Một số kết quả triển khai dự án hợp tác đối tác đổi mới sáng tạo với Australia: hoàn thành dự thảo báo cáo tương lai nền kinh tế số của Việt Nam đến năm 2040
Cập nhật vào: Thứ tư - 02/01/2019 21:34 Cỡ chữ
Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam tuyên bố Đổi mới sáng tạo là một trụ cột mới trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, góp phần tăng cường quan hệ song phương. Điểm nhấn là Chương trình hỗ trợ phát triển trị giá 10 triệu Đôla Australia của Australia cho Việt Nam, Australia với các hoạt động mục tiêu nhằm thúc đẩy tiềm năng đổi mới sáng tạo và tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam được thông qua vào tháng 3 năm 2018 vừa qua. Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam và Đại sứ Australia tại Việt Nam đồng chủ trì chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo thông qua việc đảm bảo triển khai chương trình phù hợp với nghị trình về đổi mới sáng tạo của chính phủ, thúc đẩy các cơ hội kinh doanh và giám sát các khoản viện trợ đầu tư của chương trình để hỗ trợ hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Hoạt động đầu tiên của chương trình này là đưa các chuyên gia Australia, thông qua Mạng lưới nghiên cứu số Data 61 của Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp liên bang Australia (CSIRO), tới hợp tác với Chính phủ Việt Nam, thông qua Bộ KH&CN, trong việc triển khai dự án Dự án Tương lai nền kinh tế số Việt Nam nhằm đưa ra dự báo chiến lược về phát triển kinh tế số của Việt Nam trong 20 năm tới.
Trong thời gian qua, nhóm công tác của Bộ KH&CN do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ làm đầu mối đã tích cực phối hợp với các chuyên gia của Data61 triển khai dự án trong đó tập trung vào các mục tiêu chính: áp dụng kĩ thuật, dự báo chiến lược, xây dựng bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế số; nghiên cứu chuyên sâu tác động của kĩ thuật số đối với ngành công nghiệp chế tạo và nông nghiệp của Việt Nam, từ đó đưa ra các kiến nghị, chính sách và chiến lược nhằm tận dụng những lợi thế do kinh tế số đem lại và đạt được các mục tiêu về phát triển thu nhập việc làm và chất lượng cuộc sống, thu hút sự tham gia đông đảo các bên liên quan cũng như tư vấn của các chuyên gia và tăng cường năng lực dự báo chiến lược của các bên có liên quan tại Úc và Việt Nam.
Trước tiên, dự án đánh giá tình hình kinh tế và nền kinh tế số của Việt Nam năm 2019 - tập trung vào ngành nông nghiệp và sản xuất, chế tạo của Việt Nam, và sau đó tìm ra các xu hướng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển đến năm 2040. Dự án sẽ khảo sát các mức độ chuyển đổi số sẽ tạo ra bốn kịch bản tương lai có thể và hợp lý cho nền kinh tế số của Việt Nam.
Bảy xu thế chủ đạo dự kiến sẽ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số của Việt Nam trong tương lai, phác hoạ nên bốn kịch bản tương lai được đưa ra trong báo cáo này bao gồm:
- Công nghệ số mới nổi: Các công nghệ số mới nổi như blockchain, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn và Internet vạn vật có thể tạo bước nhảy vọt trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng ngành, đơn giản hóa chuỗi cung ứng và hậu cần và giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
- Một thế giới thu nhỏ - quốc tế hóa: Nền kinh tế số vừa hưởng lợi từ hội nhập quốc tế vừa thúc đẩy ngược trở lại quá trình quốc tế hóa bằng việc mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam sang các thị trường xuất khẩu mới, trao đổi kiến thức và kỹ năng cũng như đẩy mạnh đầu tư nước ngoài.
- Tăng cường tập trung vào an ninh mạng và bảo mật cá nhân: Hiện tại Việt Nam đang tụt hậu so với các quốc gia khác về năng lực an ninh mạng, tuy nhiên một sự tập trung mới có thể giúp hiện đại hóa hệ thống, tăng cường niềm tin vào các mạng và cải thiện môi trường đầu tư cho các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) cũng như ngành công nghiệp Việt Nam nói chung.
- Sạch hơn, xanh hơn, địa phương hoá, ăng lượng và cơ sở hạ tầng phục vụ cho mạng lưới số: Một nền kinh tế số mạnh đòi hỏi cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và nguồn năng lượng đáng tin cậy, đặc biệt là cho các công nghệ cần nhiều năng lượng như blockchain và phát trực tuyến video. Nền kinh tế số cũng tạo cơ hội cho việc sử dụng năng lượng sạch hơn, hiệu quả hơn. Các mạng lưới viễn thông cũng cần được đảm bảo có băng thông rộng để truyền tải khối lượng dữ liệu lớn cho những ứng dụng mới.
