Nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế công nghệ chế tạo và ứng dụng vật liệu xúc tác dị thể và vật liệu nano trong lĩnh vực lọc dầu sinh học, sản xuất năng lượng mới vì sự phát triển bền vững
Cập nhật vào: Thứ tư - 27/10/2021 23:47 Cỡ chữ
Từ năm 2017 đến năm 2019, nhóm nghiên cứu của GS.TS. Vũ Thị Thu Hà tại Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc, hóa dầu thuộc Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam đã thực hiện tiểu dự án: “Nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế công nghệ chế tạo và ứng dụng vật liệu xúc tác dị thể và vật liệu nano trong lĩnh vực lọc dầu sinh học, sản xuất năng lượng mới vì sự phát triển bền vững”.
Mục tiêu của dự án là nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế công nghệ chế tạo và ứng dụng vật liệu xúc tác dị thể trong sản xuất dung môi sinh học và vật liệu nano trong sản xuất pin nhiên liệu sử dụng ethanol trực tiếp, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế, vì sự phát triển bền vững.
Sau hai năm nghiên cứu, tiểu dự án đã đạt được các kết quả chính sau đây:
- Đã ươm tạo thành công công nghệ chế tạo và ứng dụng vật liệu xúc tác dị thể trong sản xuất dung môi sinh học (DMSH), đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế, sản xuất và thương mại hóa thử nghiệm thành công một số sản phẩm mẫu DMSH và thiết lập được các hợp đồng liên kết triển khai công nghệ ở quy mô công nghiệp;
- Đã phát triển thành công công nghệ chế tạo và ứng dụng vật liệu nano trong sản xuất pin nhiên liệu sử dụng ethanol trực tiếp (DEFC), đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế, đảm bảo được tính khả thi trong hoạt động chuyển giao công nghệ thông qua bán quyền khai thác sở hữu trí tuệ trong thời gian tới;
- Đã thiết kế và làm chủ các công nghệ mở rộng khác liên quan đến xúc tác dị thể và quá trình lọc dầu sinh học, từ đó tạo ra được những dòng sản phẩm mở rộng của Tiểu dự án và đã được thương mại hóa thành công;
- Đã đầu tư mua sắm trang thiết bị để tạo cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế, phục vụ cho nghiên cứu, triển khai công nghệ và sản xuất sản phẩm của Tiểu dự án; đồng thời đã nâng cấp, duy tu trang thiết bị sẵn có để không những đáp ứng nhu cầu triển khai sản xuất thử nghiệm trong quá trình thực hiện Tiểu dự án mà còn đáp ứng nhu cầu mở rộng sản phẩm của Tiểu dự án trong lĩnh vực vật liệu mới;
Hệ thống các công nghệ/sản phẩm mới này đã tạo ra mảng công nghệ /sản phẩm đổi mới sáng tạo, bắt kịp xu hướng phát triển hiện đại của thế giới, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành công nghệ lọc dầu sinh học và sản xuất năng lượng mới, dựa trên các quá trình xúc tác dị thể tiên tiến và vật liệu nano.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16741/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)