Khai thác và phát triển nguồn gen gà Tai đỏ
Cập nhật vào: Thứ sáu - 28/05/2021 02:34 Cỡ chữ
Các giống gà bản địa Việt Nam có chất lượng thịt, trứng thơm ngon, khả năng tự kiếm mồi tốt, thích ứng với điều kiện chăn thả của các vùng sinh thái khác nhau, tuy nhiên do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên việc chọn lọc, cải tiến, nhân thuần nâng cao năng suất, chất lượng các giống gà bản địa để thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn càng đóng vai trò quan trọng. Gà Tai đỏ (Gallus gallus spadiceus) thuộc một trong 3 giống gà rừng hiện có tại Việt Nam được thuần hóa từ lâu đời và đã trở thành vật nuôi thông thường. Đây là nguồn gen vật nuôi quý, đặc hữu, có giá trị kinh tế cao và đã được Viện Chăn nuôi đưa vào bảo tồn, lưu giữ nguồn gen vật nuôi quốc gia. Mặc dù đã có một số nghiên cứu về gà Tai đỏ nhưng các nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở việc theo dõi, đánh giá một số chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, mặt khác các đàn gà này vẫn được nuôi giữ trong nông hộ, do điều kiện kinh tế và trình độ kỹ thuật còn nhiều hạn chế, nên năng suất không ổn định, ngoại hình chưa thuần nhất. Nhận thấy giá trị của gà Tai đỏ, nhóm nghiên cứu do ông Hoàng Xuân Thủy, Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật đứng đầu đã đề xuất và được phê duyệt nhiệm vụ cấp Nhà nước: “Khai thác và phát triển nguồn gen gà Tai đỏ” để xây dựng và triển khai công tác bảo tồn nguồn gen gà Tai đỏ nhằm từng bước bảo tồn, phát triển và khai thác hợp lý các giá trị kinh tế mà gà Tai đỏ mang lại.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, nhóm nghiên cứu thu được các kết quả như sau:
1. Kết quả điều tra 50 hộ chăn nuôi tại 3 xã cho thấy gà Tai đỏ chiếm 18,56% trong tổng đàn gà điều tra với phương thức nuôi chủ yếu là nuôi nhốt (88%) và nuôi bán chăn thả chiếm tỷ lệ thấp (12%). Thức ăn hỗn hợp dạng viên hoặc thức ăn đậm đặc phối trộn với ngô và cám gạo (thóc) chiếm 36,0% và 64,0% tự chế thức ăn hoặc sử dụng thức ăn đơn điệu trong chăn nuôi gà Tai đỏ. 74% các hộ tự tiêm phòng các loại vacxin, chỉ 26% hộ chăn nuôi phòng bệnh vacxin theo lịch quản lý thú y của xã. Con gà giống lúc 01 ngày tuổi có giá bán rất cao từ 150.000 – 200.000 đồng/con.
2. Đã phân tích ADN giống gà Tai đỏ có tính đa dạng di truyền cao thể hiện ở tần số dị hợp tử các locus gen phân tích (0,71) và hệ số cận huyết thấp (0,07). Tính đa dạng di truyền ở gà Tai đỏ thậm chí cao hơn so với một số giống gà bản địa khác như: gà Đông Tảo, Mía, Ri, Tàu vàng và nhiều Cựa.
3. Đã tuyển chọn được đàn hạt nhân gà Tai đỏ với quy mô 200 mái. Qua 2 thế hệ theo dõi trên đàn hạt nhân cho thấy gà Tai đỏ có màu lông và đặc điểm ngoại 38 hình đồng nhất mang đặc trưng của giống. Lúc 01 ngày tuổi có mỏ và chân màu xám chì và vạch nâu vàng viền đen chạy dọc cơ thể. Đến 32 tuần tuổi, con trống có mào màu đỏ cờ, viền cổ lông kiếm màu đỏ lửa, lưng cánh màu đỏ thẫm. Lông đuôi dài màu đen, phần gốc đuôi có túm lông màu trắng. Con mái có viền cổ lông màu vàng nhạt, điểm những nốt màu nâu hình hạt dưa. Lông đuôi ngắn màu đen. Khối lượng của gà Tai đỏ chọn lọc lúc 8 tuần tuổi gà trống có khối lượng 341,80g và gà mái là 262,01g. Năng suất trứng/mái/năm đạt 23,27 quả tại năm đẻ 1 và 27,01 quả tại năm đẻ 2. Tỷ lệ trứng có phôi của gà Tai đỏ là 85,14%; tỷ lệ nở/trứng có phôi 90,79%.