- Thành phố thông minh: Ở một quốc gia đang đô thị hoá nhanh, các thành phố thông minh và nền kinh tế chia sẻ đem lại cơ hội sử dụng cơ sở hạ tầng và tài nguyên hiệu quả hơn, cũng như giảm rác thải, ô nhiễm và tắc nghẽn.
- Sự gia tăng về kĩ năng, dịch vụ và doanh nghiệp số, nền kinh tế việc làm tự do: nhu cầu trong khu vực dịch vụ cũng như các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số ngày càng tăng cho thấy cần phải đầu tư thêm nữa vào giáo dục đại học, phát triển các kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Các nền tảng và xu hướng không sử dụng các công việc mang tính ổn định lâu dài cũng đang thúc đẩy việc sử dụng các nền tảng giao dịch việc làm và sản phẩm để tạo thu nhập và tạo ra các con đường sáng tạo cho việc chuyển đổi công nghiệp trên thị trường lao động.
- Chất lượng, công bằng, nhân đạo, cá nhân hoá - sự gia tăng của các thị trường dựa trên giá trị: Sự tăng trưởng nhanh chóng của khu vực Châu Á Thái Bình Dương đang tạo ra một làn sóng mới nổi của tầng lớp trung lưu và thay đổi thị trường tiêu dùng thông qua tăng sức mua và định hướng đối với hàng hóa và dịch vụ có giá trị cao. Nền kinh tế số có thể cung cấp hàng hóa và dịch vụ có giá trị cao hơn cho người tiêu dùng và giúp đảm bảo xuất xứ thông qua các công nghệ mới hơn như blockchain.
- Tiếp theo đó, nhóm thực hiện dự án đã xây dựng 4 kịch bản gồm: Kịch bản 1 - lạc hậu: Là nền kinh tế chuyển đổi số chậm và năng suất lao động trì trệ; Kịch bản 2 - nền kinh tế đã chuyển đổi số: Gia tăng ứng dụng công nghệ số và phát triển ngành CNTT, gia tăng năng suất lao động ở khắp các ngành; Kịch bản 3 - nhà xuất khẩu số: ngành ICT Việt Nam phát triển dựa vào hoạt động thuê ngoài cho các quốc gia khác, tuy nhiên sự áp dụng các công nghệ số nội bộ ở khắp các ngành còn thấp; Kịch bản 4 - nhà tiêu dùng số: ngành công nghiệp của Việt Nam sử dụng các sản phẩm và dịch vụ CNTT-TT từ các quốc gia khác, cải thiện năng suất trong tất cả các ngành.
Các kịch bản này sẽ là công cụ hỗ trợ quá trình hoạch định chính sách của Chính phủ Việt Nam trong dài hạn, ảnh hưởng tới lĩnh vực khoa học, phát triển ngành và đổi mới của Việt Nam. Những chính sách này sẽ giúp Việt Nam vững vàng hơn trước những thay đổi lớn.
Ngoài ra, các kịch bản được đưa ra trong báo cáo này nêu bật một số vấn đề trọng tâm giúp cho Việt Nam tránh khỏi những rủi ro quan trọng và tập trung vào những vấn đề có tác động lớn trong quá trình chuyển đổi này.
Các xu thế được xác định trong báo cáo này cung cấp những viễn cảnh có cơ sở về những thay đổi trong tương lai và các kịch bản được thiết kế như một gợi ý để suy nghĩ thêm về các kì vọng, cho phép lập ra các kế hoạch dự phòng sau này.
Để giảm thiểu các rủi ro và phát triển nền kinh tế số ở tất cả các kịch bản, một số hành động và khuyến nghị về đầu tư, pháp lý và cải cách đã được đề xuất, sắp xếp theo sáu vấn đề trên. Qua việc khảo sát các cơ hội, rủi ro và kết quả tiềm năng, báo cáo cho thấy các tín hiệu tích cực về sự tập trung của Việt Nam bây giờ vào Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), sự phát triển của khối ngành CNTT&TT và những cải cách kinh tế và xã hội mang tính toàn bộ sẽ vẫn đưa Việt nam theo xu hướng ổn định và thịnh vượng trong vòng 20 năm tới.
Hiện nay, dự thảo báo đang được tiến hành xin ý kiến các chuyên gia trong và ngoài bộ để hoàn thiện bản báo cáo trong đó tập trung vào phần đề xuất khung chính sách đối với từng kịch bản được đưa ra. Sau đó, báo cáo sẽ được công bố trong tháng 3 năm 2019 và làm cơ sở để triển khai cho các hoạt động tiếp theo của dự án AUS4innovation trong thời gian tới.
Nguồn: Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