Lưu giữ và bảo tồn nguồn gen cây nguyên liệu giấy
Cập nhật vào: Thứ tư - 05/05/2021 04:23 Cỡ chữ
Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có đa dạng sinh học cao của thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật và nguồn gen phong phú, đặc hữu. Đến nay Việt Nam đã xác định được khoảng 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước, trong đó thực vật có 13.766 loài 11.373 loài thực vật bậc cao và 2.393 loài thực vật bậc thấp, trong số các loài thực vật thì 10% là các loài cây bản địa, đặc hữu, quý hiếm; nhiều loài có giá trị sự dụng cao dùng làm Thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thức ăn gia súc, lấy gỗ và nhiều loài cây trồng khác. Việt Nam cũng là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới, được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về sự đa dạng tài nguyên sinh vật, tài nguyên di truyền, là nơi có nguồn gen cây trồng và vật nuôi địa phương đa dạng của thế giới. Tuy vậy, sự đa dạng tài nguyên thực vật nói trên đang bị đe dọa nghiêm trọng do hậu quả của chiến tranh, của việc khai thác bừa bãi và thiếu ý thức, do thiên tai, do thói quen canh tác lạc hậu, do sự gia tăng dân số kèm theo quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại khắp các vùng trong cả nước, đặc biệt là sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng mà Việt Nam trở thành 1 trong số 5 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Bên cạnh đó, bối cảnh toàn cầu cũng đặt ra những thách thức và những cơ hội mới. Mức độ biến đổi khí hậu trở nên nghiêm trọng hơn và ngày càng tác động tiêu cực đến tài nguyên di truyền.
Bảo tồn nguồn gen cây rừng nói chung, cây nguyên liệu giấy nói riêng là phương thức lưu giữ các nguồn gen cây rừng phong phú và đa dạng hiện có, làm nền tảng cho công tác giống cây rừng ở nước ta. Nhằm bảo tồn nguồn gen cây nguyên liệu giấy để duy trì tính đa dạng di truyền cần thiết, tạo lập một nền tảng di truyền đủ lớn phục vụ cho công tác giống trước mắt và lâu dài, góp phần tăng năng suất theo mục tiêu kinh tế và tăng tính chống chịu của chúng với các điều kiện bất lợi, nhóm nghiên cứu do KS Triệu Hoàng Sơn, Viện nghiên cứu cây nguyên liệu giấy đứng đầu đã thực hiện đề tài: “Lưu giữ và bảo tồn nguồn gen cây nguyên liệu giấy”.
Sau một thời gian triển khai, nhóm đề tài đã hoàn thành đầy đủ các nội dung, sản phẩm theo Hợp đồng và đề cương đã ký. Cụ thể:
- Lưu giữ và bảo tồn an toàn 226 mẫu giống cây nguyên liệu giấy dưới hình thức bảo tồn field gene bank. Chăm sóc, quản lý và bảo vệ an toàn 8ha rừng bảo tồn đã trồng tại các địa điểm bảo tồn và lưu giữ nguồn gen. Chăm sóc, quản lý, bảo vệ tốt 5000m2 vườn trồng cây mẹ của các nguồn gen cây nguyên liệu giấy.
- Đã đánh giá tỷ lệ sống, sinh trưởng và phát triển các nguồn gen trồng ở các địa điểm. Từ kết quả đánh giá, các nguồn gen khẳng định được tính ưu việt về sinh trưởng chủ yếu là Bạch đàn, gồm có: CT4, CTIV, PN10, PN47, CT3 Eu16, GR3, PN7, PN3d, PN46A, E13, các nguồn gen mới TTKT7, F107, F104, NC3 và QY23.
- Lưu giữ và bảo tồn an toàn 37 giống bạch đàn và keo dưới hình thức bảo tồn In–vitro. Duy trì, phục tráng 37 mẫu giống trong môi trường nuôi cấy mô, mỗi mẫu có từ 05-22 bình, cây giống của các mẫu sinh trưởng tốt và không bị nấm bệnh.
- Lưu giữ và bảo tồn an toàn 15 mẫu hạt giống của 09 cây trội Keo tai tượng xuất xứ từ rừng giống Hà Giang. Các mẫu hạt giống được bảo quản an toàn và đảm bảo theo tiêu chu n cơ sở.
- Đã trồng bổ sung 1 ha rừng bảo tồn và lưu giữ nguồn gen cây nguyên liệu giấy tại 02 địa điểm, mỗi địa điểm 0,5ha cho 25 nguồn gen (Bạch đàn 21 dòng, Keo lai 4 dòng, trong đó có 11 nguồn gen bạch đàn mới lựa chọn. Các nguồn gen mới trồng tương đối phù hợp với nơi trồng, có tỷ lệ sống cao, sinh trưởng tốt và không bị sâu bệnh hại.
Có thể thấy, bảo tồn nguồn gen cây rừng nói chung, cây nguyên liệu giấy nói riêng là phương thức lưu giữ các nguồn gen cây rừng phong phú và đa dạng hiện có, làm nền tảng cho công tác giống cây rừng ở nước ta. Vì thế, nó vừa phục vụ cho công tác giống vừa gắn liền với việc cung cấp giống trước mắt và lâu dài, đồng thời thiết thực phục vụ các chương trình trồng rừng trong nước và trao đổi giống Quốc tế. Mặt khác, các hoạt động về cải thiện giống và cung cấp giống llàm phong phú thêm hoạt động bảo tồn nguồn gen cây rừng ở nước ta.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15767/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)