Năng lực nghiên cứu trong ngành kinh tế và quản lý so với tổng thể lĩnh vực khoa học xã hội
Cập nhật vào: Thứ sáu - 10/11/2023 00:02 Cỡ chữ
Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng khoa học trong quá trình thay đổi chính sách giáo dục và phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa. Tuy nhiên, năng lực nghiên cứu của nhà khoa học ở mức độ cá nhân hay mức độ tập thể vẫn chưa có được sự quan tâm đúng mực. Một số nhà khoa học Việt Nam đã đánh giá năng lực nghiên cứu của cộng đồng khoa học Việt Nam ở cấp độ quốc gia. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đó chưa thể hiện được năng lực nghiên cứu của nhà khoa học ở góc độ cá nhân hay cấp độ nhóm nghiên cứu.
Từ thực tế trên, TS. Vương Quân Hoàng và nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học PHENIKAA đã thực hiện đề tài: “Năng lực nghiên cứu trong ngành kinh tế và quản lý so với tổng thể lĩnh vực khoa học xã hội: Phân tích và ý nghĩa đối với cộng đồng và những nhà hoạch định chính sách từ dữ liệu Scopus trong giai đoạn 2008-2018” từ năm 2018 đến năm 2021.
Đề tài nhằm: nghiên cứu về mối quan hệ giữa năng suất nghiên cứu và những yếu tố nhân khẩu học (như giới tính, tuổi tác, vùng miền) của những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế và quản lý (KT&QL), và so sánh với toàn bộ những nhà khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam; nghiên cứu mối quan hệ giữa năng suất nghiên cứu và những yếu tố cộng tác khoa học (như số lượng đồng tác giả, số lượng đồng tác giả quốc tế) của những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực KT&QL và so sánh với toàn bộ những nhà KHXH Việt Nam; so sánh những đặc tính chính của mạng lưới những nhà nghiên cứu Việt Nam trong lĩnh vực lĩnh vực KT&QL đối với toàn bộ những nhà KHXH Việt Nam; và so sánh mức độ bền vững của mạng lưới những nhà nghiên cứu Việt Nam trong lĩnh vực lĩnh vực KT&QL đối với toàn bộ những nhà KHXH Việt Nam
Thông qua phân tích, có thể thấy các nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực KHXH có năng suất khoa học không đồng đều. Năng suất công bố khoa học trung bình trong lĩnh vực KHXH rất khiêm tốn (chỉ 3,6 bài báo) và phần lớn các nhà khoa học có tổng số công bố thấp hơn mức trung bình, chỉ có số ít nhà khoa học có số lượng ấn phẩm khoa học vượt trội. Những yếu tố nhân khẩu học có tương quan mạnh mẽ đến năng lực công bố của nhà khoa học bao gồm: tuổi đời, tuổi nghề và vai trò dẫn dắt trong nghiên cứu. Một yếu tố quan trọng cần được cân nhắc là tác động của vùng miền đến năng suất công bố. Kết quả phân tích cho thấy phần lớn những nhà nghiên cứu KHXH đang công tác tại miền Bắc (58%), ngoài ra những nhà khoa học đang làm việc và sinh sống tại nước ngoài cũng đóng góp đáng kể trong số lượng công bố trong lĩnh vực KHXH. Thật đáng ngạc nhiên khi lĩnh vực KHXH Việt Nam ghi nhận sự bình đẳng trong giới tính. Những nhà khoa học nữ trong lĩnh vực KHXH có mức độ đóng góp là tương đương so với những nhà khoa học nam. Các nhà khoa học có năng suất khoa học cao nhất khi bước vào độ tuổi từ 40 cho đến 50. Tuy nhiên, trên thực tế các nhà khoa học trong lĩnh vực KHXH đều có năng suất khoa học tương đối thấp. Kết quả này thể hiện thực trạng non trẻ của lĩnh vực KHXH của Việt Nam và có lẽ còn thể hiện những hạn chế trong chính sách phát triển khoa học công nghệ tầm vĩ mô.
