Khai thác và phát triển nguồn gen chè Trung Du búp tím ở khu vực phía Bắc Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ năm - 21/01/2021 02:31 Cỡ chữ
Nghiên cứu đa dạng di truyền có vai trò ý nghĩa hết sức quan trọng trong công nghệ sinh học nông nghiệp, từ những kết quả đánh giá đa dạng di truyền, các nhà khoa học có thể quy hoạch và bảo tồn các nguồn gen quý nhằm duy trì đa dạng sinh học hoặc hỗ trợ quá trình lai - chọn tạo giống thông qua chọn lựa các cặp bố mẹ trong các phép lai nhằm thu được ưu thế lai cao nhất. Trên nhiều đối tượng thực vật, nghiên cứu đa dạng di truyền là vấn đề rất được quan tâm hiện nay, gìn giữ và bảo tồn đa dạng sinh học là mục tiêu sống còn trong việc duy trì cân bằng sinh thái, đảm bảo môi sinh của các sinh vật trên trái đất, trong đó có con người.
Giống Trung Du: thuộc thứ chè Trung Quốc lá to (Camellia sinensis var. Macrophilla), đây là giống trồng hạt chiếm diện tích đa số trong các vườn chè của nông dân ở vùng Trung Du và vùng đồi thấp, chúng mang các tên giống địa phương như Trung Du Phú Thọ, Tân Cương, Gay, Hoóc môn hoặc người ta gọi theo màu sắc lá như Trung Du xanh, Trung Du vàng, Trung Du tím v.v... Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Chè (nay là Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc), giống Trung Du chiếm tới 40% diện tích các điểm điều tra.
Đặc điểm giống Trung Du thuộc loại hình thân gỗ nhỡ, có thân chính rõ rệt, chiều cao phân cành thấp, lá to trung bình, chiều dài lá từ 12-14 cm, chiều rộng lá 5-7 cm, khối lượng của búp là 0,7- 0,78 gam/búp. Do trồng bằng hạt thường không được chọn lọc nên quần thể cây trồng rất lẫn tạp, năng suất thấp (bình quân chỉ đạt 5 - 6 tấn/ha). Chất lượng của búp thuộc loại khá, thích hợp để chế biến chè xanh, chè đen, hàm lượng tanin của giống Trung Du đạt trên 26,30%, chất hòa tan 51,40% và có khả năng chống chịu sâu bệnh, hạn hán khá tốt, có tính thích ứng cao và khá rộng với các vùng chè.
Chè Trung Du búp tím do chủ yếu được trồng bằng hạt nên xuất hiện nhiều cá thể con lai làm cho quần thể nương chè không đồng đều và năng suất chưa cao, chất lượng búp chè chưa ổn định. Vì thế yêu cầu tuyển chọn giống chè Trung du và nhân giống vô tính là cần thiết khi mở rộng diện tích giống chè này trong sản xuất và công tác nghiên cứu chọn tạo giống chè, ngay từ những năm 1922 ở Phú Hộ, Du Pasquier đã so sánh giống chè Assam và Manipur để chọn ra ngoại hình lý tưởng làm vườn nhân giống.
Đối với cây chè Trung Du, hàng năm công tác nghiên cứu về điều tra, khảo sát, thu thập giống cả nước của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đều được tiến hành. Các nghiên cứu về điều tra và tuyển chọn cây chè Trung Du đầu dòng ưu tú ở các tỉnh, hiện nay vẫn tiếp tục được theo dõi, đánh giá và bảo tồn.
Diện tích giống chè Trung Du khoảng trên 12.000 ha, tập trung tại xã Thái Ninh, huyện Thanh Ba…. tỉnh Phú Thọ và tại Tân Cương, Đại Từ, Đồng Hỷ… của tỉnh Thái Nguyên,…. Quần thể giống chè Trung Du búp tím do chủ yếu được trồng bằng hạt, nên có sự phân ly dẫn đến năng suất và chất lượng chưa ổn định. Hiện nay, sản phẩm chè Trung Du búp tím có đặc điểm riêng, lá chè nhỏ, mỏng, thuôn dài, lá và búp màu tím, mặt trên của lá tím nhạt sau chuyển thành xanh, mặt dưới tím đậm, vì thế có tên là chè búp tím, và có giá bán gấp từ 1,5 - 2 lần so với các sản phẩm chè khác của tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên. Tuy nhiên, hiện trạng canh tác và chế biến của người dân tại địa phương vẫn tập trung sản xuất theo phương thức thủ công, quy mô nhỏ, sản phẩm chưa có tính hàng hóa cao.
Giống chè Trung Du là giống chè quần thể địa phương có nhiều ưu điểm như có tính thích ứng cao vùng Trung Du trong điều kiện biến đổi khí hậu; có chất lượng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu đa dạng sản phẩm chè (dược thảo, mỹ phẩm) có đa dạng hình thái thuận lợi cho khai thác trong sử dụng vật liệu lại tạo hay chọn lọc giống mới; chè Trung Du chưa được nghiên cứu tuyển chọn những cây đầu dòng để bảo tồn và phát triển.