4. Đã xây dựng được đàn sản xuất gà Tai đỏ với quy mô 300 mái. Kết quả theo dõi trên đàn sản xuất gà Tai đỏ cho thấy lúc 8 tuần tuổi gà trống có khối lượng 302,50g; gà mái có khối lượng 266,67g. Năng suất trứng của đàn sản xuất gà Tai đỏ đạt 23,57 quả. Tỷ lệ trứng có phôi đạt 81,36%; tỷ lệ nở/trứng có phôi 89,14%.
5. Đã xác định được phương thức nuôi đối với gà Tai đỏ sinh sản nuôi theo phương thức nuôi nhốt 5 mái và 1 trống là phù hợp. Đối với gà Tai đỏ nuôi thương phẩm, phương thức nuôi trong chuồng nhốt có sân chơi là phù hợp.
- Đã xác định được mức năng lượng và tỷ lệ protein thích hợp trong khẩu phần nuôi gà Tai đỏ sinh sản và thương phẩm:
+ Đối với gà Tai đỏ nuôi sinh sản giai đoạn 0-8; 9-32 và giai đoạn đẻ lần lượt như sau: protein thô 24, 19 và 21%; tương ứng ME là: 2950; 2900 và 2850 kcal/kg thức ăn.
+ Đối với gà Tai đỏ nuôi thương phẩm giai đoạn 0-8 và 9-16 tuần tuổi lần lượt như sau: protein thô 22 và 20%; mức ME (kcal) là 2900 và 3000 Kcal/kg thức ăn.
6. Đã xây dựng đàn thương phẩm gà Tai đỏ với quy mô 500 con có tỷ lệ nuôi sống đạt 86,80%; khối lượng cơ thể lúc 20 tuần tuổi trung bình đạt 863,17 g/con; tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng cơ thể 6,43 kg và đem lại nguồn thu nhập 39,29 triệu đồng, đây là nguồn thu nhập đáng kể cho người chăn nuôi. Kết quả mổ khảo sát cho thấy gà Tai đỏ khối lượng giết thịt thấp nhưng năng suất thịt cao hơn hầu hết các giống giống gà bản địa của nước ta. Gà Tai đỏ mái và trống có khối lượng sống, tỷ lệ 39 thân thịt, tỷ lệ thịt lườn, tỷ lệ thịt đùi lần lượt là 1008,33g và 713,33g; 79,22 và 78,93%; 22,41 và 23,08%; 21,57 và 19,48%. Hàm lượng vật chất khô của thịt lườn gà Tai đỏ trống và mái là 26,64 và 25,84%; tỷ lệ protein thô là 25,19 và 24,18%; tỷ lệ mỡ thô là 0,37 và 0,28%; trong khi đó các chỉ tiêu này đối với thịt đùi tương ứng là 24,90 và 23,93%; 22,34 và 21,49%; 0,94 và 0,90%.
Từ các kết quả thu được, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được 01 tiêu chuẩn cơ sở cho đàn hạt nhân, đàn sản xuất và đàn thương phẩm gà Tai đỏ; 01 quy trình chọn đàn hạt nhân cho giống gà Tai đỏ; 02 quy trình chăm sóc nuôi dưỡng trong chăn nuôi gà Tai đỏ sinh sản và thương phẩm; 02 quy trình thú y cho gà Tai đỏ sinh sản và thương phẩm. Các kết quả này đã được đăng trên Tạp chí Khoa học Công nghệ chăn nuôi và Tạp chí Khoa học Kỹ thuật chăn nuôi.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15536/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)