Hợp tác nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong năng suất nghiên cứu đặc biệt là hợp tác quốc tế. Các nhà khoa học Việt Nam chủ yếu hợp tác với các nhà khoa học đến từ những nước có nền khoa học phát triển như Australia, Vương quốc Anh hoặc Hoa Kỳ. Những năm gần đây (2017-2019) đã ghi nhận xu thế phát triển của hợp tác trong nước và đến năm 2019 CSDL ghi nhận số lượng các bài báo trong lĩnh vực KHXH chỉ bao gồm các tác giả Việt Nam đã cao hơn so với số lượng các bài báo hợp tác quốc tế. Điều này đã cho thấy nội lực nghiên cứu của lĩnh vực này đang được cải thiện. Nghiên cứu cũng ghi nhận sự phát triển của lĩnh vực Kinh tế khi có kết quả cân bằng trong cộng tác trong nước và ngoài nước cũng như có số lượng tác giả lớn nhất. Các lĩnh vực ghi nhận hoạt động cộng tác trong nước chiếm phần lớn mạng lưới hợp tác là Nhân khẩu học, Kinh tế, Nghiên cứu châu Á và Luật. Trong khi đó lĩnh vực Chăm sóc sức khỏe ghi nhận sự vượt trội trong hợp tác quốc tế. Kết quả cũng ghi nhận sự mở rộng trong mạng lưới hợp tác của các nhà khoa học. Nhìn chung, những nhóm tác giả có năng suất tốt nhất có mạng lưới hợp tác quốc tế chiếm phần lớn. Tuy nhiên khi phân tích năng suất tương đối của nhà khoa học dựa trên đóng góp của họ vào công bố, có thể thấy hợp tác quốc tế không mang lại năng suất cao nhất cho nhà khoa học Việt Nam. Nguyên nhân chính có lẽ là do trong các ấn phẩm cộng tác quốc tế, các tác giả hàng đầu thường không phải là các nhà khoa học đến từ Việt Nam.
Mạng lưới hợp tác của các nhà KHXH Việt Nam còn rất yếu và chưa xuất hiện những nhóm nghiên cứu lớn. Chủ yếu các nhà khoa học có rất ít các mối quan hệ hợp tác hoặc hầu như không có mối quan hệ hợp tác. Kết quả này được rút ra thông qua phân tích mạng lưới (network analysis) những nhà khoa học xã hội được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu của chúng tôi.
Kết quả phân tích tính bền vững của những nhóm nghiên cứu lớn nhất trong lĩnh vực KHXH của Việt Nam cho thấy mối quan hệ lỏng lẻo và có năng suất thấp đối với mạng lưới này. Những nhóm nghiên cứu có thời gian hoạt động tương đối ngắn hoặc chỉ là sự kết hợp mạng lưới tổng thể mạng lưới mà không phải là một nhóm nghiên cứu hợp tác lâu dài. Kết quả này cho thấy mặc dù KHXH Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây nhưng vẫn có nhiều vấn đề cần được giải quyết nhằm xây dựng một nền khoa học bền vững.
Kết quả nghiên cứu đăc biệt có giá trị khoa học và thực tiễn khi kết quả cho thấy mạng lưới các nhà khoa học xã hội tại Việt Nam vẫn còn yếu và chưa bền vững. Bằng việc sử dụng mô hình hồi quy, đề tài cho thấy sản lượng khoa học của các nhà khoa học trong lĩnh vực KHXH của Việt Nam chịu tác động mạnh bởi các yếu tố nhân khẩu học như độ tuổi, tuổi nghề, vùng miền. Mạng lưới cộng tác đặc biệt là cộng tác quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng quyết định năng suất công bố khoa học. Các kết quả cũng mô tả những đặc điểm của mạng lưới các nhà khoa học xã hội Việt Nam. Những kết quả này sẽ mang lại cơ sở cho một số chính sách nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH của Việt Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19090/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)