Nano tấm Pd/M (M = Au, Pt) mới lạ với tính chất quang và hoạt tính xúc tác cao
Cập nhật vào: Thứ năm - 10/03/2022 11:20 Cỡ chữ
Trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2019, TS. Trần Thị Bích Quyên cùng các cộng sự tại Trường Đại Học Cần Thơ đã thực hiện đề tài: “Nano tấm Pd/M (M = Au, Pt) mới lạ với tính chất quang và hoạt tính xúc tác cao”.
Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: Tổng hợp nano tấm mới lạ Pd/M (M = Au, Pt) nanosheets với cấu trúc lõi/vỏ (core/shell) và composite. Đồng thời, thử hoạt tính xúc tác và khảo sát khả năng tăng cường tính chất quang của vật liệu nano tấm Pd/M (M = Au, Pt); ứng dụng làm chất xúc tác (xúc tác fuel cells) cho sự oxi hóa của methanol bởi phương pháp điện hóa (CV) và là chất nền cho việc phát hiện chất màu bởi phương pháp Raman (SERS).
Sau hai năm nghiên cứu, đề tài đã tổng hợp thành công nano tấm mới lạ Pd@Au core/shell nanosheets và Pd/Pt nanotriangular nanocomposite; đồng thời, ứng dụng chúng cho sự phát hiện của các chất màu ở cấp độ nguyên tử và cho sự oxi hóa của methanol ứng dụng trong lĩnh vực xúc tác và y-sinh học. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế.
Phương pháp tổng hợp nhanh, đơn giản, thân thiện môi trường (không sử dụng khí CO cho quá trình tổng hợp nano tấm Pd như các công trình đã công bố trước đây), sử dụng nước ép hạnh và acid ascorbic như các tác nhân khử cho muối vàng (Au) và muối platin(Pt) trong quá trình tổng hợp dung dịch nano lõi/vỏ Pd@Au core/shell nanosheets và nano tấm Pd/Pt triangular nanocomposites. Những vật liệu nano tấm mới lạ Pd@Au và Pd/Pt định hướng ứng dụng trong lĩnh vực y-sinh (cảm biến) cho sự phát hiện ở nồng độ cực thấp và chẩn đoán sớm các bệnh hiểm nghèo (như ung thư, tiểu đường…) bởi độ nhạy quang học cao của chúng; đồng thời, chúng có thể ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực xúc tác: fuel cell và solar cell.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17081/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)