Khai thác và phát triển nguồn gen cá mặt quỷ (Synnanceia verrucosa Bloch & Schneider, 1801)
Cập nhật vào: Thứ tư - 18/12/2019 21:15 Cỡ chữ
Nước ta có đường bờ biển dài hơn 3.260km, có nhiều đảo, nhiều eo biển, vũng vịnh kín gió, nhiều đầm phá rộng lớn rất thuận lợi cho việc phát triển nuôi cá biển. Cá mặt quỷ (Synanceia verrucosa Bloch & Schneider, 1801) là loài có giá trị dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng sản lượng hiện còn rất nhỏ (Võ Thế Dũng và cộng sự, 2014). Nghiên cứu chủ động công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm loài cá này là hết sức cấp bách.
Mặc dù trong nƣớc đã sản xuất được con giống nhân tạo một số loài cá biển như cá chẽm, cá mú, cá giò, cá hồng Mỹ, cá chim vây vàng... nhưng số lượng vẫn rất hạn chế không đáp ứng đủ cho nhu cầu nuôi. Trong khi, nguồn giống thu từ tự nhiên không đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng, giống nhập từ các nước khác về có giá cao, chất lượng không được kiểm soát, tỷ lệ sống khi ương nuôi thấp. Bên cạnh đó, công nghệ nuôi lạc hậu, chủ yếu sử dụng cá tạp làm thức ăn dẫn đến ô nhiễm môi trường, dịch bệnh bùng phát và không ổn định, thị trường tiêu thụ hẹp nên hiệu quả nuôi vẫn chưa cao. Do vậy, để nghề nuôi cá biển phát triển bền vững, đạt được năng suất cao và ổn định thì song song việc mở rộng thị trường và nghiên cứu phát triển sản xuất thức ăn công nghiệp thay thế cho cá tạp; nhất thiết phải tập trung nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về lượng và chất các loại sản phẩm của thị trường.
Thực tế cho thấy, khi phát triển nuôi đại trà một số đối tượng thủy sản, sau thời gian đầu thuận lợi, nghề nuôi đối tượng đó dần phải đối mặt với những thách thức mới như dịch bệnh, cạnh tranh gay gắt trên thị trường về chất lượng, giá cả và cả chủng loại sản phẩm,... làm người nuôi và người kinh doanh thủy sản bị thua lỗ. Do đó, bên cạnh việc đầu tư phát triển các đối tượng hiện có, việc thúc đẩy nghiên cứu các đối tượng mới để hạn chế tác hại từ dịch bệnh, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sự đa dạng chủng loại sản phẩm và giảm thiểu những rủi ro từ thị trường là hết sức cần thiết.
Trước đòi hỏi đó của thực tiễn; tháng 1/2013, Bộ Khoa học & Công nghệ đã giao cho Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III cùng với Chủ nhiệm đề tài Võ Thế Dũng thực hiện đề tài: “Khai thác và phát triển nguồn gen cá mặt quỷ (Synnanceia verrucosa Bloch & Schneider, 1801)”. Với mục tiêu “đánh giá giá trị nguồn gen, tạo đàn cá bố mẹ, xây dựng được quy trình sản xuát giống, nhằm khai thác, phát triển nguồn gen cá mặt quỷ phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản”.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
1. Thịt cá có chất lượng cao với hàm lượng protein, lipid, các acid béo và acid amin đều cao, trong đó có 8 loại Acid amin không thay thế đối với con người.
- Sản lượng cá hiện không còn nhiều.
- Cá có 2 mùa sinh sản trong năm, mùa chính từ tháng 2 - 4, mùa phụ vào tháng 10-11. Tỷ lệ đực cái thường nhỏ hơn 1.
2. Có thể nuôi vỗ cá bố mẹ trong hệ thống nước chảy hay hệ thống nước tĩnh; Kết hợp các loại thức ăn cá sống, tôm sống và mực tươi cho tỷ lệ thành thục sinh dục và tỷ lệ sống tốt nhất trong việc nuôi vỗ cá mặt quỷ.
3. Kích thích sinh sản bằng 50µg LHRHa/kg + 5mg DOM/kg cá cái và 25µg LHRHa/kg + 2,5mg DOM/kg cá đực.
- Ngưỡng nhiệt độ: Nhiệt độ giảm đến 13 độ C, hoặc tăng đến 37 độ C, khoảng 50% số cá chết; Nhiệt độ giảm đến 11 độ C, hoặc tăng đến 39 độ C, toàn bộ số cá chết.
- Ngưỡng độ mặn: Độ mặn giảm đến 6‰, hoặc tăng đến 49‰, khoảng 50% số cá chết.
- Ngưỡng oxy: Ôxy hòa tan giảm đến 2,3 mg/L khoảng 50% số cá chết, giảm xuống đến 2,0 mg/L toàn bộ số cá chết.
- Rotifer kết hợp Copepod là thức ăn thích hợp để ương nuôi ấu trùng trong thời gian đầu.
- Nước xanh là môi trường thích hợp để ương nuôi ấu trùng.
- Mật độ ấu trùng 30 cá thể/L cho tỷ lệ sống và sinh trưởng tốt nhất. Mật độ ương cá hương thành cá giống chỉ nên giảm xuống dưới 70 con/m2 .
- Trong các loại chất đáy được sử dụng để làm thí nghiệm, đáy cát pha sỏi là phù hợp nhất để ương cá hương lên cá giống.
4. Có thể nuôi cá mặt quỷ thương phẩm trong ao đất, tuy nhiên, thời gian nuôi dài, vì thế mức độ rủi ro cao.
- Điều kiện môi trường ao nuôi thương phẩm thay đổi lớn: Nhiệt độ của nước tại các ao từ 26,0 độ C đến 32,1 độ C; Độ mặn dao động nhiều từ 18,0‰ đến 34,2‰; pH từ 6,9 - 8,4; Oxy hòa tan: 4,0 - 6,9 mg/l.
5. Tiêu chuẩn cơ sở cá bố mẹ và cá giống đáp ứng yêu cầu để sử dụng cho việc lựa chọn cá bố mẹ để sản xuất giống, và chọn cá giống nuôi thương phẩm.
6. Ký sinh trùng, vi khuẩn và nấm là các bệnh khá phổ biến ở cá mặt quỷ. Các biện pháp phòng trị được sử dụng bước đầu cho thấy có hiệu quả.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15243/2018) tại Cục Thông tin KH&CNQG
Đ.T.V (NASATI)
thực tiễn, khoa học, công nghệ, nghiên cứu, thủy sản, chủ nhiệm, thực hiện, khai thác, phát triển