động tham gia thực hiện đề tài.
Đã nghiên cứu giám định di truyền bò quý hiếm:
+ Chỉ thị SSR – BM1818 và BM861 là các chỉ thị có thể được dùng để phân biệt bò tót và bò nhà.
+ Thu được 02 chỉ thị SSR thông qua phản ứng PCR dùng để phân biệt bò tót và bò nhà là chỉ thị BM1818 (nằm trên NST thuờng) và BM861 (nằm trên NST giới tính Y).
+ thu được 02 trình tự gen pou1f1 trên nhiễm sắc thể số 1 giúp phân biệt con bò quý hiếm thế hệ thứ 1, quý hiếm thế hệ thứ 2 giữa bò tót và bò nhà; 02 trình tự gen zfy trên nhiễm sắc thể y giúp phân biệt bò đực quý hiếm thế hệ thứ 1 với bò đực nhà.
Các mẫu máu của các con bò quý hiếm thế hệ thứ 1 giữa bò đực Bos gaurus với bò cái nhà Bos taurus và con lai quý hiếm thế hệ thứ 2 backcross tại vườn Quốc gia Phước Bình tỉnh Ninh thuận đã được nuôi cấy và phân tích nhiễm sắc thể. Số NST của bò đực nhà và bò mẹ của con bò quý hiếm thế hệ thứ 1 đã được xác định là 2n = 60, gồm 30 cặp tương đồng với NST X là tâm lệch, số vai FN = 58. Số lượng NST của các con lai quý hiếm thế hệ thứ 1 là 2n=58, có 03 nhiễm sắc thể tâm lệch ở cặp NST số 1; số 2; nhiễm sắc thể Y của con đực quý hiếm thế hệ thứ 1, chỉ số fn = 58. trong khi đó, ở con lai quý hiếm thế hệ thứ 2 backcross thì số nhiễm sắc thể quay lại trạng thái cân bằng 2n=60, fn = 58, có 2 nst tâm lệch là cặp xx.
Quần đàn bò lai quý hiếm thế hệ thứ 1 với 10 cá thể (05 đực, 05 cái) được nuôi tập trung trong trại thực nghiệm bảo tồn nguyên vẹn, đều sinh trưởng tốt, khỏe mạnh và rất năng động. con lai thế hệ thứ 2 sinh trưởng tương đương, tuy nhiên sức chống chịu với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ít bị bệnh tật hơn so với bò lai sind cùng độ tuổi.
Đề tài đã nghiên cứu phép lai trong dòng giữa con lai quý hiếm thế hệ thứ 1 với nhau nhưng không có kết quả; chưa triển khai được phương pháp thụ tinh nhân tạo. đặc biệt đã nghiên cứu phương pháp lai ngoài dòng tạo ra được 03 bò quý hiếm thế hệ thứ 2 (01 đực và 02 cái) đều có bộ NST cân bằng 2n = 60.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17255/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)