Do vậy, để khai thác có hiệu quả và mở rộng diện tích, phát triển bền vững cây chè Trung Du búp tím là việc làm cấp bách. Cùng với nghiên cứu tuyển chọn cây chè Trung Du búp tím đầu dòng bổ sung có nguồn gen địa phương, công tác phát triển nguồn gen cây chè Trung Du búp tím nhằm nâng cao giá trị nguồn gen cây trồng bản địa, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Trung Du búp tím. Phát triển cây chè Trung Du búp tím góp phần nâng cao thu nhập, tác động đến chính sách phát triển kinh tế vùng Trung du miền núi phía Bắc. Xuất phát từ những vấn đề trên, nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Dương Trung Dũng thực hiện nhiệm vụ: “Khai thác và phát triển nguồn gen chè Trung Du búp tím ở khu vực phía Bắc Việt Nam”.
Nghiên cứu đánh giá, bổ sung các đặc điểm di truyền và nông sinh học của giống chè Trung du búp tím. Nguồn gen cây chè Trung du búp tím tập trung nhiều nhất ở xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, huyện Đồng Hỷ, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên - Xã Thái Ninh, Hanh Cù - huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Đánh giá 30 cây chè Trung du búp tím có các đặc điểm ưu việt về đặc điểm sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng.
Nhiệm vụ đã xác định được 10 cây chè Trung du búp tím đầu dòng (05 cây chè đầu dòng tại Phú Thọ và 05 cây chè đầu dòng tại Thái Nguyên) chất lượng tốt, khi thử nếm cảm quan đạt loại khá, khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh khá.
Kỹ thuật nhân giống vô tính: Nhân giống vào tháng 12 cho tỷ lệ sống đạt trên 95%, giâm hom ở mật độ 200 bầu/m2 có tỷ lệ xuất vườn cao nhất đạt 86,4%. Lượng phân bón 165g NPK/m2 bầu (70g đạm sunfat, 36g supe lân, 59g Kalisunfat), phân loại 6 tháng sau khi giâm cành. Chiều cao cây chè giống tốt nhất chè Trung du búp tím là cây chè có chiều cao > 25 cm và có 6 - 8 lá thật.
Kỹ thuật trồng trọt, thâm canh và chế biến chè Trung du búp tím - Kỹ thuật trồng và chăm sóc: Thời vụ trồng tháng 9 - 10 là thích hợp nhất đối với giống chè Trung du búp tím khi trồng tại Phú Thọ và Thái Nguyên. Kỹ thuật đốn chè ở các công thức thí nghiệm mặc dù đã có sự sai khác nhưng chưa thể hiện rõ.
- Kỹ thuật thâm canh chè Trung du búp tím: Bón 30 tấn phân chuồng + NPK (3:1:2), có bổ sung 75 kg MgSO4/ha và hái chè vụ xuân chừa 3 lá tạo tán phẳng, tháng 5, tháng 7 sửa tán hái chè 2 - 3 lá non có chất lượng nguyên liệu búp tốt nhất và điểm thử nếm cao nhất. Tủ gốc giữ ẩm dày 10 cm bằng tế guột cho năng suất cao nhất đạt 6,7 tấn/ha và điểm thử nếm cao nhất đạt trên 16 điểm xếp loại khá. Che phủ 70% trước khi hái 10 ngày cho chất lượng sản phẩm chè Trung du búp tím tốt nhất.
- Kỹ thuật chế biến chè xanh từ nguyên liệu giống chè Trung du búp tím: diệt men với nhiệt độ: sao 3 kg/mẻ trong thời gian 3,5 phút, nhiệt độ 240-260 độ C, vò chè nguyên liệu đến 30%, làm khô sấy ở nhiệt độ 100 độ C đến thủy phần 20 - 25%, sau đó sao ở nhiệt độ thùng sao 110 - 120 độ C đến độ ẩm chè 3 - 3,5%.
- Tiêu chuẩn cây đầu dòng: có hàm lượng tanin < 30%, chất hòa tan 40,52 – 45,39%, hàm lượng axit amin trên 1,8%. Tiêu chuẩn cây giống chè Trung du búp tím: sau 10 - 12 tháng, chiều cao cây > 25 cm, đường kính thân > 0,3 cm, có 6 - 8 lá, thân hóa nâu > 2/3 chiều dài. Tiêu chuẩn sản phẩm chè Trung du búp tím: về ngoại hình (nhỏ xoăn, xanh đen và sóng cánh), màu nước (vàng xanh, trong sáng), hương thơm, đặc trưng nhẹ, vị chát dịu và có hậu.
- Vườn ươm nhân giống 0,2 ha (4 vạn bầu): cây chè sinh trưởng phát triển tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh khá, tỷ lệ xuất vườn đạt >80%, cây cao >25 cm, đường kính thân > 0,3 cm, có 6 - 8 lá thật, thân hóa nâu > 2/3 chiều dài.
- Vườn mô hình trồng thương phẩm (2 ha): Mô hình sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống sau trồng đạt trên 90%, năng suất chè tuổi 2 đạt 1,43 - 1,52 tấn/ha.
- Đã chế biến được 400 kg chè Trung du búp tím, các mẫu sản phẩm chè đều đạt tiêu chuẩn chè TCVN 3218 - 2012.
- Đã đào tạo được 600 người về kỹ thuật nhân, trồng, chăm sóc, thâm canh và chế biến chè Trung du búp tím.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15831/2018) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)